Top

Địa ốc hy vọng được lãi suất “cứu”

Cập nhật 10/02/2009 10:35

Lãi suất ngân hàng và diễn biến của thị trường địa ốc xưa nay vốn vẫn được xem là trái chiều.

Chính vì vậy mà khi thị trường địa ốc đang trong giai đoạn khó khăn do những hệ quả của năm ngoái để lại, thì việc hạ lãi suất (bao gồm lãi suất huy động và cho vay) của các ngân hàng thương mại đang được xem như là một liều thuốc kích thích thị trường này “tỉnh giấc” sau một kỳ ngủ đông khá dài.

Nhiều kỳ vọng...

Theo Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh, các gói kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất, giảm thuế cho nhiều doanh nghiệp… ít nhiều sẽ giúp nguồn tiền đưa ra cho nền kinh tế nhiều hơn, từ đó trực tiếp hay gián tiếp cũng có tác động đến thị trường bất động sản.

Theo ông Thanh, việc kích cầu, hạ lãi suất, ngoài những doanh nghiệp thuộc diện hỗ trợ thì cũng sẽ kích thích nhiều doanh nghiệp khác tham gia vay vốn, tham gia đầu tư, trong đó có doanh nghiệp bất động sản và người tiêu dùng.

Chính vì thế, với diễn biến của việc giảm như hiện nay sẽ có lợi cho họ để tham gia đầu tư, nhưng lại không có lợi cho người gửi tiền. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, người dân sẽ tìm kênh đầu tư khác, như bất động sản, chứng khoán...

Mặt khác, lãi suất thấp còn có lợi cho thị trường bất động sản ở khía cạnh doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn, theo đó giá thành các sản phẩm sẽ rẻ hơn. Khi giá rẻ hơn thì người dân cũng dễ tiếp cận hơn và kích thích cầu, từ đó thị trường sẽ sôi động hơn ở sản phẩm và cầu, rốt cuộc là giá sẽ lên.

Ông Thanh cũng cho biết, hiện Vietcombank vẫn cho vay ra bình thường đối với bất động sản và vẫn có những ưu đãi bởi đó là chính sách khách hàng của ngân hàng. Trong khi nhiều ngân hàng đang tỏ ra dè dặt với cho vay bất động sản thì dư nợ cho vay liên quan đến bất động sản của Vietcombank vẫn chiếm khoảng 10% tổng dư nợ.

... nhưng sợ nhất độ trễ

Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty Bất động sản Thế kỷ (CEN Group), việc hạ lãi suất của các ngân hàng chắc chắn là một tín hiệu vui cho thị trường bất động sản trong năm 2009. Tuy nhiên, việc tác động này sẽ phải có một độ trễ nhất định bởi những thủ tục về đàm phán, thẩm định dự án cho vay của các ngân hàng thông thường cũng phải mất từ 3 - 6 tháng.

“Điều đó cũng có nghĩa là cũng phải ngần ấy thời gian nữa thì yếu tố này mới tác động đến thị trường bất động sản”, ông Hưng nhận định.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho rằng, việc hạ lãi suất là một chủ trương đúng của nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản. Song, để câu chuyện lãi suất thực sự “ngấm” vào thị trường địa ốc thì sớm nhất cũng phải từ sau quý 2 trở đi, bất động sản mới vượt qua được giai đoạn khó khăn, chuyển sang giai đoạn bình ổn.

Theo ông Quân, hiện lãi suất cơ bản còn 7% một năm, lãi suất cho vay 10,5% và chính sách bù lãi suất 4% cho doanh nghiệp, kèm theo hoãn thu thuế thu nhập cá nhân, sớm hay muộn sẽ mang lại nhiều tín hiệu vui cho thị trường nhà đất trong thời gian tới.

Tuy nhiên, chuyên gia địa ốc này cũng tỏ ra băn khoăn vì lòng tin của nhà đầu tư và khách hàng đối với thị trường bất động sản đã giảm sút nghiêm trọng trong năm ngoái. Đó cũng là điều khiến người ta vẫn lo ngại trong quý 1/2009 sẽ khó tránh khỏi giai đoạn giằng co, một bên là chủ đầu tư không chấp nhận giảm giá sản phẩm, phía còn lại khách hàng kỳ vọng giá địa ốc trở lại thời kỳ trước cơn sốt đầu năm ngoái.

Ở một góc độ khác, nhiều ý kiến lại lo ngại rằng, trong khi chờ đợi hiệu quả của các chính sách vĩ mô của nhà nước đối với thị trường bất động sản thì hiện nhiều dự án vẫn chưa thể triển khai, ảnh hưởng đến nguồn cung trong thời gian tới.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy