Top

Dung Quất: Nan giải nhà ở công nhân

Cập nhật 05/05/2008 09:00

Đến thời điểm này, tại Khu kinh tế Dung Quất đã có gần 25.000 công nhân, kỹ sư, chuyên gia đang làm việc. Lượng lao động tập trung đông trong một thời gian ngắn đã gây sức ép lớn về việc giải quyết nơi ăn chốn ở cũng như các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt.

Nhà ở cho công nhân: Mới đáp ứng 25%!

Chỉ riêng các “đại gia” như Nhà máy lọc dầu, Nhà máy đóng tàu, Tổng Cty xây lắp Lilama, việc xây dựng và bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt cho cán bộ, công nhân khá tươm tất. Còn lại, hầu hết chuyện ăn ở của kỹ sư, công nhân của các nhà thầu khác gần như bị bỏ rơi. Dạo quanh các khu ở của công nhân, lao động, đập vào mắt là những túp lều, nhà nghỉ tạm bợ, tồi tàn, tìm mỏi mắt mới được vài dãy tập thể bố trí ngăn nắp.

Số lượng công nhân, lao động đến Dung Quất tăng đột biến trong thời gian gần đây. Theo thượng tá Dương Văn A, Trưởng Đồn Công an Dung Quất, trên địa bàn KKT Dung Quất có 178 đơn vị thi công và sản xuất với 20.000 công nhân, kỹ sư, 600 người nước ngoài và hơn 5.000 lao động phổ thông.

Theo điều tra sơ bộ, chỉ có khoảng 25% công nhân, lao động có chỗ ở tương đối, còn 75% ăn ở tạm bợ, chủ yếu là ở nhà thuê trong dân, không đảm bảo các điều kiện về sinh hoạt và an ninh trật tự. Vấn đề tổ chức ăn ở, sinh hoạt cho công nhân, người lao động tùy thuộc vào mức độ quan tâm của các nhà thầu, doanh nghiệp.

Các nhà thầu như Nhà máy lọc dầu, Cty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất, đều bố trí xây nhà ở cho công nhân, lao động. Khu nhà ở của kỹ sư, công nhân nhà máy lọc dầu gần 5ha, giải quyết chỗ ở cho 400 kỹ sư, công nhân.

Hiện nay, nhà máy đang xây dựng khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở 5 tầng, dự kiến vào đầu năm 2009 sẽ bố trí cho 800 kỹ sư, công nhân. Còn Cty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất đã xây dựng hơn 200 căn hộ tập thể, hộ gia đình cho 500 CBCNV. Bên cạnh đó, Cty đang tiếp tục xây dựng khu nhà ở, dịch vụ trên diện tích 7,3 ha, giải quyết chỗ ở cho 1.000 công nhân, kỹ sư.

Một số đơn vị mặc dù chưa đi vào sản xuất nhưng cũng đã khởi công xây dựng nhà ở cho CBCNV như Cty TNHH Doosan - Vina có dự án xây nhà ở chung cư cho 2.000 công nhân, kỹ sư; Cty phát triển hạ tầng Dung Quất xây hai khu nhà ở, giải quyết được gần 1.000 chỗ ở cho công nhân trên tổng số 6.400 công nhân, lao động làm việc tại phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất.

Thực tế tại Dung Quất, số đơn vị lo chỗ ở cho công nhân không nhiều. Đa số các công nhân phải tự xoay xở nơi ăn chốn ở. Các khu nhà ở được công nhân thuộc Cty CP Xây lắp dầu khí thuê trong khu dân cư, được dựng bằng tre, nứa, lá dừa rất nhếch nhác, mất vệ sinh.

Một số lán trại khác của công nhân thuộc Đội cầu 14, một đơn vị thuộc Tổng Cty công trình XDGT I (Cienco I) gần khu vực Cảng Dung Quất quá chật chội, bức bối bởi chỉ lắp ghép bằng tôn cũ tạm bợ.

Dịch vụ:  Trống rỗng!

Số lượng công nhân, lao động tăng đột biến khiến một nơi thiếu kinh nghiệm làm dịch vụ - thương mại như huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi tất yếu rơi vào thế lúng túng, bị động. Ngoài các quán cơm “bình dân hơn cả bình dân”, các quán cà phê “mờ hơn cả mờ” và các quán nhậu tạm bợ thì không còn dịch vụ nào.

Và để giải trí sau những giờ lao động, công nhân, lao động chỉ còn cách đến với quán nhậu để lai rai. Vì thế các quán nhậu luôn “cháy hàng”.

Tại Dung Quất hiện nay chưa có siêu thị, trung tâm dịch vụ hoặc một cửa hàng bách hoá để thoả mãn nhu cầu mua sắm cho nhiều đối tượng. Giá cả tiêu dùng lại đắt, nhất là các loại hàng hoá, vật dụng thiết yếu. Một số nhà hàng, khách sạn mọc lên nhưng giá trên trời, không hợp túi tiền eo hẹp của công nhân.

Trong khi đó, nhiều nhà thầu xem việc ăn ở cho công nhân là “chuyện ngoài tầm”, tỏ thái độ thờ ơ, lảng tránh khi các cơ quan chức năng đề cập trong những cuộc họp giao ban hàng tháng tại KKT Dung Quất. Và thế là các vấn đề xã hội tiêu cực, phức tạp nảy sinh là điều tất yếu. Câu chuyện nan giải về chỗ ăn chốn ở cho công nhân vẫn là chuyện dài kỳ chưa có hồi kết.

Theo Tiền Phong