Top

Gộp Giấy chứng nhận bất động sản

Cập nhật 09/04/2009 10:40

Đất đai là lĩnh vực có tác động rất lớn đến việc triển khai cũng như tiến độ của các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. DĐDN có cuộc trao đổi với GS. TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về một số nội dung quan trọng liên quan đến đất đai cần điều chỉnh trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

* Theo ông, đâu là nội dung quan trọng nhất liên quan đến lĩnh vực đất đai cần điều chỉnh trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Đầu tư xây dựng cơ bản?

Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản là thống nhất Giấy chứng nhận bất động sản bao gồm quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cũng như thống nhất cơ quan đăng ký. Tôi nghĩ đây là việc cần phải làm ngay bởi nó đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 đã được thông qua là phải thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Việc này không chỉ giúp giảm các thủ tục hành chính mà còn giúp các DN nâng cao giá trị tài sản khi cần định giá để thế chấp, huy động nguồn vốn hiệu quả. Đưa nội dung này vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản là cần thiết vì nó là luật sớm nhất có thể ban hành trong thời gian tới liên quan đến đất đai.

* Quy định hiện hành của Luật đất đai còn có những bất bình đẳng giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước đối với việc thuê đất, theo ông, có cần thiết phải sửa đổi trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đấu thầu xây dựng cơ bản?

Trong thực tế vận hành pháp luật về đất đai, đúng là đã xảy ra tình trạng nhà đầu tư nước ngoài được trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian và nhà đầu tư trong nước phải áp dụng chế độ Nhà nước giao đất trả tiền sử dụng đất. Trong khi đó Nghị định 142/2005/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước lại tính tiền thuê đất chỉ bằng khoảng 30% tiền sử dụng đất. Như vậy làm cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ phải trả bằng 30% tiền sử dụng đất, trong khi đó nhà đầu tư trong nước phải trả 100% tiền sử dụng đất.

Luật Đất đai năm 2003 đã quy định nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn 1 trong 2 hình thức: thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian hoặc thuê đất trả tiền hằng năm. Nhà đầu tư trong nước được lựa chọn 1 trong 2 hình thức: giao đất trả tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm. Chúng ta chưa công nhận hình thức giao đất cho người nước ngoài nên Luật Đất đai phải thiết kế như vậy nhằm đồng nhất nội dung kinh tế giữa hai hình thức thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê của người nước ngoài và giao đất trả tiền sử dụng đất của nhà đầu tư trong nước.

Hiện nay Chính phủ đang xem xét ban hành một nghị định mới về thi hành Luật Đất đai, trong đó có lưu ý tới tình trạng chênh lệch giữa tiền thuê đất của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước. Vì vậy theo tôi không nên sửa nội dung này trong dự thảo luật mà để nghị định của Chính phủ điều tiết lại tiền thuê đất trả một lần đói với nhà đầu tư nước ngoài và Luật Đất đai sửa đổi sắp tới điều chỉnh vì nó còn liên quan đến vấn đề giao đất.

* Theo ông hướng điều chỉnh hoặc sửa đổi nên như thế nào?

Theo tôi, trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì tính bằng 100% tiền sử dụng đất. Khi nhà đầu tư nước ngoài không đồng ý thì chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm.

Trường hợp cần thiết thì chúng ta phải sửa theo toàn bộ hệ thống bằng cách công nhận ba hình thức:

Thứ nhất: Thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm đối với các dự án sử dụng đất có thời hạn: áp dụng cho cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài (chỉ có quyền giao dịch đối với tài sản gắn liền với đất).

Thứ hai: Thuê đất, trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với các dự án sử dụng đất có thời hạn: áp dụng cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài (có quyền giao dịch đối với cả quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất).

Thứ ba: Giao đất trả tiền sử dụng đất đối với các dự án sử dụng đất không thời hạn: áp dụng đầy đủ cho nhà đầu tư trong nước và áp dụng có thời hạn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Khi cần gia hạn thì nhà đầu tư nước ngoài được phép gia hạn mà không phải thực hiện thêm bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào.

* Xin cảm ơn ông !

“Nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ phải trả bằng 30% tiền sử dụng đất, trong khi đó nhà đầu tư trong nước phải trả 100% tiền sử dụng đất”.


DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp