Với dân số gần 13 triệu người, trong đó phần lớn là dân nhập cư, nhu cầu về nhà ở tại TP. HCM, nhất là nhà ở có giá trung bình thấp đang rất lớn. Tuy nhiên, nguồn cung phân khúc này hiện lại khan hiếm, trong khi các dự án cao cấp lại liên tục được doanh nghiệp triển khai và tung ra thị trường.
Thị trường bất động sản TP. HCM, cũng như Hà Nội đang xuất hiện tình trạng lệch pha cung cầu. Ảnh: Lê Toàn
|
Nghịch lý cung cầu
Gia đình anh Trần Văn Nam, công nhân Xưởng in Việt Thành đã vào TP. HCM lập nghiệp được hơn 10 năm. Tuy nhiên, hiện nay, vợ chồng anh và 2 người con vẫn đang thuê một căn hộ với diện tích khoảng 30 m2 tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức để ở. Khi được hỏi về nhu cầu mua nhà, anh Nam chia sẻ, 2 vợ chồng cũng đã có ý định và đi xem nhiều nơi, nhưng với mức thu nhập trung bình của 2 vợ chồng hàng tháng khoảng 10 triệu đồng, thì khó có thể mua nhà được.
Hiện nay, để tìm được một căn hộ giá rẻ cho những người có thu nhập thấp như gia đình anh Nam là rất khó. Trước kia, chỉ cần có khoản tích lũy 600 - 700 triệu đồng là có thể mua được 1 căn hộ, nhưng nay, căn hộ diện tích từ 40 - 60 m2 cũng phải có giá từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
Không chỉ gia đình anh Nam, theo ghi nhận của Đầu tư Bất động sản tại nhiều khu vực của TP. HCM, đặc biệt là ở gần các khu công nghiệp, hoặc khu tập trung người lao động phổ thông, khi hỏi đến nhà ở, ai cũng tỏ ra thích thú, nhưng sau đó lại buồn xa xăm, bởi việc sở hữu nhà ở với họ chỉ là giấc mơ khó thành hiện thực.
Anh Hùng, một người làm trong ngành cơ khí ở quận 9 bộc bạch, hai vợ chồng anh đã có thời gian làm việc và thuê phòng ở quận 9 hơn 8 năm và dành dụm được hơn 500 triệu đồng. Thời gian qua, rảo nhiều nơi để tìm mua đất, nhưng với số tiền trên, thật không dễ dàng tìm mua được đất ở hiện nay.
Trong khi nhu cầu người có nhu cầu thực về nhà ở rất lớn, nhưng không mua được thì mới đây, theo báo cáo của Công ty Savills, nguồn cung phân khúc biệt thự, nhà phố tại TP. HCM lại tăng mạnh. Tính từ năm 2011 đến năm 2014, phân khúc biệt thự chỉ dưới 500 căn, nhà phố là dưới 1.500 căn, thì tới năm 2015, nguồn cung phân khúc biệt thự lên tới trên 1.000 và nhà phố là khoảng 3.000 căn. Thời gian tới, 6 dự án biệt thự, nhà phố và giai đoạn mới của 5 dự án hiện hữu sẽ cung cấp thêm cho thị trường sơ cấp khoảng 1.100 căn. Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), sẽ có thêm khoảng 57.000 sản phẩm ở phân khúc cao cấp được tung ra thị trường trong giai đoạn 2016 - 2017.
Làm gì để rút ngắn khoảng cách?
Để giải quyết nhu cầu nhà ở cho những người có thu nhập thấp, Sở Xây Dựng TP. HCM cho biết, từ khi Luật Nhà ở 2006 có hiệu lực đến nay, Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 51 dự án nhà ở xã hội, với hơn 48.000 căn hộ được xây dựng. Theo kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng 39 dự án, với quy mô hơn 44.000 căn hộ.
Mặc dù vậy, để công nhân, người lao động có thu nhập thấp tiếp cận được với nhà ở xã hội cũng rất khó khăn. Anh Đặng Đình Tứ, bán hàng tự do ngay cạnh 1 chung cư xã hội trên địa bàn TP. HCM chia sẻ, anh và vợ đến đây lập nghiệp nhiều năm nay, dù buôn bán ở chung cư xã hội này, nhưng gia đình anh đang thuê trọ ở nơi khác, giá thuê phòng mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Số tiền thuê trọ mỗi tháng này cao hơn mức các hộ mua nhà đang trả góp. Khi được hỏi về nguyên nhân vì sao không mua nhà ở xã hội, anh Tứ cho biết, hồ sơ của anh không được duyệt, vì hai vợ chồng đều không có hợp đồng lao động.
Tương tự, chị Phạm Hồng Cúc, quê Quảng Bình, vào TP. HCM làm việc được hơn 5 năm và làm nhiều ngành nghề khác nhau như phụ hồ, công nhân... Tuy nhiên, chưa có chỗ nào chị làm được tròn năm, nên việc làm hồ sơ để đăng ký mua nhà ở xã hội là điều không thể với chị.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay trên địa bàn TP. HCM có khoảng 476.000 hộ dân chưa có nhà ở hoặc đang ở chung với cha mẹ, người thân. HoREA cho biết, chỉ khi nào giải quyết được nhu cầu nhà ở của đa số người dân thì mới thực sự góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt. Do đó, Hiệp hội khuyến nghị, Chính phủ cùng các bộ ngành cần có những giải pháp để tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp tập trung vào phân khúc này. Thiết thực nhất là Nhà nước có những biện pháp hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, như giảm tiền sử dụng đất hoặc có thể tạm hoãn việc đóng tiền sử dụng đất ở phân khúc giá thấp; giảm thuế VAT còn 5% để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà giá thấp.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: