Top

Hà Nam: Đất đã có, nhà vẫn chưa xây, công nhân không có chỗ ở?

Cập nhật 04/05/2009 09:40

Nhu cầu nhà ở của công nhân các khu công nghiệp trên địa bản tỉnh Hà Nam rất cao. Theo số liệu của Liên đoàn lao động tỉnh Hà Nam: 94 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh có 13.232 lao động, trong đó có trên 60% lao động ở ngoại tỉnh và quê xa phải thuê nhà trọ.

Trong khi đại bộ phận nhà trọ trong khu dân cư chỉ rộng từ 12 -16 m2 cho khoảng 4 đến 10 công nhân thuê, với giá từ 60.000 - 100.000 đồng/ người/ tháng. Và phần lớn nhà trọ không đảm bảo những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện nước. Qua khảo sát các doanh nghiệp thuộc hai khu công nghiệp Đồng Văn (huyện Duy Tiên) và Châu Sơn (thành phố Phủ Lý) có một vài doanh nghiệp có mức tiền lương trên 2.000.000 đồng/ người/ tháng, còn lại là trung bình 800 đến 1.200.000 đồng/ tháng. Với mức thu nhập như vậy, việc thuê nhà đối với người lao động là rất khó khăn. Chính vì vậy, việc xây nhà cho công nhân thuê với giá ưu đãi đang là vấn đề đáng quan tâm hiện nay nhằm giúp lao động có chỗ ăn ở phù hợp với điều kiện lao động sản xuất.

Được biết, ngay từ khi quy hoạch phát triển công nghiệp, tỉnh Hà Nam đã dành hơn 40 ha đất tại khu công nghiệp Đồng Văn để làm nhà ở cho công nhân. Đất đã có nhưng nhà vẫn chưa xây, công nhân không có chỗ ở phải thuê nhà trọ với giá cao. Với thực tế như hiện nay, không biết đến bao giờ công nhân ở các khu công nghiệp của Hà Nam mới có được ngôi nhà mơ ước - nhà ở xã hội - nhà ở cho công nhân có thu nhập thấp để họ yên tâm lao động.

Mặc dù các cấp lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã sớm nhận ra sự bức xúc của vấn đề nhà ở cho công nhân nhưng đến nay dự án xây nhà cho công nhân vẫn chưa thành hiện thực. Theo ông Lê Đình Ký, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Hà Nam: Nguyên nhân của việc chậm trễ xây nhà ở cho công nhân là do việc quy hoạch phát triển các khu công nghiệp thường không đồng bộ với quy định nhà ở và quy hoạch khu dân cư. Về phía doanh nghiệp, nếu xây dựng nhà ở cho công nhân thì chi phí này không được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh khi trích thuế thu nhập doanh nghiệp. Hơn nữa, vốn để doanh nghiệp xây nhà cũng là vấn đề khó khăn, xây nhà cho công nhân thuê với giá ưu đãi nhưng vốn vay để xây nhà lại tính theo lãi suất thị trường.

Xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê đang là vấn đề đặt ra cho các cấp quản lý. Bởi xây đã khó nhưng việc quản lý nhà ở công nhân như thế nào để nó thực sự là mái nhà chung cho những công nhân, giúp họ phần nào ổn định không phải canh cánh nỗi lo thuê nhà còn khó hơn. Ông Ký cho biết, để sớm có được nhà ở xã hội cho công nhân cần phải xây dựng hoàn thiện và thực hiện đồng bộ chính sách nhà ở. Trước hết, là phải quy hoạch tạo quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân đồng bộ ngay từ khi quy hoạch các khu công nghiệp. Cần có chính sách ưu đãi về vốn, lãi suất, thuế và cơ sơ hạ tầng khuyến khích các doanh nghiệp và người lao động bỏ vốn xây nhà; có cơ chế chính sách hợp lý khuyến khích các tổ chức, cá nhân bỏ vốn xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng