Top

Được, mất từ những dự án sân golf - Bài 1: Loạn sân golf

Cập nhật 12/09/2008 01:00

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 144 dự án sân golf. Nhưng theo Hiệp hội Golf Việt Nam, hiện chỉ có 17 sân golf đang hoạt động.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ba lần yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá việc cấp phép đầu tư các dự án sân golf.

Nhiều địa phương đã cấp phép làm sân golf ngay trên những vùng đất nông nghiệp màu mỡ. Nếu thiếu cân nhắc, các dự án này sẽ góp phần thu hẹp đất nông nghiệp, ảnh hưởng an toàn lương thực.

Cuối tháng 8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có Công văn 5559 truyền đạt ý kiến Thủ tướng về việc cấp phép và quản lý dự án sân golf. Theo đó, việc cấp phép đầu tư sân golf chỉ được thực hiện sau khi các tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã báo cáo và Thủ tướng có kết luận chỉ đạo cụ thể.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT đề xuất cơ chế nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng danh nghĩa xây dựng sân golf để giữ đất hoặc khai thác trái mục đích được cấp phép.

Đồng thời yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương rà soát, đánh giá đối với đầu tư sân golf về sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, diện tích đất sử dụng của từng sân golf, xác định cụ thể hiệu quả cũng như những bất lợi...

Đây là lần thứ ba trong năm nay Chính phủ yêu cầu các địa phương rà soát việc đầu tư và hoạt động sân golf.

Ba cơ quan, ba số liệu

Theo Bộ KH-ĐT, cả nước có 144 dự án sân golf, trong đó có 78 dự đã được cấp giấy phép đầu tư và 66 dự án đã cho chủ trương thuận vị trí đầu tư hoặc đã ký kết biên bản ghi nhớ giữa nhà đầu tư và các địa phương.

Cách đây không lâu, một báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết cả nước có 123 sân golf được chấp thuận về chủ trương đầu tư và được cấp phép xây dựng với tổng diện tích gần 38.500 ha, trong đó có hơn 15.200 ha đất nông nghiệp, trong số này có hơn 2.400 ha diện tích đất trồng lúa.

Cùng thời điểm báo cáo của Bộ TN-MT, theo số liệu của Trung tâm Thông tin khoa học công nghệ quốc gia, cả nước có 141 sân golf ở 39 tỉnh, sử dụng hơn 49.200 ha đất, trong đó có hơn 2.600 ha trồng lúa. Ba cơ quan chức năng trung ương có ba số liệu về dự án sân golf đã được cấp khác nhau.

Điều đó cho thấy từ trước đến nay, việc quản lý các dự án sân golf, mỗi dự án hàng trăm ha đất canh tác không được quan tâm một cách thống nhất.

Những dự án “xí phần” đất?


Từ tháng 7-2006, Chính phủ phân cấp việc cấp phép đầu tư sân golf về cho tỉnh, thành. Nếu theo báo cáo mới nhất của Bộ KH-ĐT vào đầu tháng 9, cả nước có 144 dự án sân golf thì chỉ sau hai năm được phân cấp các địa phương đã cấp đúng 110 dự án sân golf, nhiều hơn gấp hai lần số dự án sân golf Chính phủ cấp phép trong suốt 16 năm.

Bộ KH-ĐT đã kiến nghị Chính phủ phải xây dựng quy hoạch sân golf, xem xét lại các dự án sân golf đã cấp phép mà xâm lấn đất canh tác lúa và không tiếp tục cấp phép cho dự án sân golf chiếm đất nông nghiệp.

Theo Hiệp hội Golf Việt Nam, hiện cả nước chỉ có 17 sân golf đi vào hoạt động. Như vậy, với 127 dự án còn lại nếu tính bình quân mỗi dự án 100 ha thì cả nước có đến 12.700 ha đất đang bỏ không hoặc không sử dụng vào mục đích đầu tư sân golf.

Có một câu chuyện có thật: Tháng 5-2008, sau khi tỉnh Long An cấp phép 13 dự án sân golf và tiếp nhận hồ sơ xin đầu tư năm dự án sân golf khác với diện tích hơn 9.500 ha. Nghe tin, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc gọi điện thoại cho lãnh đạo tỉnh và được trả lời chỉ mới cấp ba sân golf thôi!

Trong thực tế, sau khi Long An “bùng nổ” cấp phép sân golf, tỉnh ủy tỉnh này sau khi rà soát quyết định chỉ cho phép đầu tư ba dự án, các dự án còn lại phải chuyển mục đích đầu tư khác chứ không phải “chỉ mới cấp ba sân golf thôi” như lãnh đạo tỉnh trả lời Bộ trưởng Võ Hồng Phúc.

Giao quyền là quyết

Từ khi thẩm quyền cấp phép dự án đầu tư sân golf được phân cấp về cho tỉnh, thành (tháng 7-2006), các địa phương đã thi nhau có chủ trương thuận vị trí đầu tư, cấp phép hàng loạt sân golf.

Một dự án sân golf tại vùng lúa cao sản Hậu Giang đã được chấp thuận đầu tư với diện tích 232 ha. Quanh Hà Nội đã và đang xây dựng bảy sân, đồng bằng Bắc bộ có tới 25 sân, Nam Trung bộ hàng chục sân.

Điều đáng nói, phần lớn sân golf không xây trên các đồi cát ven biển hay đồi dốc cằn cỗi không canh tác được mà cấp phép xây dựng ngay trên những khu vực đất canh tác, nhiều nước và có cảnh quan đẹp.

Tỉnh Long An có ngày phê duyệt cùng lúc hai dự án sân golf, có trường hợp ba dự án duyệt trong vòng bốn ngày. Long An đã phân bố tại huyện Cần Giuộc đến bảy dự án, với 3.179 ha.

Thủ Thừa có ba dự án, rộng 912 ha. Nếu năm hồ sơ xin đầu tư sân golf với diện tích 1.936 ha tại các huyện Bến Lức, Đức Huệ, Cần Giuộc được phê duyệt, tỉnh Long An là địa phương “vô địch” cả nước với 18 dự án sân golf, tổng diện tích 9.500 ha, phần lớn là đất nông nghiệp.

Tại TP.HCM cũng có 13 dự án sân golf được cấp nhưng chỉ có một sân golf Việt Hoa ở quận 9 đi vào hoạt động. Năm sân khác đã được cấp giấy phép đầu tư với tổng diện tích 1.262 héc ta (ở quận 2, 9, Tân Bình, Bình Chánh, Củ Chi) đang bị bỏ hoang. Vừa qua, UBND TP đã phải ra thông báo tạm ngưng cấp giấy phép cho các dự án đầu tư xây dựng sân golf.

Tại Lâm Đồng, năm 2007 dự kiến quy hoạch 5 sân golf nhưng đến nay toàn tỉnh đã có 10 dự án sân golf đã được chấp thuận chủ trương và cấp phép đầu tư với tổng diện tích đất và mặt nước đến hơn 6.500 ha.

Trong đó chỉ có một sân golf Đà Lạt đi vào hoạt động. Vốn đăng ký vào 10 dự án sân golf này lên đến 832 triệu đôla, nhưng hiệu quả kinh tế-xã hội của các dự án đến đâu còn là một ẩn số.

Sân golf đã bùng nổ thành một “phong trào” đe dọa nền an ninh lương thực quốc gia. Theo một tính toán cuả Bộ NN-PTNT, bình quân một héc ta đất canh tác có 10 lao động nông nghiệp.

Như vậy, với 144 dự án sân golf đã được thuận vị trí đầu tư hoặc được cấp phép trên cả nước với gần 50 ngàn ha đất, đã tác động đến cuộc sống của gần nửa triệu người dân.

Hiện nay sân golf không liệt vào loại kinh doanh đặc biệt, Thủ tướng giao thẩm quyền cho UBND các tỉnh, thành phê duyệt và quyết định đầu tư nhưng phải nằm trong quy hoạch sử dụng đất.

Trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất năm năm Quốc hội biểu quyết một lần thông qua quy hoạch sử dụng đất của cả nước. Căn cứ quy hoạch đó Chính phủ làm kế hoạch sử dụng đất cho từng tỉnh, từng địa phương và được các thành viên Chính phủ biểu quyết bằng phiếu kín.

Trong kế hoạch sử dụng đất khi Quốc hội thông qua có đất cho khu công nghiệp, đất cho dịch vụ, đất nông nghiệp, đất thổ cư, đất giao thông cơ sở hạ tầng... Như vậy, quỹ đất ở đâu ra mà các tỉnh, thành lại ký hàng loạt dự án? Đành phải lấy đất nông nghiệp, đất thổ cư để làm... sân golf.


Theo Pháp Luật TP