Top

Đường Nguyễn Thị Định: Số nhà như ma trận

Cập nhật 10/02/2009 08:40

3 số nhà cùng đánh số 26, tiếp lại tụt xuống số 17 rồi lại nhảy lên số 20B, 20C... Có nhà tự gắn 3 biển với 2 số khác nhau là 23 và 46. Loại biển gắn cũng mỗi nhà mỗi phách, hoàn toàn không theo đúng quy định về chất liệu, kích cỡ.

Biển công chỉ dẫn ngõ, ngách, hẻm hoàn toàn không có... Những thực trạng về biển số nhà, biển công tại đường Nguyễn Thị Định đang khiến người đi đường như lạc vào mê cung.

Tìm số nhà: Hoa cả mắt


Bà Nguyễn Thị Mai ở quận Từ Liêm, lên tìm nhà người thân mới thuê ở đường Nguyễn Thị Định, tại số nhà 15. Địa chỉ bà muốn tới nằm ngay mặt đường, thế nhưng quay đi quay lại chiếc xe máy 3 vòng, bà hoảng hốt khi thấy có tới 3 địa chỉ cùng đề số 15. Hỏi thăm thì không ai biết. Hoa mắt, chóng mặt vì cuộc "truy tìm", bà đành rút điện thoại gọi người nhà ra đón ở điểm giao nhau với đường Trần Duy Hưng!

Một người đàn bà bán trà đá trong một ngách nhỏ tại tổ 24 phường Trung Hoà tỏ ra bức xúc không kém: "cùng một tổ mà lại có những 2 nhà cùng đánh một số chú ạ. Chẳng biết cái nhà trùng số với nhà tôi làm cái gì mà có tháng, liên tiếp có người mang bưu phẩm, quà cáp tới tặng. Lúc ra ký nhận mới giật mình vì biết là nhầm. Mất việc thế". Nhiều người khác cũng than thở chuyện thư từ thất lạc, giấy mời gửi nhầm địa chỉ vẫn xảy ra tại đường Nguyễn Thị Định. Thậm chí, có cả tình huống nhà có tin vui lại nhận giấy báo chuyện buồn, và ngược lại.

PV Lao Động đã đi dọc đường Nguyễn Thị Định - từ phía phường Trung Hoà (quận Cầu Giấy). Con đường rộng 22 mét, đi qua những khu nhà mới xây khang trang, sạch đẹp, nhưng số nhà thì đánh loạn cả lên.

Từ ngã tư giao nhau với đường Trần Duy Hưng rẽ vào cả chục mét, cửa hàng bách hoá Hồng vẫn in biển hiệu đề địa chỉ: 27/41 Trần Duy Hưng. Nhà thuốc Hồng Nga bên cạnh đề: Số 10, ngách 41/5 Trung Hoà; còn cửa hàng thuốc của bà Lê Thị Bẩy kế bên thì ghi: 27 Nguyễn Thị Định.

Phía bên kia đường, chúng tôi đọc được thứ tự số nhà liên tiếp nhau là: 26A - 26 - 26 - 17 - 20B - 20C - 50 - 48 - 21 - 23. Qua một ngõ không biển lại tiếp tục: 33 - 17 - 35 - 15A. Phòng nha khoa tư nhân Minh Tâm gắn tường những... 3 biển, trong đó 2 biển đề số 23, 1 biển đề số 46. Đi một đoạn nữa trên cùng một con đường, chúng tôi lại bắt gặp thêm nhiều kiểu số nhà khác, như B1, tổ 28 phường Trung Hoà; số 4, lô 4 tổ 28 Trung Hoà... Đúng là ma trận số nhà!

Phía đường từ đoạn giao nhau với Nguyễn Thị Thập ra hướng Lê Văn Lương (thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) số nhà đã được đánh thứ tự. Song theo ông Nguyễn Khánh Tuấn - cán bộ địa chính phường Trung Hoà - thứ tự các số như thế là... ngược. Thứ tự số nhà lớn dần từ phía phường Trung Hòa sang mới là đúng.

Bao giờ mới thống nhất?

Trao đổi với chúng tôi, ông Tuấn cho biết, số nhà hiện nay tại khu vực đường Nguyễn Thị Định chủ yếu là do người dân tự đánh. Đường Nguyễn Thị Định (GPMB và đưa vào sử dụng từ 2007 - NV) thuộc dự án KĐT Trung Hoà - Nhân Chính cắt ngang khu dân cư vốn được đánh số theo các ngõ, ngách của đường Nguyễn Ngọc Vũ và ngách 72 phố Quan Nhân.

Khi hoàn thành GPMB, đường hoạt động thì biển số nhà vẫn giữ nguyên, các biển công chỉ dẫn ngõ ngách thì hoàn toàn chưa được thay mới. Tình trạng phố mới, biển cũ đã dẫn tới tình trạng lộn xộn như trên.

Ngay từ năm 2007, phường Trung Hoà đã lập biểu, lên kế hoạch, vẽ sơ đồ đề nghị UBND quận Cầu Giấy lắp mới 118 biển số nhà và 28 biển công. Công văn đã được gửi lên quận song vẫn chỉ dừng lại ở mức đề nghị. Trong năm 2008, phường đã có công văn gửi quận Cầu Giấy, theo đó có 729 biển số nhà và 91 biển công chỉ dẫn cần lắp.

Tới ngày 24.1.2009, thời điểm đã áp Tết Kỷ Sửu, quận Cầu Giấy mới đồng ý kế hoạch cho phường Trung Hoà lắp mới 150 biển, trong đó tại khu vực đường Nguyễn Thị Định là 48 biển. Theo đó, bên dãy số chẵn sẽ lắp 27 biển (thực tế lắp được 13 biển) và dãy lẻ lắp 21 biển (thực tế lắp được 11 biển).

Ông Tuấn phàn nàn, vẫn biết người dân gặp rắc rối với chuyện số nhà, nhưng cán bộ đi lắp biển cũng gặp khó chẳng kém. Theo ông Tuấn, các biển công phải lắp trước rồi lắp biển số nhà mới không xảy ra trùng lặp, nhưng thẩm quyền này là thuộc cấp quận và quận lại không làm vậy. Thứ hai, chủ trương của quận là thu tiền trước rồi mới lắp biển (chi phí cho một biển là 24.000 đồng) thì chẳng khác nào đánh đố phường.

"Chúng tôi đã mang biển xuống tận các hộ dân, mà lắp biển xong rồi họ không nộp tiền. Có người còn đôi co, chửi mắng, thậm chí đuổi đánh cả cán bộ. Nhiều lô đất không có mặt chủ sở hữu. Các nhà cho thuê thì người thuê lại đùn đẩy trách nhiệm trả tiền cho chủ nhà. Riêng các hộ dân mua nhà trong khu biệt thự của Vinaconex, chúng tôi hoàn toàn không có thông tin gì vì họ không thông báo bản đồ địa chính qua địa phương. Thế thì gắn biển thế nào?" - ông Tuấn bức xúc. Đối mặt với nhiều cái khó đó, ông Tuấn nói thẳng thắn: "Tôi cũng chẳng biết bao giờ tình trạng loạn biển này mới chấm dứt".

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động