Top

Mánh khóe độc chiêu qua công chứng: Phần 1: Vay nợ thành đặt cọc mua nhà

Cập nhật 04/05/2008 09:00

Ra tòa không có giấy tờ xác nhận vay nợ là thua. Nếu quên làm thủ tục xóa nợ tại phòng công chứng thì coi chừng phải gánh nợ tiếp!

Thời gian qua, nhiều trường hợp người dân đến phòng công chứng hỏi thêm, hỏi lại về hợp đồng đã được công chứng. Sau khi được giải thích, họ mới chết điếng nhận ra là đã chủ quan, sơ suất một cách oan uổng khi làm giấy tờ vay tiền nên phải đối mặt với cảnh mất tiền hoặc mất nhà.

Quên thanh lý hợp đồng đặt cọc

Mấy ngày gần đây, bà ĐTT, chủ một doanh nghiệp kinh doanh máy vi tính, ăn không ngon, ngủ không yên. Bà cho biết trước đó nhập một lô máy tính nhưng bị kẹt tiền nên nhờ bạn chỉ giúp người cho vay. Theo thỏa thuận, bà T. vay 250 triệu đồng, mỗi tháng phải trả lãi 13% với điều kiện phải thế chấp căn nhà ở Bình Dương cho chủ nợ. Để chắc ăn, người cho vay yêu cầu bà T. chuyển hợp đồng thế chấp nhà thành hợp đồng đặt cọc mua bán nhà. Hai bên cùng đến Phòng Công chứng số 3 (TP.HCM) công chứng hợp đồng đặt cọc mua bán nhà. Sau khi ký hợp đồng, bà T. chỉ nhận được 225 triệu đồng. Bên cho vay giải thích 25 triệu đồng còn lại là tiền lãi tháng đầu tiên cộng thêm tiền “cò” môi giới của người bạn.

Một tháng sau, bà T. đem tiền chuộc lại giấy tờ nhà. Hai bên trao trả giấy tờ và nhận tiền, cùng xé giấy nợ vay tiền xem như chấm dứt hợp đồng. Sau vài tháng, bỗng bà T. nhận được một cú điện thoại yêu cầu bà phải thực hiện đúng hợp đồng đặt cọc: một là giao nhà, hai là bồi thường tiền đặt cọc, còn không thì vác chiếu đi hầu tòa. Lúc này bà T. mới biết mình đã quên đến phòng công chứng làm thủ tục thanh lý hợp đồng đặt cọc mua bán nhà trước đây. Luật sư cho biết trường hợp của bà sẽ thua chắc nếu ra tòa.

Hứa bán nhà mà “lơ” cục nợ

Vợ chồng bà HHC (nhà ở quận 1, TP.HCM) thấy một tờ báo đăng quảng cáo một căn nhà tại quận 12 có hai lầu đúc giá khá rẻ. Xem nhà xong, vợ chồng bà C. thích ngay và hỏi giấy tờ chủ quyền nhà. Chủ nhà cho biết vì kẹt tiền nên đã đem nhà thế chấp vay nợ, nếu vợ chồng bà C. đồng ý mua nhà thì cứ việc đặt cọc, chủ nhà sẽ dùng tiền cọc đó chuộc lại giấy tờ nhà và bán cho vợ chồng bà C. Vợ chồng bà C. bàn tính nếu đặt cọc như thế thì dễ bị lật kèo. Chủ nhà bày cách hai bên ra công chứng làm hợp đồng hứa bán nhà. Ngẫm nghĩ cũng hợp lý nên vợ chồng bà C. đồng ý. Hai bên đến Phòng Công chứng số 5 (TP.HCM) làm hợp đồng hứa bán nhà.

Cầm hợp đồng về, vợ chồng bà C. trông đến ngày mua nhà. Nhưng chờ ba tháng qua mà không thấy bên kia bàn việc bán nhà, vợ chồng bà phải kiện ra tòa. Thẩm phán phụ trách vụ kiện mời bên bán đến hỏi tại sao lại không bán nhà thì được trả lời là có hứa bán nhà cho vợ chồng bà C. nhưng bây giờ đổi ý không muốn bán nữa. Tòa đành phải tuyên vợ chồng bà C. thua kiện vì hợp đồng hứa bán nhà không hề ràng buộc gì về nghĩa vụ và các khoản bồi thường nếu một trong hai bên đổi ý.

Mua nhà giá rẻ bằng độc chiêu

Trường hợp của ông TKH xem ra còn bi đát hơn. Do cần một số tiền lớn để gửi cho người em tại Mỹ, ông H. giấu vợ vay tiền bên ngoài với lãi suất 3%/tháng. Người cho vay đề nghị phải thanh toán tiền trong vòng ba tháng kèm theo phải làm một hợp đồng bán nhà, ông H. được giữ hợp đồng bản chính, bên cho vay sẽ giữ giấy tờ nhà. Sau ba tháng, nếu ông không trả hết nợ và lãi suất thì ông mất đứt căn nhà. Ông H. đồng ý vay tiền với phương thức đó, hai bên ra công chứng làm hợp đồng bán nhà. Cầm luôn bản hợp đồng của bên mua, ông H. tưởng đâu đã chắc ăn.

Nào ngờ một tháng sau, bỗng nhiên công an phường xuống nhà thông báo có người thưa ông H. chiếm dụng nhà của họ. Người thưa trình ra bản hợp đồng mua bán kèm theo giấy chủ quyền nhà bản chính. Quá bất ngờ, ông H. đến phòng công chứng hỏi cho ra lẽ. Thì ra người cho vay đã đến phòng công chứng yêu cầu trích lục hợp đồng mua bán và được phòng cấp bản sao theo quy định. Có hợp đồng mua bán, người cho vay đã đem giấy tờ đi đăng bộ. UBND quận thấy giấy tờ của người này hợp lệ và không có ai ngăn chặn nên cho sang tên chủ quyền nhà.

Như vậy, người cho vay đã mua được căn nhà của ông H. vào thời điểm đó giá khoảng 1,3 tỷ đồng với giá chỉ một tỷ đồng. Cán bộ công chứng thấy tình cảnh ông H. tội nghiệp nên hướng dẫn ông kiện ra tòa nhưng cũng không ăn thua gì vì ông không chứng minh được việc ông vay nợ. Cuối cùng, tòa phải tuyên hợp đồng mua bán là hợp pháp. Ông H. đã than thở sao mình quá dại để cả nhà phải ra đường.

Theo một thẩm phán Tòa dân sự, hiện nay có rất nhiều trường hợp kiện tụng về mượn nợ nhưng lại thể hiện bằng hợp đồng đặt cọc, hứa bán nhà. Muốn thắng kiện thì người vay nợ phải có chứng cứ chứng minh việc vay nợ, chẳng hạn như giấy tờ xác nhận trả lãi hàng tháng. Nếu không thì buộc phải thực hiện hợp đồng mua bán nhà.

Theo Pháp Luật TP.HCM