Top

"Bắt bệnh" BĐS TP.HCM: Đầu cơ lớn, kém minh bạch

Cập nhật 16/11/2015 10:50

Thị trường bất động sản phát triển không bền vững, thiếu minh bạch thông tin, thủ tục hành chính nhiêu khê, thiếu định hướng quy hoạch chung, chính sách phát triển nhà ở xã hội...

Nói về thực trạng thị trường bất động sản (BĐS) tại TP.HCM, TS. Phạm Thái Sơn, Phó chủ nhiệm đề án Thực trạng, tiềm năng, giải pháp và định hướng phát triển thị trường bất động sản TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 20130, cho hay, theo thống kê trong vòng 7 năm, từ năm 2003 đến năm 2010, giá nhà tại TP.HCM đã tăng gần 400%. Chính sự phát triển quá nhanh đã tiềm ẩn nguy cơ “bong bóng”, thực tế cho thấy sau giai đoạn “nóng sốt” thị trường nhà đất TP.HCM đã chạm đáy và mới bắt đầu phục hồi từ cuối năm 2014 đến nay.

Theo TS. Sơn trong công tác phát triển nhà ở tại TP.HCM đang có nhiều tồn tại như các dự án phân bổ không đồng đều, tập trung đa số ở các quận vùng ven, thủ tục rườm rà làm kéo dài thời gian triển khai dự án. TS Sơn nêu ví dụ đối với dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, dự án chỉ định chủ đầu tư có quy mô nhỏ hơn 20ha thì mất 464 ngày làm thủ tục. Còn dự án lớn hơn thì phải mất 486 ngày.

Chương trình phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM nói riêng gặp khó khi không đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.

Hệ quả của công tác quản lý “nặng” về thủ tục giấy tờ và thiếu định hướng quy hoạch chung kéo theo số lượng dự án không triển khai hoặc bị thu hồi ngày càng tăng. Cụ thể, theo thống kê, vào năm 2013 có 85 dự án nhà ở bị thu hồi, con số này đã tăng lên 165 vào năm 2014. Tính đến tháng 8/2015 đã có 189 dự án bị thu hồi.  

Một đặc điểm nổi bật của thị trường BĐS Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong thời gian qua chính là tính thiếu minh bạch thông tin. Theo báo cáo hằng năm của John Lang LaSelle, Việt Nam đứng thứ 68 trong bảng xếp hạng Chỉ số minh bạch Bất động sản toàn cầu.

Theo TS. Sơn sự thiếu minh bạch thông tin dẫn tới phổ biến hiện tượng đầu cơ. Một khảo sát của một công ty BĐS trong nước cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2011 – 2014 có 20% người mua nhà có mục đích đầu cơ. Con số này còn cao hơn nhiều trong thời gian thị trường BĐS nóng sốt.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet