Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Tham Lương (giai đoạn I) tại TPHCM tiếp tục đội vốn khủng, dự kiến lên tới 171 triệu USD/km.
Đội vốn hơn 700 triệu USD
Báo Đầu tư đưa tin, cho đến thời điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan cho ý kiến sớm nhất đối với Văn bản số 8378/VPCP-KTN ngày 14/10/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành - Tham Lương (giai đoạn I) do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thể hiện sự quan ngại lớn liên quan suất đầu tư tuyến metro số 2 của TP.HCM dự kiến lên tới 171 triệu USD/km (đã trừ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng).
“Con số trên chưa kể bổ sung hạng mục Nhà ga Bến Thành của tuyến tàu điện ngầm số 2 và công ty vận hành bảo dưỡng”, ông Hoàng Như Cương, Phó trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM thừa nhận.
Nhà ga trung tâm của các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM. Ảnh: Báo đầu tư
|
Trước đó, theo báo cáo của lãnh đạo TP.HCM, lần điều chỉnh Dự án thứ hai này sẽ không làm thay đổi phạm vi, quy mô chiều dài tuyến, mà chỉ thay đổi một số yếu tố mang tính cục bộ và chi tiết kỹ thuật của công trình và chỉ tập trung vào các vấn đề chủ yếu như điều chỉnh thiết kế các nhà ga ngầm, bổ sung xây dựng phần kết cấu nối với các tuyến đường sắt đô thị khác, tối ưu hóa giải pháp gia cố đất nền…
Mặc dù vậy, tổng mức đầu tư của Dự án vẫn sẽ tăng từ 1.374,5 triệu USD lên 2.074,8 triệu USD (khoảng 726 triệu USD), trong đó, chi phí xây dựng và mua sắm tăng từ 740,56 triệu USD lên 1.242 triệu USD (tăng 67,76%).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt lưu ý việc đội chi phí rất lớn tại 2 gói thầu xây lắp của Dự án, đó là Gói thầu CP3 (hầm và các nhà ga ngầm) tăng từ 403,79 triệu USD lên 773,99 triệu USD, tăng 91,68%; Gói thầu CP4 (cầu cạn, nhà ga trên cao…) tăng từ 21,17 triệu USD lên 65,56 triệu USD (tăng 209,68%).
Đây là mức tăng được cho là rất lớn, nhất là khi Dự án vừa được điều chỉnh lại cách đây 2 năm (2013).
Nhiều dự án cùng đội vốn
Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên (metro số 1) cũng là một trong những dự án được đánh giá là đội vốn khủng. Tuyến đường được phê duyệt năm 2007 có tổng vốn đầu tư 1,09 tỉ USD. Ban đầu dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng sau đó điều chỉnh sang năm 2020 mới hoàn thành. Dự án khởi công hạng mục đầu tiên vào 2.2008 và trong quá trình triển khai đến nay, tổng đầu tư nhảy vọt lên 2,47 tỉ USD (tăng thêm khoảng 1,4 tỉ USD).
Theo giải thích của UBND TPHCM, tuyến metro số 1 được nghiên cứu từ năm 2006, khi đó ở Việt Nam chưa có đầy đủ các định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình metro. Sau khi cập nhật các yếu tố cho thấy, vốn tăng chủ yếu do sự biến động giá của một số nguyên, nhiên vật liệu, tăng lương tối thiểu trong 3 năm qua (2006 – 2009), làm vốn các gói thầu tăng khoảng 40%.
Đặc biệt, tiến độ dự án bị chậm kéo dài thời gian hoàn thành đến 2020 cũng làm thay đổi các điều kiện tính toán tổng mức đầu tư (tỉ giá, các chi phí lãi vay, dự phòng, rủi ro, trượt giá đến năm 2019).
Trước đó, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến trên cao Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc. Dự án có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD (tương đương 8.770 tỉ đồng), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 419 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 133,86 triệu USD. Tuy nhiên đến thời điểm năm 2015, dự án này đã bị đội vốn lên tới hơn 1,1 tỉ USD và vẫn đang trong quá trình xây dựng.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: