Top

Gỡ chậm tiến độ

Cập nhật 08/03/2010 11:45


Nhiều công trình trọng điểm chậm tới 5-7 năm vì vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: Đức Thanh
“Tiến độ chậm” đang trở thành một nguyên nhân chính khiến giải ngân chậm, sử dụng không hiệu quả cũng như gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn.

Thủ tục lắm, nhà thầu kém…

Ông Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng một nguyên nhân khiến các dự án chậm tiến độ từ ngay giai đoạn chuẩn bị đầu tư chính là thủ tục hành chính.

Qua rà soát các quy trình thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản, tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện ra có 412 thủ tục. Từ khi đầu tư đến khi hoàn thành, dự án phải trải qua 12 -18 con dấu. Quảng Ninh cũng đã đề xuất điều chỉnh 78% thủ tục nhằm tạo điều kiện cho các dự án, công trình hoàn thiện đúng thời hạn.

Còn trong quá trình triển khai triển khai, các công tác chuẩn bị đầu tư, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng dự án, thẩm định và phê duyệt dự án hầu hết chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều dự án, công trình phải chỉnh sửa thiết kế và tổng dự toán đã dẫn tới chậm tiến độ triển khai dự án.

Tổng hợp của các Bộ ngành, địa phương cho thấy, có 6.478 dự án phải thực hiện điều chỉnh trong 6 tháng đầu năm 2009, chiếm hơn 20,2% tổng số dự án. Trong đó có 48 dự án nhóm A, chiếm 6,5% tổng số dự án nhóm A.

Cũng theo thống kê của các Bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ dự án chậm tiến độ năm 2009 là 12,7% mà nguyên nhân được chỉ ra là, thủ tục đầu tư xây dựng, công tác đấu thầu còn mất nhiều thời gian, năng lực nhà thầu còn hạn chế dẫn.

Để phá băng các “điểm nghẽn” này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương từ nay đến hết quý I/2010 phải rà soát lại thể chế, thủ tục và những vấn đề còn vướng mắc trong lĩnh vực thủ tục hành chính trong xây dựng cơ bản.

Cạnh đó, quá trình chuẩn bị đầu tư dự án, công trình cần phân cấp mạnh để nâng cao trách nhiệm từng khâu nhưng vẫn tạo ra sự thông thoáng cho các nhà đầu tư thực hiện nhiệm vụ của mình.

Để thúc đẩy nhanh các quy trình này, Thủ tướng đặc biệt lưu ý các Bộ, ngành và địa phương phải lựa chọn đội ngũ tham mưu là các Ban quản lý, nhà thầu tư vấn cũng như các chủ đầu tư có đủ năng lực, trình độ để đẩy nhanh tiến độ dự án một cách hiệu quả.

“Gỡ rối” cho giải phóng mặt bằng!

Giải phóng mặt bằng cũng là một nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án, là nhận xét của ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, khi hàng loạt các công trình trọng điểm của ngành này chậm tới 5-7 năm vì vướng giải phóng mặt bằng. Ngay những dự án lớn của Thủ đô như Cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 Nội Bài, đường 32, đường Hà Nội – Thái Nguyên, Cao tốc Nội Bài – Vĩnh Phúc hiện cũng rất mắc ở khâu này.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, khó nhất trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản của Hà Nội là giải phóng mặt bằng. Theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP, khi thu hồi đất nông nghiệp phải đền bù lại đất dịch vụ cho người dân, nhưng các dự án gần trung tâm Hà Nội không có đất dịch vụ, phải trả người dân bằng tiền, gây nhiều bất cập.

Vì vậy, ông Nguyễn Thế Thảo đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh, bổ sung Nghị định 69 quy định rõ hơn về cách thức, trình tự và trách nhiệm trong việc tổ chức di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Bên cạnh đó UBND TP Hà Nội cũng đề nghị cho phép áp dụng cơ chế ứng vốn xây dựng khu tái định cư cho các dự án giao thông từ nguồn vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án đầu tư trên địa bàn để có nguồn vốn chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư; ưu tiên cho TP Hà Nội được thực hiện thí điểm một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật lớn theo mô hình hợp tác công tư.

Với thực tế năm 2009 thu được hơn 40.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất, thuê đất, lệ phí, ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị Thủ tướng cho để lại các khoản thu này cho các địa phương, phục vụ đầu tư các dự án, hỗ trợ người dân bị giải tỏa. Song song với đó là tăng cường đấu giá quỹ đất và trích một phần từ nguồn thu này để thành lập quỹ phát triển đất, tạo ra quỹ đất sạch sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Cho rằng, giải phóng mặt bằng là vấn đề khó, liên quan đến quyền lợi của nhân dân, các địa phương cần vận động tuyên truyền người dân chấp hành đúng chủ trương chính sách của Nhà nước, nếu một bộ phận cố tình dây dưa, không chấp hành thì phải cưỡng chế, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng ý đề nghị cho địa phương dùng số tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất để đền bù giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch phát triển các dự án tiếp theo.

“Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn tiền này không thể tuỳ tiện, mà phải dành một phần để chuẩn bị cho công tác tái định cư, ổn định đời sống cho người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được yêu cầu sớm hoàn thiện trình Thủ tướng ban hành một Chỉ thị để chỉ đạo thống nhất việc tăng cường quản lý đầu tư và xây dựng theo hướng đưa ra các nhiệm vụ trực tiếp, cụ thể đối với các Bộ, ngành, địa phương cũng như từng đơn vị triển khai dự án để đảm bảo mục tiêu xuyên suốt là huy động tối đa các nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư theo đúng tinh thần Nghị quyết Quốc hội và Chính phủ.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư