Top

Hà Nội có thêm một Nhà hát lớn

Cập nhật 24/07/2007 11:00

Sở Xây dựng Hà Nội vừa cho biết đã chính thức được giao là chủ đầu tư xây dựng Nhà hát lớn Thăng Long qui mô 23.000m2 tại xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm).

Dự kiến ban đầu, nhà hát lớn Thăng Long sẽ cao từ 2 đến 4 tầng, tọa lạc trên khu đất có ký hiệu X2 thuộc xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm) tổng diện tích 23.000m2, trong đó diện tích sàn sử dụng khoảng gần 9.000m2. Nhà hát sẽ gồm các khối chính như: khối khán giả, khối các hoạt động phục vụ, khối kỹ thuật phụ trợ và khối hành chính.

Riêng giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng nhà hát này (với các nội dung: thu thập số liệu, tài liệu làm cơ sở lập dự án; khoan khảo sát địa chất; tổ chức tham quan khảo sát, học tập kinh nghiệm về đầu tư xây dựng và quản lý nhà hát; lập và trình duyệt dự án...) đã được ngân sách Thành phố cấp 1.500 triệu đồng. Kinh phí chuẩn bị đầu tư sẽ chuẩn xác lại sau khi dự toán được duyệt.

Hiện, chủ đầu tư - Sở Xây dựng Hà Nội đang hoàn tất nhiệm vụ lựa chọn đơn vị tư vấn lập dự án và thi tuyển, lựa chọn phương án kiến trúc. Thời gian hoàn thành chuẩn bị đầu tư vào khoảng tháng 12/2007 và dự kiến khánh thành nhà hát vào năm 2012.

Như vậy, sau Nhà hát lớn Hà Nội - một công trình kiến trúc được coi là phiên bản thu nhỏ của Nhà hát Quốc gia Paris (Opéra national de Paris), kết hợp với lối kiến trúc cổ Hy Lạp và kiểu lâu đài Tuylory do Pháp xây dựng đầu thế kỷ XX, một thế kỷ sau (đầu thế kỷ XXI này) dân Thủ đô mới lại được kỳ vọng sẽ có thêm một nhà hát lớn hoàn toàn xây dựng mới chứ không thừa hưởng.

Nhất là, với diện tích chiếm đất 23.000m2 (gấp 9 lần mặt bằng Nhà hát lớn Hà Nội), nhiều ý kiến cho rằng hoàn toàn có "đất" để thi thố, thể hiện sao cho đến tầm một nhà hát quốc gia và quốc tế, một tác phẩm kiến trúc phản ánh văn hóa Việt!

Vấn đề còn lại là ở "trình độ" người thiết kế và bản lĩnh của những người phê duyệt có dám chấp nhận một "phá cách" để Thủ đô có riêng cho mình một công trình văn hóa đẹp, độc đáo, không na ná và mờ nhạt lẫn vào trăm nghìn công trình khác hay không? Một nhà hát - không chỉ là một "khán phòng" thỏa mãn sức chứa vài nghìn người một lúc, mà nó còn được mong chờ như một công trình văn hóa có giá trị lớn cả về kiến trúc, mỹ thuật và lịch sử, là một phần của "bộ mặt đô thị" tương lai.

Bên cạnh đó, dự án Nhà hát lớn Thăng Long lại không phải chịu sức ép về tiến độ cần hoàn thành trước Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội (mà chỉ trong danh mục các công trình sẽ khởi động nhân dịp này) nên càng không có lý do gì vội vã cho ra đời một "sản phẩm non yểu" cả về kiến trúc lẫn công năng, tầm vóc. Bởi lẽ, chắc chắn không người dân nào lại muốn phải đến nhà hát lớn thứ ba Thủ đô mới được thực sự tự hào và cùng một công xây dựng, sao không đặt "mốc phấn đấu" cho nó thành tuyệt tác để đỡ lãng phí tiền của Nhà nước, nhân dân?

Được biết, cùng với Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội có trách nhiệm phối hợp xác định nội dung và qui mô đầu tư dự án Nhà hát lớn Thăng Long này.

Theo VietNamNet