Top

Hà Nội: Hơn nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang

Cập nhật 24/03/2018 08:19

Báo cáo trước đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội, lãnh đạo Cty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, có hơn một nghìn căn hộ tái định cư đang bỏ trống, trong đó 724 căn đã có quyết định của UBND thành phố nhưng người dân chưa đến làm thủ tục.


Khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính. Ảnh: PV.

Lãng phí quá lớn

Theo báo cáo, Cty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội tiếp nhận quản lý 166 nhà tái định cư với tổng số 14.211 căn hộ. Số căn hộ đã trả tiền mua nhà, bố trí tái định cư là 13.111 căn. Còn lại 724 căn đã bố trí tái định cư phục vụ dự án giải phóng mặt bằng có quyết định của UBND thành phố nhưng người dân chưa đến làm thủ tục. Cùng với đó có 376 căn hộ chưa bố trí tái định cư. Phát biểu tại buổi giám sát, ông Đoàn Việt Cường, Phó ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội cho biết, 376 căn hộ này thuộc các khu chung cư được tiếp nhận từ những năm 2003 trở lại đây.

Ví dụ như N6B Trung Hòa Nhân Chính tiếp nhận 5 căn từ năm 2003; CT1 Định Công tiếp nhận 10 căn từ năm 2004; N9 Trung Văn tiếp nhận 15 căn từ năm 2004; N6 Pháp Vân Tứ Hiệp tiếp nhận 30 căn từ 2005. “Đây là những số căn còn trống. Để như vậy 10 năm thì quá lãng phí. Đề nghị Cty cho biết tình trạng những nhà trên như thế nào? Kinh phí duy tu sửa chữa những căn nhà này thực hiện như thế nào? Cty đã báo cáo phương án với Sở Xây dựng, thành phố nâng cao tỷ lệ lấp đầy và thu hồi vốn chưa?”, ông Cường đặt câu hỏi.

Ông Cường cũng đặt vấn đề đối với 185 căn hộ Cty báo cáo đang cho thuê tạm sử dụng. Ông Cường thắc mắc, số căn hộ này Cty tự ký cho thuê hay cấp có thẩm quyền nào cho phép? Nếu tự cho thuê thì kinh phí này được quản lý, sử dụng như thế nào? Ngoài ra, theo kết luận của Thanh tra Nhà nước tháng 9/2015 đã yêu cầu phải thu hồi và truy thu số tiền thuê. Đến nay Cty thực hiện như thế nào?

Đối với 724 căn tái định cư đã có quyết định của UBND thành phố nhưng người dân chưa đến làm thủ tục nhận nhà, nộp tiền, Cty phải cho biết số lượng tập trung ở khu chung cư nào? Cty đã báo cáo Sở, thành phố để giải quyết chưa? Đối với các trường hợp đang thuê của Cty nhưng hết hiệu lực hợp đồng thì giải quyết thế nào? “Qua báo cáo, tôi thấy có một số trường hợp hết hiệu lực từ 2013, 2014, 2017 thậm chí có các trường hợp hết hợp đồng từ 2007, đề nghị Cty làm rõ thêm”, ông Cường đặt câu hỏi.

Làm rõ trách nhiệm

Giải trình trước đoàn giám sát, đại diện Cty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội thừa nhận, 376 căn hộ còn trống nằm rải rác ở nhiều tòa nhà, có những tòa nhà tiếp nhận từ năm 2003 nhưng số lượng tập trung chủ yếu ở các tòa nhà mới tiếp nhận như khu vực Linh Đàm, Phú Thượng. Vị này cho rằng, trách nhiệm của Cty là thực hiện bán nhà tái định cư theo quyết định của UBND thành phố. Khi có quyết định, Cty thực hiện theo đúng quy trình được giao. Số lượng những căn hộ trống là để dự trữ cho dự án đang thực hiện giải phóng mặt bằng nhưng chưa thực hiện được. “Vì thế căn trống đó không thể đưa ra bán được mà phải để hỗ trợ khi dự án kia có nhu cầu. Theo thông tin từ quản lý chúng tôi nắm được thì khả năng nó là như vậy”, vị này nói.

Về 185 căn hộ cho thuê sử dụng, đại diện Cty cho biết, số căn hộ này là những căn tạm cư để phục vụ các dự án đầu tư, cải tạo xây dựng lại một số chung cư nguy hiểm của thành phố như C1 Thành Công hiện đang tạm cư 110 căn tại N06 Dịch Vọng. Dự án này bị chậm mấy năm nay và các hộ dân vẫn đang tạm cư ở đây. Ngoài ra, còn nhiều dự án khác cũng tạm cư ở một số tòa nhà khác. “Việc tạm cư là quyết định của UBND thành phố bố trí và công ty chỉ thực hiện. Thành phố bố trí tạm cư chứ không phải là tái định cư và thành phố quyết định cho thuê”, vị này thông tin.

Về hơn 724 căn hộ có quyết định rồi người dân chưa đến nhận, đại diện Cty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội giải thích, thực tế đã có 279 căn người dân đã đến ở nhưng Cty chưa ký hợp đồng và cũng chưa nhận được tiền. Số còn lại thì rất khó để thông báo người dân đến thực hiện việc ký hợp đồng vì sau giải phóng mặt bằng không biết địa chỉ cụ thể của họ.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân nhận định, việc nhiều căn hộ tái định cư bỏ trống một thời gian dài, trong khi quỹ nhà tái định cư của thành phố rất thiếu là có trách nhiệm của Sở Xây dựng và Cty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội. “Trách nhiệm cụ thể như thế nào sau này đoàn giám sát sẽ có những phân định rạch ròi”, ông Quân kết luận.



DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong