Tại cuộc họp ngày 22/2 giữa lãnh đạo UBND TP HCM với hơn 300 doanh nghiệp (DN) địa ốc do hiệp hội BĐS TP HCM (HOREA) tổ chức. Nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận, trong đó tiêu biểu nhất là việc ngân hàng siết chặt cho vay BĐS, đánh thuế lũy tiến, thủ tục nhà đất còn nhiêu khê được các DN kiến nghị.
Ông Hoàng Vũ – Giám đốc công ty TNHH Thanh Bình cho biết: hiện có hơn 70% doanh nghiệp kinh doanh địa ốc nhỏ và vừa, họ cũng phải vay mượn nguồn vốn mới làm được dự án. Còn người có thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở bắt buộc phải vay ngân hàng. Bởi một căn hộ vùng ngoại thành hiện nay "bèo" nhất cũng 500 triệu đồng, còn gần hơn nội thành một chút thì cũng đã 1-2 tỉ đồng, không cho vay tiền thì chỉ có bó tay.
Giờ ngân hàng siết chặt và tăng lãi suất cho vay lấy tiền đâu ra để doanh nghiệp và người dân vay?. Trong khi đó, thủ tục xin đầu tư một dự án nhà ở cho người nghèo phải 2 -3 năm mới xong, lúc xây dựng thì giá đã tăng lên rất nhiều. Làm sao người nghèo mua nổi nhà?".
Hầu hết, các DN đều đồng tình với kiến nghị của Horea về ban hành thuế tài sản BĐS với mức đóng cố định như cách làm của Singapore chỉ đóng 4%/năm đối với nhà để ở và 12% đối với nhà mua để kinh doanh, không đánh thuế lũy tiến. Thuế này không nên áp dụng đối với DN vì trên thực tế DN đã nộp các loại thuế, kể cả thuế thu nhập DN.
Nói về thực trạng thị trường địa ốc Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành - Nguyễn Văn Đực, bức xúc: “Thị trường hiện có đến 6 không. Thứ nhất, không giải tỏa được mặt bằng, bởi chính quyền hầu như không can thiệp vào việc giải phóng mặt bằng cho DN, dẫn đến nhiều dự án chỉ còn 1% diện tích chưa đền bù cũng đành phải để đó. Thứ hai, không khởi công, bởi theo thủ tục từ lúc lập dự án đến khi khởi công phải mất ít nhất 3 năm trở lên. Thứ ba, không được kinh doanh “non”, theo quy định 153 quy định doanh nghiệp phải xây xong phần móng mới được huy động vốn.
Thứ tư, không còn DN vừa và nhỏ, “sân chơi” chỉ còn lại DN lớn trong nước và nước ngoài. Thứ năm, không có căn hộ nên không thể hạ giá. Nguồn cung nhà đất không đủ cầu. Trong khi đó, thủ tục nhiêu khê, không phù hợp đã dẫn đến nhiều chương trình phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp thất bại, nhà ở xã hội chậm... Hậu quả dẫn đến việc tích trữ, đầu cơ, chợ đen đẩy giá lên quá cao. Thứ sáu, “không hiểu được”, tức là “đẻ” ra nhiều quy định, càng cải tiến thì càng phức tạp.
Ghi nhận những kiến nghị của DN, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín nói: hiện nay đội ngũ làm công tác quy hoạch còn thiếu nên đã xảy ra sự bất cập trong quy hoạch đô thị của thành phố. Trong quý I/2008 sẽ làm xong bản quy hoạch chi tiết 1/2000, công khai tất cả các đồ án để doanh nghiệp, người dân biết mà đầu tư hiệu quả. Không nên quy định cứng nhắc về mẫu nhà tại các dự án mà phải linh hoạt để dự án đa dạng về mẫu nhà, hài hòa về màu sắc, chỉ quy định về "phần cứng" như mật độ, tầng cao, khoảng lùi....
Ngoài ra, thủ tục hành chính phải hết sức tinh giản, không để nhà đầu tư gửi hồ sơ lên rồi không biết bao giờ sẽ giải quyết, phải công khai quy trình này, nếu không cán bộ sẽ thừa cơ để gây nhũng nhiễu. Khi hoàn thành bảng quy hoạch sẽ chuyển xuống cho quận huyện trực tiếp quản lý. Đồng thời việc xây dựng nhà ở xã hội và chung cư trong thời gian sắp tới sẽ do Chủ tịch UBND Quận huyện chịu trách nhiệm chứ không do Sở ngành.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: