Top

Dự án bãi đậu xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám

Cập nhật 24/07/2007 15:00

Sắp tới, TP.HCM sẽ có những công trình lần đầu tiên xuất hiện: bãi đậu xe ngầm. KT&ĐS giới thiệu một số thông tin về bãi đậu xe ngầm dưới công viên Lê Văn Tám - giúp bạn đọc hình dung một phần hình dáng, quy mô công trình.


Theo công ty IUS, dự án xây dựng bãi đậu xe và dịch vụ công cộng ngầm đầu tiên trên địa bàn TP đã được Bộ Xây dựng thông qua thiết kế. Địa điểm xây dựng là phần ngầm bên dưới công viên Lê Văn Tám. Hiện công ty IUS đang xúc tiến việc thi công công trình.


Công viên Lê Văn Tám toạ lạc tại khu vực đông dân cư của quận 1, giáp quận 3, giữa ba tuyến đường lớn là Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng và Võ Thị Sáu. Đây là một vị trí rất thuận lợi để xây dựng bãi đậu các xe ô tô, xe máy và cũng tiện lợi cho xe cộ từ nội thành cũng như liên tỉnh ra vào trung tâm thành phố, Hơn thế nữa, vị trí này là giao điểm của hai tuyến đường sắt nội đô dự kiến, trong tương lai sẽ tạo ra một lượng khách hàng rất lớn cho dự án.


Công trình có diện tích mặt bằng xây dựng 29.240m 2, tổng diện tích sàn là 103.255m 2, trong đó diện tích bãi đậu xe và hạ tầng kỹ thuật là 72.321m 2, diện tích khu thương mại và dịch vụ công cộng là 30.904m 2 .


Công trình có kích thước mặt bằng 170x172m. Chiều sâu tổng cộng 15m, chia làm hai khu vực: khu thương mại dịch vụ công cộng có ba tầng hầm với chiều cao các tầng lần lượt 6m, 4,5m và 4,5m, Bãi đậu xe có 5 tầng hầm, chiều cao mỗi tầng là 3m. Tổng số chỗ đỗ của bãi là 2.705 xe, trong đó 1.250 chỗ cho xe du lịch, 2.024 chỗ cho xe hai bánh, 28 chỗ cho xe bus, xe tải. Tại các tầng đều có thể bố trí bãi đỗ xe cho người tàn tật.


Các lối ra, vào được bố trí riêng cho từng loại xe. Lối ra vào dành cho xe buýt, xe khách và xe tải được thiết kế thẳng, đảm bảo cho các loại xe này xuống tầng B1 đựơc dễ dàng, các lối dành cho xe con và xe hai bánh đựơc thiết kế theo đường xoắn ốc để giảm độ dốc. Hệ thống thang máy, thang cuốn đảm bảo nhu cầu lên xuống của khách và nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến tất cả các tầng. Có cầu thang bộ được thiết kế dự phòng khi mất điện hoặc trường hợp thoát hiểm khẩn cấp.



Bản vẽ phối cảnh lối xuống

Tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 650 - 700 tỉ đồng, thời gian xây dựng gần 2 năm, dự kiến bắt đầu thi công trong năm 2007. Hiện các cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần IUS đã cam kết góp 200 tỉ đồng, chiếm 30% nhu cầu vốn đầu tư cho dự án. Một nhóm các ngân hàng kết hợp cùng tổng thầu xây dựng, nhà thầu quản lý, đơn vị khai thác sơ bộ cam kết cho vay 50 - 60% vốn đầu tư, 10 - 20% còn lại sẽ đựơc huy động qua việc bán cổ phiếu phổ thông và mua trả chậm các trang thiết bị.



Việc thi công công trình ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của công viên trong khi thi công và khai thác không gian ngầm.


Trong thời gian khoảng 6 tháng thi công xây dựng đầu tiên, phương án thi công được chọn sẽ làm ảnh hưởng đến khoảng 1/4 diện tích công viên, tuy nhiên chủ đầu tư sẽ cố gắng duy trì hoạt động của công viên trong 3/4 diện tích còn lại. Phần diện tích phía trên tầng hầm sẽ được khôi phục ngay sau khi thi công xong phần kết cấu trần của tầng hầm. Dự kiến kéo dài khoảng 18 tháng, việc thi công chỉ làm ảnh hưởng khoảng 10% diện tích công viên.


Bên cạnh bãi đậu xe ở công viên Lê Văn Tám, TP.HCM còn đang xúc tiến xây dựng các bãi đậu xe ở công viên Bách Tùng Diệp, công viên Chi Lăng và bãi đậu xe ngầm dưới lòng đường Nguyễn Huệ.

Bản vẽ mặt bằng tầng hầm thứ 2 của bãi đậu xe ngầm, tầng thứ 3 cũng tương tự

        Bản vẽ phối cảnh nhìn từ đáy giếng trời trong hầm đậu xe

Các bản vẽ mặt cắt giúp hình dung cấu trúc của hầm ngầm chứa xe từ nhiều góc độ khác nhau

Theo Minh Triết - Sài Gòn Tiếp Thị