Top

Đề xuất mới tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề nhà ở xã hội

Cập nhật 21/03/2009 16:45

Xây nhà cho người thu nhập thấp nhưng chất lượng không thấp. Phải kiên định thực hiện tiêu chuẩn này bằng nhiều giải pháp khác, từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng công trình nhà ở xã hội bền vững, hoàn chỉnh… Lâu nay, khi làm nhà ở xã hội chỉ cao 5,6 tầng với mục đích giảm chi phí đầu tư móng, thang máy... thì nay, nên xây dựng đúng quy hoạch khu đô thị, đáng cao hàng chục tầng vẫn xây cao như thường. Như thế, quỹ nhà tăng mới giảm được giá thành.

Cả nước ước cần tới 500.000 căn hộ cho người thu nhập thấp, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng... Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển quỹ nhà ở xã hội nhưng hầu hết các địa phương, doanh nghiệp còn gặp vướng mắc về cơ chế thực hiện, trong khi lợi nhuận ở lĩnh vực này lại không hấp dẫn.

Không phân biệt nhà ở cho người thu nhập thấp

Mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất với Chính phủ cả về ưu đãi đầu tư, khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội lẫn mở rộng đối tượng được thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội, nhưng tình hình chưa mấy sáng sủa. Theo nhiều nhà doanh nghiệp xây dựng, thì "nút thắt" trong vấn đề nhà ở xã hội trước hết thuộc về cơ chế đầu tư cần phải sớm tháo gỡ. Bởi dù đã có nhiều ưu đãi, nhưng tựu lại mức đầu tư cho lĩnh vực nhà ở xã hội rất lớn, thời gian thu hồi vốn lại rất dài nên không hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần XNK và XD Việt Nam, cần thay đổi nhận thức trong vấn đề này. Đó là, xây nhà cho người thu nhập thấp nhưng chất lượng không thấp. Phải kiên định thực hiện tiêu chuẩn này bằng nhiều giải pháp khác, từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng công trình nhà ở xã hội bền vững, hoàn chỉnh. Có chăng, khác với nhà ở kinh doanh được trang bị bằng thiết bị nhập ngoại, thì nhà ở xã hội được lắp thiết bị, vật tư trong nước sản xuất đảm bảo hài hòa, bền vững. Lâu nay, khi làm nhà ở xã hội chỉ cao 5,6 tầng với mục đích giảm chi phí đầu tư móng, thang máy... thì nay, nên xây dựng đúng quy hoạch khu đô thị, đáng cao hàng chục tầng vẫn xây cao như thường. Như thế, quỹ nhà tăng mới giảm được giá thành.

Muốn thế, quan niệm trong quy hoạch đất dành để xây dựng nhà ở xã hội cũng cần thay đổi. Ở đây, cần phải ưu tiên những miếng đất có khả năng tiếp cận tốt với những dịch vụ đô thị hiện có, chứ không phải vì họ mua nhà ít tiền thì phải đi chỗ xa. Làm như vậy, những người thu nhập thấp, người nghèo càng không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ đô thị, lại phải thêm chi phí đi lại, họ càng khó khăn thêm.

Đối với những đô thị, địa phương không có quỹ đất tốt như thế, thì khi quy hoạch phát triển dự án cần cân đối giữa khu vực phát triển nhà để bán với nhà ở xã hội. Đây là điểm mới, thể hiện bản chất ưu việt của Nhà nước ta trong vấn đề nhà ở, rất nên làm. Đặc biệt, trong vấn đề quy hoạch nhà ở cho người thu nhập thấp, cần làm thành khu đồng bộ, khăng khít như các khu đô thị bình thường. Tránh cách làm cũ.

Vấn đề sở hữu những căn nhà ở xã hội đó được tính tới như thế nào? Trước đây Nhà nước đã quy định các hình thức: Cho thuê, thuê mua... nay đề xuất nên áp dụng hình thức sở hữu hạn chế. Nghĩa là người thu nhập thấp mua, thuê mua căn nhà đó theo quy định, khi không có nhu cầu nữa không được bán ra ngoài, mà phải bán lại cho chính chủ sở hữu đó chính là Nhà nước. Giá bán phải khấu trừ đi phần khấu hao theo quy định... Như thế, chúng ta có thể tiên lượng được quỹ nhà ở xã hội của cả nước ở một con số nhất định nào đó để đầu tư, quản lý mới tránh được việc đầu tư tràn làn.

Tháo "nút thắt" đầu tư, dễ cho cả "ba nhà"


Điểm mới nhất trong những đề xuất này, là người có mức thu nhập thấp lẫn đối tượng có nhu cầu nhà ở khác cùng ở một khu đô thị, cùng hưởng những dịch vụ hạ tầng như nhau. Hơn nữa, quy hoạch xây dựng những khu nhà ở xã hội được làm hiện đại, hoàn chỉnh, ở vị trí đẹp nhưng người nghèo sử dụng nhà không phải trả chi phí cao.

Để làm được điều này, ngoài việc Nhà nước ưu đãi tiền sử dụng đất, thiết nghĩ lĩnh vực xây lắp nhà ở xã hội vốn không mang lại lợi nhuận, thì Nhà nước cũng nên miễn tiền thuế xây lắp (theo quy định là 28%).

Mặt khác, quỹ nhà ở xã hội đã tăng nhưng lưu thông nhà ở chưa chắc đã thuận, vì còn phụ thuộc vào khả năng thanh toán của người có thu nhập thấp, trong đó phần đông là công chức, viên chức, cán bộ trong lực lượng vũ trang và người dân nghèo. Tháo gỡ khâu này, Nhà nước phải cho người nghèo vay lãi suất ưu đãi, vay dài hạn...

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trần Nam -Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: Giải pháp trước mắt cần làm ngay (giai đoạn 2009-2010) là phát triển quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, sinh viên và người có thu nhập thấp. Ước sẽ huy động khoảng 6.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, đầu tư xây dựng trên 20.000 căn hộ. Mỗi căn hộ 50m2 dự tính có giá từ 250 đến 300 triệu đồng. Đây cũng là cách kích hoạt thị trường bất động sản vốn trầm lắng lâu nay. Nhưng nguồn vốn cực lớn làm nhà ở xã hội như thế lấy từ đâu?

Ông Nguyễn Văn Tuân đề xuất, lấy từ tiền khai thác quỹ đất phát triển đô thị thông qua các dự án phê duyệt theo quy hoạch. Doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đầu tư xây dựng tạo ra quỹ nhà ở. Ngược lại, Nhà nước hoàn trả doanh nghiệp bằng quỹ đất ở vị trí nào đó cho phù hợp. Làm được như thế, sẽ đạt được hai mục tiêu là nhanh chóng tạo ra quỹ nhà ở xã hội trong khi Nhà nước khó khăn về vốn, đồng thời phát triển được đô thị theo quy hoạch phê duyệt. Cởi được "nút thắt" này, dễ cho cả ba nhà: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có thu nhập thấp.

Cách tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, gắn trách nhiệm của các nhà đầu tư với công tác phát triển nhà ở xã hội là tổ chức đấu thầu các dự án phát triển đô thị. Trong đó, quy định rõ tỷ lệ nhà ở xã hội. Như thế mới tháo gỡ được vướng mắc bấy lâu, khi "phát" nhưng không "động" trên lĩnh vực này.

Thực tế Công ty CP bê tông và XD Xuân Mai đã chủ động xây dựng một khu đô thị hoàn chỉnh lấy quỹ nhà bán cho công nhân của công ty với giá gần 200 triệu đồng/căn hộ 50m2. Hiện đơn vị này đang đầu tư khu chung cư tại xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ, Hà Nội) với tiêu chí phục vụ các hộ dân có thu nhập thấp.

HUD sẽ xây dựng hơn 4.000 căn nhà ở xã hội và nhà giá thấp

Theo tin từ Bộ Xây Dựng, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD vừa đăng ký tham gia vào Chương trình phát triển nhà ở xã hội. Theo đó Tổng Công ty sẽ thực hiện thí điểm xây dựng khoảng 4.000 căn nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp tại dự án khu ĐTM Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Cùng với việc xây dựng khu ĐTM Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 có quy mô 55,5ha, Tổng Công ty sẽ dành khoảng 6,73ha xây dựng các khu nhà ở xã hội và nhà giá thấp. Xung quanh khu ĐTM này tập trung rất nhiều khu công nghiệp, dịch vụ như KCN Bắc Thăng Long, Quang Minh... tập trung lượng công nhân rất lớn.

Việc cung cấp các căn hộ nhà ở xã hội và nhà giá thấp với diện tích dự kiến từ 45-65m2 sẽ góp phần giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp cũng như các đối tượng có mức thu nhập trung bình.


DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô