Top

Dự luật đăng ký bất động sản (BĐS): Không rõ ràng, vẫn phiền hà

Cập nhật 15/10/2008 01:00

Để tiến tới cấp một giấy đăng ký cho cả nhà và đất, khi soạn thảo dự án Luật Đăng ký BĐS, Chính phủ giao Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, trực thuộc Sở TN-MT thẩm quyền cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (SDĐ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Dự kiến, giấy mới sẽ có tên là “GCN quyền SDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”. Thế nhưng, khi thẩm tra vấn đề này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) cho rằng, quy định này chỉ gây tốn kém và làm phiền hà cho dân.

Để bảo vệ quan điểm của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, hiện pháp luật có nhiều văn bản qui định về đăng ký BĐS như các luật: Đất đai, Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh BĐS, Bảo vệ và phát triển rừng.

Chức năng quản lý về đăng ký BĐS cũng thuộc nhiều cơ quan như Bộ TN-MT quản lý về đăng ký quyền SDĐ, Bộ Xây dựng quản lý đăng ký quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng, Bộ Tư pháp quản lý đăng ký giao dịch bảo đảm.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ quan đăng ký BĐS cũng được tổ chức phân tán tại các địa phương. Sự phân tán về thẩm quyền, tổ chức các cơ quan đăng ký đã khiến người dân phải tìm đến hai cơ quan khác nhau để đăng ký một việc.

Muốn bán nhà ở, người dân phải đến Văn phòng đăng ký quyền SDĐ để làm thủ tục chuyển nhượng quyền SDĐ, đến Sở Xây dựng đăng ký quyền sở hữu nhà ở. Chính vì vậy, Chính phủ cho rằng việc giao cho Văn phòng Đăng ký quyền SDĐ thẩm quyền cấp GCN quyền SDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch.

Thế nhưng, không ít người tỏ ra lo ngại trước đề xuất này. Nguyên nhân do việc cấp GCN quyền SDĐ là một trong những nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, không thể và không nên giao cho Văn phòng Đăng ký BĐS.

Hơn nữa, việc hình thành hệ thống Văn phòng Đăng ký quyền SDĐ đồ sộ bên cạnh hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cấp tỉnh, huyện sẽ gây những xáo trộn, tốn kém không cần thiết. Việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về đăng ký BĐS từ một số bộ, ngành cho một số cơ quan thực hiện... cũng cần phải được nghiên cứu một cách thận trọng để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền phân tích: Xác lập quyền sở hữu là do UBND, người đại diện cho quyền lực nhà nước cấp, còn đăng ký là để phục vụ nhu cầu giao dịch. Nếu gom các loại “giấy hồng”, “giấy đỏ” thành một giấy và giao cho Văn phòng Đăng ký BĐS cấp là không ổn.

Quy định như thế thì Văn phòng Đăng ký BĐS bao trùm lên cả cơ quan chính quyền và chính quyền lại đi giúp việc cho nơi này. Nghĩa là chính quyền xác lập quyền sở hữu, sau đó lại đem sang Văn phòng Đăng ký BĐS thì mới được cấp giấy “gốc”. Như vậy, người dân lại phải qua nhiều cửa.

Bà Lê Thị Thu Ba - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nhận xét: Chính phủ nói là xây dựng Luật Đăng ký BĐS để tách bạch quan hệ hành chính và quan hệ dân sự. Nhưng quy định “một giấy” và trao thẩm quyền cho Văn phòng Đăng ký BĐS vừa công nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu, lại vừa là nơi đăng ký để giao dịch là không thống nhất.

Mặt khác, Văn phòng Đăng ký BĐS là đơn vị thực hiện dịch vụ công thì không có thể có thẩm quyền cấp “giấy đỏ”, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ tịch QH cũng đồng ý với quan điểm chỉ những người có nhu cầu chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp BĐS mới cần đến cơ quan nhà nước để khi phát sinh vấn đề về pháp lý thì được bảo vệ quyền lợi.

“Nếu như tôi có miếng đất, tôi xây nhà ở suốt đời, không có nhu cầu thì việc gì phải đăng ký? Việc sở hữu, sử dụng, có nhu cầu chuyển nhượng thì quan hệ hành chính, dân sự, kinh tế đan xen chặt chẽ với nhau. Giờ phải tách biệt tôi thấy không thuyết phục” - ông Kiên nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền thẳng thắn nhận xét: Các ủy viên UBTVQH mà còn thấy quan điểm xây dựng và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật rất lằng nhằng, khó hiểu thì người dân có thể tiếp cận được hay không?

Do đó, thay vì ban hành một đạo luật độc lập về đăng ký bất động sản, QH và Chính phủ nên rà soát, sửa đổi những vướng mắc trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các luật có liên quan đến cấp GCN quyền SDĐ và tài sản gắn liền với đất, sửa đổi, bổ sung ngay những quy định chưa phù hợp trong các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH đề nghị: Trong chương trình xây dựng luật năm 2009, chưa cần thiết phải ban hành Luật Đăng ký BĐS vì phạm vi điều chỉnh, nội dung của dự án luật này không rõ ràng, trùng lắp với Luật Đất đai và nhiều luật khác.


>Xây dựng dự luật đăng ký bất động sản: Lúng túng từ mục tiêu ban đầu


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới