Sau khi bị thu hồi đất để mở đường, một gia đình trên đường Nguyễn Văn Huyên còn lại 1,7 mét vuông nhưng vẫn rao bán tới một tỷ đồng...
>>Các kỷ lục "đường đắt nhất hành tinh" ở Hà Nội đẻ ra một loạt vấn đề
Câu chuyện thật như đùa này đang diễn ra ở Hà Nội nhiều tháng nay khiến dư luận không khỏi bàn tán.
Chuyện xuất phát từ cuối tháng 6 vừa qua khi ông Nguyễn Phương Châm viết lên bức tường còn lại của gia đình dòng chữ: “Sau khi giải phóng mặt bằng gia đình tôi còn 1,7m2 đất, chiều dài là 10,85m, rộng là 14cm. Ai mua xin liên hệ số điện thoại….”. Dòng rao bán này ngay sau đó đã trở thành chuyện lạ trên con đường “đắt nhất hành tinh” Nguyễn Văn Huyên kéo dài.
Theo tìm hiểu của phóng viên, 1,7m2 đất gia đình ông Châm rao bán là phần đất hợp pháp còn lại của diện tích hơn 60m sau khi bị thu hồi gần hết để phục vụ dự án mở đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài.
Trao đổi với phóng viên Infonet, ông Châm cho biết, khi mở đường, gia đình bị thu hồi 58,5m2, diện tích còn lại 1,7m2 có giấy tờ đầy đủ, có giấy xác nhận đóng dấu của phường, của ban quản lý dự án quận, tức là có đủ tư cách pháp nhân với phần đất.
Bức tường được rao bán với giá 1 tỷ trên đường đắt nhất hành tinh Nguyễn Văn Huyên kéo dài. (Ảnh: Tuấn Minh)
|
Theo ông Châm, ông rao bán diện tích đất còn lại với mong muốn ai muốn mua nhà phía bên trong thì cũng phải liên hệ mua kèm phần còn lại của gia đình ông hoặc nhà bên trong có muốn mở cửa ra mặt đường thì cũng phải mua nốt.
“Tôi bán 100 triệu một mét dài. Nếu theo luật thị trường cứ 1m2 mặt đường “ăn” 4m2 bên trong thì 1,7m2 đất nhà tôi sẽ đổi được gần 7m2. Với giá mặt đường hiện nay là 350 triệu/m2 sẽ được hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tôi chỉ bán có 1,1 tỷ”, ông Châm nói.
Giống trường hợp nhà ông Châm, sau khi bị thu hồi đất để mở đường, 3 hộ dân khác trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài là: Phạm Văn An, Lê Thị Tuyết, Phạm Văn Cường còn lại 17,2 m2 đất.
Sau khi đường mới được mở, một hộ đã cho quây tôn lại và đăng số điện thoại lên để người mua có nhu cầu thì gọi tới. Tuy nhiên, do trong 17,2m2 này có 5,1m2 nằm trong chỉ giới; 12,1m2 là ngõ cụt đi vào 3 hộ nói trên, có nguồn gốc đất thổ cư được 3 hộ dân tự thỏa thuận bớt một phần làm ngõ phục vụ lối đi cho 3 hộ.
Cho nên sau khi bị rào lại các hộ liền kề chung ngõ đã có đơn thư phản ánh về việc lấp lối đi chung. Đỉnh điểm của sự việc, người dân viết đơn tố cáo về việc “xã hội đen” được thuê đến để “bảo kê”, in cả dòng chữ “đất của anh Bẩy” kèm theo số điện thoại trên bức tường tôn vừa được dựng.
Trao đổi về việc người dân rao bán bức tường 1,7m với giá 1 tỷ đồng, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam không tỏ ra ngạc nhiên về việc này.
Theo ông Liêm, khi mở đường, chủ dự án phải đền bù giải phóng mặt bằng với số tiền rất lớn. Do vậy, họ “cứ thẳng băng” tính tiền giải phóng mặt bằng đúng diện tích làm con đường. Nếu mảnh đất nào còn thừa vài m2, chủ đầu tư trả lại, không giải phóng hết vì vốn dự án được giao có giới hạn.
“Cách làm như vậy rất vô lý. Đất đó trả lại, người dân không dùng được vào việc gì. Bức tường không còn giá trị sử dụng nhưng chủ nhân vẫn xây tường, làm biển quảng cáo. Nếu nhà bên trong muốn được hưởng lợi thì phải chia phần”, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm phân tích.
Theo ông Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, để tránh những trường hợp tương tự, đơn vị làm đường phải tính đến cải tạo đô thị hai bên đường. Cụ thể, khi mở rộng hay mở mới tuyến đường đô thị phải giải phóng 2 bên đường một khoảng đất rộng. Lúc đó sẽ xây dựng nhà cao tầng tái định cư cho dân ở vào khoảng đất rộng mỗi bên đường.
Số đất hai bên đường còn lại (có giá trị cao) cho các doanh nghiệp bất động sản vào kinh doanh. Như vậy, nhà nước vừa có nguồn thu từ các doanh nghiệp bất động sản để bù chi phí làm đường, vừa xây dựng được con đường, đồng thời có con phố đẹp, văn minh.
DiaOcOnline.vn - Theo Infonet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: