Top

Hà Nội: Bùng nổ… nhà siêu mỏng!

Cập nhật 31/03/2008 09:00

Mốc 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến rất gần trên chiếc đồng hồ đếm ngược đặt ở khu vực trung tâm. Thế nhưng, cho đến nay, diện mạo thủ đô lại không ngừng bị nhếch nhác, biến dạng bởi những căn nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” đang có nguy cơ ngày càng lan tràn ở khắp mọi nơi.

Nhà siêu mỏng án ngữ nơi cửa ngõ

Đến thời điểm này, tuyến đường Hồ Tùng Mậu chạy dài hơn 2km, nối thị trấn Cầu Diễn (huyện Từ Liêm) lên cầu Mai Dịch - cửa ngõ đi vào nội thành Hà Nội theo tuyến quốc lộ 32 - vẫn còn ngổn ngang gạch đá xây dựng, dầu vậy dọc hai bên đường đã mọc lên rất nhiều nhà siêu mỏng. Trong đó, tiêu biểu là tại các địa chỉ nhà số 41, 43, 45, 47 thuộc tổ 15, thị trấn Cầu Diễn. Những căn nhà có chiều sâu chưa đầy 2m, diện tích rất nhỏ hẹp, chỉ từ 4 - 6m2/căn nhưng chủ nhà vẫn tranh thủ chắp vá, sửa sang để ở, làm cửa hiệu, cho các đại lý thuê bán hàng...

Cũng nằm ở cửa ngõ đi vào nội thành Hà Nội, ở đầu đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, kề sát Trung tâm Hội nghị quốc gia, thuộc làng Mễ Trì Thượng (Từ Liêm), vài căn nhà siêu mỏng cũng vừa hoàn thiện. Nhà ở đây mỏng đến nỗi tưởng chỉ cần một trận bão là… sẽ bị gãy gập như lá lúa.

Do án ngữ ở ngay cửa ngõ thủ đô nên những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo kể trên để lại ngay sự kỳ dị trong mắt người qua đường khi vừa “chạm” vào Hà Nội.

UBND huyện Từ Liêm cho biết, khi triển khai giải phóng mặt bằng để mở rộng tuyến quốc lộ 32 và đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, địa phương đã tổ chức họp bàn, nêu ra giải pháp “hợp thửa” bằng cách hướng dẫn các chủ hộ ở phía sau hoặc liền kề và chủ hộ có “đất siêu hẹp” tiến hành thương lượng, thỏa thuận để chuyển nhượng lại.

Song mọi nỗ lực đều không thành vì đất nằm ở mặt đường, chủ nào cũng hét giá cao vượt khỏi sức chịu đựng của người cần “hợp thửa”. Nhiều chủ nhà siêu mỏng, siêu hẹp cũng tỏ ra không thiết tha bán vì sau khi xây lên 4 - 5 tầng, cho thuê, mỗi tháng họ cũng kiếm được 8-10 triệu đồng/căn.

UBND huyện Từ Liêm cho biết cũng đang tỏ ra lo ngại về sự bùng nổ nhà siêu mỏng ở khu phía Tây Hà Nội, vì ở đây có nhiều dự án mở rộng đường sắp được thực hiện, nhất là khi triển khai dự án đường Hoàng Quốc Việt kéo dài.

Sẽ bùng nổ nhà siêu mỏng?

Cách đây 8 năm, tại Hà Nội, nhà siêu mỏng chỉ xuất hiện ở đường Đào Tấn (quận Ba Đình), dư luận đã kêu rầm trời. Thế nhưng đến nay, nhà siêu mỏng, siêu méo lại gần như tràn ngập khắp thủ đô.



Một căn nhà siêu mỏng trên
đường cao tốc Láng-Hòa Lạc.

Không chỉ có những ngôi nhà siêu mỏng nằm rải rác ở đường Nguyễn Phong Sắc, đường Lạc Long Quân, đường Giải Phóng… mà còn có những “phố nhà siêu mỏng” nằm san sát. Nhiều nơi như trên đường Giải Phóng, đoạn gần Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khu vực phía sau chợ Ngã Tư Sở thuộc đường Láng mở rộng, dọc đường Giang Văn Minh kéo dài, Liễu Giai kéo dài… nhiều căn nhà chỉ có diện tích 5-6m2, lòng nhà chỉ có 1-2m, vậy nhưng chủ nhân vẫn cất lên cao 4-5 tầng, thiết kế uốn éo theo thế đất.

Điều khó hiểu là mặc dù Hà Nội đã có quy định rõ ràng về nhà có diện tích dưới 15m2, có chiều dài hoặc chiều rộng dưới 3m sẽ không được cấp giấy phép xây dựng. Thế nhưng, những ngôi nhà siêu mỏng, méo vẫn cứ “vô tư” mọc chình ình như những “lưỡi đao” khổng lồ giữa phố phường?

Như một hệ lụy, cứ ở đâu có dự án mở rộng đường, mở mới đường là ở đó mọc lên nhà siêu mỏng. Dự án mới đây nhất là tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa (con đường được ví “đắt nhất hành tinh”) vừa hoàn thành thì nhà siêu mỏng, siêu méo cũng mọc lên tới tấp. Theo thống kê, ở đây có đến 77 miếng đất “siêu nhỏ, hẹp” có nguy cơ mọc lên nhà siêu mỏng. UBND quận Đống Đa (Hà Nội) đã vận động các hộ dân hợp thửa. Nhưng mới có 40% có kết quả. Còn lại 60% rơi vào tình trạng “bất khả thi”.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong quý 2-2008, Hà Nội sẽ bắt đầu “tổng điều tra” số lượng và vẽ “tọa độ” từng căn nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” để lên danh sách chỉnh trang, xóa sổ.

Theo ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, giải pháp có vẻ khả thi hiện nay là chính quyền sẽ tiến hành thu hồi lại những khu đất nhỏ, hẹp có nguy cơ biến thành nhà siêu mỏng để làm đất công hoặc sau đó tổ chức hợp khối, hợp thửa.

Tuy nhiên, cách này lại đang bế tắc ở việc lấy thêm ở đâu nguồn kinh phí để đền bù giải tỏa và giá đền bù theo quy định của nhà nước liệu có được người có đất, nhà siêu mỏng chấp thuận. Bởi nhiều căn nhà, chẳng hạn như dọc đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa hiện có giá lên tới 85-90 triệu đồng/m2. Trong khi giá đền bù của nhà nước chỉ là 35 triệu đồng.

Bởi vậy, theo quan điểm của ông Thọ thì, cơ quan thực hiện quy hoạch phải có trách nhiệm khắc phục tình trạng đất siêu hẹp, nhà siêu mỏng ngay từ khi nghiên cứu tiền khả thi, vẽ dự án….

Theo Sài Gòn Giải Phóng