Top

“Đòn bẩy” cho doanh nghiệp địa ốc

Cập nhật 04/04/2020 10:36

Gói kích cầu 250 ngàn tỷ đồng của Chính phủ trong đại dịch COVID-19 đang được kỳ vọng là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp địa ốc lấy lại "phong độ" sau khi hứng chịu hàng loạt tác động từ dịch bệnh.

Nhiều ki-ốt giao dịch bất động sản mọc lên tại các dự án bỏ không tại Đà Nẵng

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, hiện vẫn còn khá sớm để đánh giá tổng quan sự ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tác động sơ bộ đến thị trường bất động sản hiện nay đã rất rõ ràng: Người mua nhà với mục đích để ở giảm, dân đầu tư thoái lui khỏi thị trường nhằm bảo toàn nguồn vốn.

Thị trường đang ghi nhận sự sụt giảm trong số lượng giao dịch. Các chủ đầu tư cân nhắc liệu có nên mở bán thêm dự án mới trong tình hình hiện nay. Một điều chắc chắn là nhu cầu nhà ở của khách hàng nước ngoài đã sụt giảm trong thời gian vừa rồi.

Với gói kích cầu mới ban hành, theo ông Sử Ngọc Khương, các doanh nghiệp BĐS có thể kỳ vọng vào việc cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Với mọi doanh nghiệp, thủ tục hành chính được xem là gánh nặng nhiều năm. Đây thực sự là giải pháp vực dậy doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh, là thứ bất mà doanh nghiệp luôn cần.

Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, giúp tăng tốc độ phát triển kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng.

Mặc dù mang lại rất nhiều lợi ích, song chuyên gia của Savills cho rằng, gói kích cầu trên nên xem xét tách biệt các nhóm ngành kinh tế với nhau. Bởi doanh nghiệp trong từng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác nhau sẽ có khó khăn riêng và mỗi khó khăn đòi hỏi cách giải quyết phù hợp thay vì đứng trên bình diện chung. Vì vậy, thực tế này đòi hỏi nhu cầu về sự ra đời của các ban tư vấn Chính phủ riêng rẽ, nhằm giải quyết cho từng nhóm ngành phù hợp.

Đơn cử, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần giải quyết vấn đề về thủ tục, tỷ giá hối đoái, mua bán ngoại tệ; hoặc doanh nghiệp về vận tải công cộng sẽ gặp các vấn đề phát sinh về giá xăng dầu, số lượng khách...

Dẫn chứng kinh nghiệm sử dụng gói kích cầu hiệu quả từ các nước trên thế giới, ông Đỗ Viết Chiến – Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, Trung Quốc không ưu tiên quá nhiều cho các DNNN (vì các DNNN có hiệu quả đầu tư thấp, hệ số sử dụng vốn – ICOR quá cao) mà khuyến khích và đặt trọng tâm lớn hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp tư nhân, đầu tư mạnh vào nông thôn để tạo việc làm.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc rất chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo các khoản đầu tư của Chính phủ được sử dụng đúng mục đích. Trung Quốc đã lập 24 tổ kiểm tra gồm các thành phần ủy ban cải cách, đại diện các bộ, ngành đến từng địa phương, từng công trình đầu tư kiểm tra tiến độ, giảm tối thiểu xảy ra lãng phí, tham nhũng.

Các chuyên gia dự báo, dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát và qua đi, nền kinh tế không ảnh hưởng nhiều để gây nên khủng hoảng. Thị trường sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2020, hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng trưởng, các doanh nghiệp bất động sản mở bán lại, các nhà đầu tư quay lại thị trường. Như vậy nhà đầu tư có thể tìm mua bất động sản vào quý II và dự kiến giao dịch sôi động vào quý III.

Việc thực hiện gói hỗ trợ tài chính của Nhà nước ở thời điểm hiện tại có ý nghĩa rất lớn nhưng cũng cần phải có sự hài hòa lợi ích của cả doanh nghiệp và Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước cần phải xác định đúng đối tượng cần được thụ hưởng, tránh việc doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn để đáo hạn nợ xấu.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN