Top

Hôm nay dìm đốt hầm Thủ Thiêm xuống đáy sông Sài Gòn

Cập nhật 08/03/2010 10:45

Theo kế hoạch, 9 giờ sáng nay, việc dìm đốt hầm thứ nhất sẽ bắt đầu. Đến ngày 10.3, công việc tiếp theo là nối thông đốt thứ nhất với đường dẫn phía Thủ Thiêm. Đốt thứ hai sẽ được kéo và dìm vào ngày 5 – 6.4, đốt 3 vào ngày 4 – 5.5, đốt cuối cùng ngày 4 – 5.6.


Tàu đang kéo và đẩy đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên vào vị trí bên quận 2. Ảnh: Phan Quang

Trước đó, vào đúng 13 giờ 30 ngày 7.3, đốt hầm đầu tiên của hầm Thủ Thiêm đã được bốn chiếc tàu của công ty tàu kéo Sriacha – Thái Lan đưa về đích an toàn sau khi vượt đoạn sông dài 22km từ khu vực bể đúc ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai về quận 2, TP.HCM. So với dự tính, hầm được đưa về đích đúng giờ dù xuất phát chậm hơn dự kiến đến 40 phút do đợi cho con nước thuận lợi nhất.

7 giờ 40 sáng 7.3, khi đốt hầm rời khỏi bể đúc thì chiếc máy bay trực thăng của sư đoàn 370 cũng cất cánh bay bên trên chở các chuyên gia tư vấn. Ở dưới sông, hàng chục canô làm công tác cảnh báo, bảo vệ, thông luồng… với hơn 20 đơn vị chức năng tham gia. Ở đoạn từ khu vực bể đúc đến ngã ba Đèn Đỏ nhờ sông rộng nên đoàn tàu kéo đã di chuyển với tốc độ 5km/h.

Đến khoảng 9 giờ 30, đốt hầm đi qua mũi Đèn Đỏ, qua hai khúc cua khá ngặt từ sông Nhà Bè đổ vào sông Sài Gòn để đi qua cầu Phú Mỹ. Đây là hai vị trí đã được cảnh báo trước là khó khăn nhất trong hành trình nên đoàn tàu kéo phải di chuyển chậm lại với tốc độ 3km/h.

Kể từ đây về đến vị trí lắp đặt đoàn tàu kéo đi với vận tốc khi nhanh, khi chậm nhưng trung bình là trên 4km/h. Đúng theo kịch bản, giao thông tại cầu Phú Mỹ đã bị tạm ngưng trong một giờ, chỉ có phóng viên báo chí được phép có mặt trên cầu để ghi hình sự kiện này.

Theo ông Nguyễn Đỗ, một trong những kỹ sư trưởng thi công hầm Thủ Thiêm, thuộc nhà thầu Obayashi Corporation (Nhật Bản), trong suốt quá trình lai dắt không có bất kỳ một tàu lạ cũng như vật trôi nguy hiểm nào đi vào luồng của tàu kéo.

Ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND TP.HCM, nói: “Hầm dìm Thủ Thiêm là công trình trọng điểm của thành phố, có ý nghĩa lớn khi trở thành hầm vượt sông đầu tiên của cả nước và lớn nhất Đông Nam Á. Việc kéo thành công đốt hầm đầu tiên về đích an toàn, đúng với kịch bản đề ra tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc tiến hành dìm các đốt hầm kế tiếp”.

Hầm Thủ Thiêm là công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam thuộc dự án đại lộ Đông Tây. Đường ngầm này bắt đầu chui dưới sông bởi hai đoạn dẫn hai bờ quận 1 và quận 2. Dự kiến tháng 2.2011 sẽ thông xe kỹ thuật qua hầm.

Theo ông Nguyễn Đỗ, tường bao đốt hầm có bề dày 1,15m, tường giữa vách ngăn 8 tấc, mặt cắt ngang của hầm rộng 33,3m bao gồm hai hướng lưu thông với ba làn xe mỗi bên. Vận tốc thiết kế của hầm là 60km/h. Trong hầm có hai đường thoát hiểm hai bên… Khi lắp đặt hoàn thiện hầm ngầm Thủ Thiêm sẽ có độ dốc 4%. Với độ dốc như vậy, theo ông Đỗ, sẽ hơi khó khăn cho xe máy lưu thông.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị