Top

Giảm tối đa tác động từ cắt giảm đầu tư công

Cập nhật 16/05/2011 16:45

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng về triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ trong ngành giao thông, lĩnh vực chịu tác động lớn nhất của việc thắt chặt chính sách tài khóa, cắt giảm đầu tư công.

* Thưa Bộ trưởng, đâu là những tác động của chủ trương đình hoãn, cắt giảm đầu tư công tới việc thực hiện các dự án do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) quản lý?

Do có định hướng đúng trong việc xây dựng kế hoạch năm 2011, nên khi triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Bộ GTVT đã đảm bảo được sự chủ động và kịp thời, không có biến động lớn. Các cơ quan, đơn vị trong ngành đã thực hiện tốt các chỉ đạo của Bộ trong việc rà soát, điều chỉnh kế hoạch, lập danh mục các dự án tạm dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Đó là ưu tiên vốn cho các dự án hoàn thành trong năm 2011, các dự án có tính cấp bách, vốn đối ứng cho các dự án ODA.

Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng công tác xây dựng cơ bản hiện đã đạt được những kết quả quan trọng. Kết quả giải ngân trong quý I năm nay của các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đạt bình quân hơn 50% kế hoạch, vốn trái phiếu Chính phủ đạt hơn 66% kế hoạch.

* Sau khi đã đình hoãn, giãn tiến độ 75 tiểu dự án, thì số vốn còn lại để bố trí cho những dự án cấp bách là rất ít. Vậy Bộ GTVT đã có kế hoạch gì để sử dụng một cách hợp lý nhất nguồn vốn hạn hẹp này?

Ngay cả khi đã dừng số lượng lớn dự án, mức vốn trái phiếu chính phủ được giao trong năm 2011 (11,000 tỷ đồng) có khả năng đến tháng 6/2011 sẽ giải ngân hết. Bộ GTVT đang yêu cầu các cơ quan tham mưu tiếp tục rà soát lại kế hoạch đối với các công trình, dự án đầu tư, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ về việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ để có sự bổ sung, điều chỉnh hợp lý.

Theo đó, đối với nguồn vốn trái phiếu chính phủ và vốn ngân sách Nhà nước, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đúng về danh mục các công trình dự án tạm dừng, giãn tiến độ đã được phê duyệt, giải ngân kịp thời đối với khối lượng hoàn thành để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu. Đối với nguồn vốn ODA, chúng tôi yêu cầu các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, các đơn vị thi công tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án, đồng thời có cơ chế để kiểm soát, giám sát tốt các khoản tạm ứng của nhà thầu, tránh tình trạng nhà thầu sử dụng kinh phí tạm ứng sai mục đích.

Bộ GTVT cũng nhắc nhở các cơ quan quản lý nhà nước tuyệt đối ngăn chặn hiện tượng dự thầu giá quá thấp để trúng thầu bằng mọi giá, ảnh hưởng đến chất lượng công trình và tiến độ của dự án.

* Bộ GTVT đã đề ra những giải pháp nào để hạn chế những tác động tiêu cực của việc đình hoãn tiến độ các dự án không thuộc diện ưu tiên tiếp tục bố trí vốn?

Chúng tôi đã yêu cầu các chủ đầu tư rà soát lại hợp đồng với các nhà thầu (kể cả hợp đồng tư vấn giám sát, bảo hiểm công trình), chỉ đạo thi công gọn, dứt điểm những công việc dở dang, kiểm đếm xác định khối lượng đã thực hiện, vật tư, kết cấu bán thành phẩm cung cấp trên hiện trường... Đồng thời, tiến hành xem xét ký kết phụ lục hợp đồng bổ sung về các nội dung liên quan đến việc tạm dừng và giãn tiến độ do chưa bố trí được vốn.

Đối với những dự án thi công trên đường đang khai thác, phải phối hợp với các đơn vị quản lý khai thác đường (đơn vị nhận bàn giao khi đưa công trình vào sử dụng) và chỉ đạo các nhà thầu thi công xem xét đề xuất phương án tổ chức tốt công tác đảm bảo giao thông trên tuyến và kiến nghị nguồn vốn thực hiện; thống nhất phương án đảm bảo giao thông với cơ quan chủ quản dự án

* Với tư cách là bộ chủ quản, Bộ GTVT đã có chỉ đạo gì đối với tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước ngành giao thông trong việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ – CP, thưa Bộ trưởng?

Ngay từ đầu tháng 3/2011, Bộ GTVT đã đề ra Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, Bộ đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước rà soát lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, bảo đảm giá thành sản phẩm, dịch vụ ở mức hợp lý.

Các chủ đầu tư kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn vật tư, thiết bị nhập khẩu ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị xây dựng các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn do Nhà nước bảo lãnh, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tích cực nghiên cứu để sử dụng thay thế tối đa bằng hàng hóa, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước, góp phần vào mục tiêu giảm nhập siêu

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư