Top

Gỡ nhanh nút thắt trong GPMB

Cập nhật 30/10/2008 01:00

Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình trong buổi làm việc với Công ty TNHH phát triển T.H.T (do tổ hợp 5 công ty xây dựng Hàn Quốc thành lập) và các sở ngành của Hà Nội về việc đầu tư dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây (Khu đô thị mới Tây Hồ Tây) vào chiều ngày 29/10.

Theo đại diện của Công ty TNHH phát triển T.H.T (chủ đầu tư dự án): dự án Khu đô thị mới Tây Hồ Tây đã được khởi động, quá trình triển khai thực hiện chuẩn bị đầu tư từ năm 2006 đến nay. Dự án có quy mô 207,66 ha đất tại các quận Tây Hồ, Cầu Giấy và huyện Từ Liêm với số vốn đầu tư dự kiến hơn 314 triệu USD.

Dự án được triển khai phân ra nhiều giai đoạn. Theo đó, trong giai đoạn 1, công ty sẽ triển khai tại địa bàn huyện Từ Liêm trên diện tích 117 ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên đến tháng 4/2008, việc khảo sát hiện trạng 117 ha đất trên của các đơn vị đã bị tạm dừng do những vướng mắc trong thực hiện chính sách về bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp theo điều 48 Nghị định 84 của Chính phủ…

Bên cạnh đó, ý kiến từ Ban quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Hà Nội (đơn vị được giao làm chủ đầu tư một số dự án thành phần) cũng cho biết: Do đến tháng 6/2008, UBND TP Hà Nội mới ban hành Quyết định số 33/QĐ-UBND để tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách theo điều 48 Nghị định 84; nên việc triển khai các dự án thành phần (như các tuyến đường vào trung tâm khu đô thị mới Tây Hồ Tây, dự án khu tái định cư phục vụ xây dựng khu đô thị) phải phê duyệt lại phương án tổng thể và thực hiện lại quy trình phê duyệt nên cũng kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư dự án.

Mặt khác, ở dự án xây dựng Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, Công ty TNHH phát triển T.H.T đã ký hợp đồng với Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố (TTPTQĐTP) để thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án. Ở đó, trong 117 ha đất nông nghiệp nằm trên địa bàn huyện Từ Liêm, công ty lại chọn GPMB 20 ha đất ban đầu để có thể tiến hành lễ khởi công dự án.

Tuy vậy, hiện nay, TTPTQĐTP lại không thể thúc đẩy được việc tiến hành việc GPMB 20 đất do các cơ quan chức năng chưa thống nhất được việc đền bù diện tích đất trên là đất trồng lúa (theo quy định chỉ 8.000 đ/m2) hay đất trồng hoa cúc (100.000 đ/m2).

Phát biểu ý kiến kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Phí Thái Bình cho biết: Điều đáng quan tâm ở dự án Khu đô thị mới Tây Hồ Tây là đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội chọn là dự án trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Mặt khác, theo kế hoạch, chủ đầu tư dự án phải bàn giao 25,02 ha đất đã có cơ sở hạ tầng trong khu đô thị để thành phố phát triển trung tâm tài chính, ngân hàng lớn của Hà Nội.

Để những kế hoạch trên thành hiện thực, Phó Chủ tịch giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng của thành phố, trong thời gian tới phải quyết liệt vào cuộc, giải quyết những khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ của dự án.

Trong tuần tới, UBND TP sẽ tổ chức riêng một buổi làm việc để giải quyết dứt điểm những vướng mắc về chính sách liên quan đến GPMB với khoảng gần 2000 hộ dân cần phải di dời để thực hiện án Khu đô thị mới Tây Hồ Tây.

Trước mắt, Phó Chủ tịch đề nghị UBND huyện Từ Liêm, TTPTQĐTP tập trung vào GPMB khu vực đất nông nghiệp của huyện Từ Liêm để xây dựng tuyến đường số 4 - đường huyết mạch đi vào trung tâm Khu đô thị mới.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ giao cho TTPTQĐ quận Tây Hồ chuẩn bị vào cuộc để GPMB giai đoạn 2 trên địa bàn quận Tây Hồ. Sở Xây dựng sẽ phải kiểm soát lại quỹ nhà có thể di dân GPMB phục vụ cho dự án. Riêng việc GPMB của 2 khu tái định cư ở Xuân La, và Cổ Nhuế phục vụ cho dự án, Phó chủ tịch giao cho TTPTQĐ huyện Từ Liêm và Tây Hồ thực hiện.

Mặt khác, Ban quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Hà Nội phải có trách nhiệm thúc đẩy các dự án thành phần các tuyến đường số 4, 5, 1, 2, 3 đi vào Khu đô thị mới. Hơn nữa, do dự án Khu đô thị mới Tây Hồ Tây có ý nghĩa quan trọng, nên UBND TP sẽ tổ chức giao ban hàng tháng để kịp thời kiểm điểm tiến độ thực hiện, và để dự án này không lỗi hẹn với kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Trung tâm khu đô thị mới Tây Hồ Tây sẽ bao gồm các trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ quốc tế, khách sạn cao cấp, văn phòng giao dịch, nhà ở, quảng trường trung tâm, trục đi bộ trung tâm, cây xanh, mặt nước... Dự kiến, đến năm 2014, dự án mới được hoàn thành.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới