Top

Dễ cho chủ đầu tư, khó cho dân

Cập nhật 23/12/2008 08:20

Theo quy định, chỉ khi có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền mới ngưng chuyển nhượng đất của người dân trong khu vực. Nhưng thực tế nhiều dự án chưa có quyết định thu hồi đất vẫn buộc ngưng chuyển nhượng khiến người dân dở khóc dở mếu.

Dự án khu đô thị-cảng Hiệp Phước (viết tắt là dự án Hiệp Phước) đang rơi vào tình huống như vậy. Cuối năm 2007, UBND huyện Nhà Bè có công văn nêu rõ: trong thời gian chờ phê duyệt và công bố quy hoạch dự án, UBND xã Hiệp Phước phải tạm ngưng giải quyết các hồ sơ chuyển mục đích và chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại khu vực này và thông báo rộng rãi cho người dân biết. “Lệnh” tạm ngưng chuyển nhượng này đã gây bức xúc cho nhiều người dân.

Nhiều người điêu đứng

Cuối năm 2007 bà Trần Thu Vân (ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM) cắt 5.000m2 đất trồng lúa của gia đình để bán cho năm người, mỗi người 1.000m2. Cả năm người này đều ra xã ký giấy mua bán với bà Vân tháng 11-2007, chuẩn bị lên UBND huyện Nhà Bè để làm thủ tục sang tên. Bất ngờ bà Vân được UBND xã thông báo hai trong số năm người mua đất của bà không được làm thủ tục sang tên giấy đỏ vì nhận chuyển nhượng sau ngày 20-11. Tìm hiểu, bà Vân mới biết vào ngày 20-11, UBND huyện Nhà Bè có công văn thông báo ngừng chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất tại dự án Hiệp Phước. Do chưa làm được thủ tục sang tên, hai người mua đất của bà Vân chưa chịu trả tiếp 200 triệu đồng mua đất còn thiếu và cầm luôn “giấy đỏ” có diện tích 15.000m2 của gia đình bà Vân, khiến bà lo đứng lo ngồi.

Không chỉ người bán đất mà người mua đất tại đây cũng đang gặp rắc rối từ khi có thông báo của UBND huyện Nhà Bè. Bà Phạm Thị Chiêng (xã Hiệp Phước) cho biết đã đặt cọc 2,5 tỉ đồng để mua 7.500m2 đất của một hộ dân trong xã. Hợp đồng mua bán đất đã được UBND xã Hiệp Phước xác nhận nhưng do vướng thông báo ngưng chuyển nhượng nên bà chưa sang tên được. Mua không được nhưng muốn hủy hợp đồng cũng không xong, vì người bán đất cho bà đã lỡ tiêu hết phần lớn số tiền đặt cọc, không đủ tiền trả lại. Ngặt hơn, theo bà Chiêng, trong số tiền đặt cọc bà phải vay ngân hàng hơn phân nửa. Giờ đất không có, tiền cũng không mà hằng tháng bà phải trả lãi ngân hàng hơn chục triệu đồng.

Không riêng khu đô thị Hiệp Phước mà ở một số dự án khác cũng có tình trạng tạm ngưng chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất ngay từ khi có chủ trương đầu tư.

Giữ đất cho dự án?

Ông Phạm Văn Quý, chủ tịch UBND xã Hiệp Phước, giải thích: thông báo của UBND huyện Nhà Bè là chấp hành thông báo của văn phòng UBND TP. Trong đó có nội dung: UBND TP chủ trương tạm dừng việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không giao đất cho các dự án khác tại khu đô thị Hiệp Phước. Ông Quý cho biết từ khi có thông báo này của UBND huyện, nhiều hợp đồng mua bán bị chựng lại và người dân cũng đã khiếu nại đến UBND xã.

Hiện xã chỉ giải quyết cho những trường hợp chuyển nhượng theo quan hệ thừa kế, như cha mẹ cho đất để con cái ra riêng chứ không giải quyết bất kỳ trường hợp chuyển nhượng nào khác. Trường hợp đã lỡ đặt cọc, UBND xã linh động chứng cho người dân giấy ủy quyền giữa người bán và người mua. “Có giấy ủy quyền cộng với việc người mua cầm “giấy đỏ” là yên tâm rồi. Khi nào lệnh tạm ngưng này chấm dứt sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng” - ông Quý nói. Tuy nhiên, cũng chính ông Quý lại cho rằng hợp đồng ủy quyền chỉ để “làm tin” chứ không có giá trị trong việc ngăn chặn chủ đất chuyển nhượng đất cho người thứ ba. Và tất nhiên, khi một bên chết thì hợp đồng ủy quyền trên cũng chấm dứt hiệu lực.

Theo một cán bộ UBND huyện Nhà Bè, nếu không tạm ngưng việc chuyển nhượng đất sẽ có nhiều người mua bán, gây khó khăn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng sau này.

Tuy nhiên đến nay chưa có một quy định nào buộc người dân không được chuyển nhượng đất trong khu vực quy hoạch mà chưa có quyết định thu hồi đất. Chỉ thị 30 (ban hành năm 2003) của UBND TP quy định: chỉ những dự án đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền mới phải giữ nguyên hiện trạng, không sang nhượng, không được tách thửa hay chuyển mục đích sử dụng đất... Như vậy, việc tạm ngưng quyền của người dân khi chưa có quy hoạch chi tiết cho dự án trên liệu có hợp lý?

Có ý kiến cho rằng muốn giữ đất cho dự án, Nhà nước có nhiều hình thức khác chứ không nhất thiết là ngưng quyền chuyển nhượng đất hợp pháp của người dân, nhất là ngưng chuyển nhượng tất cả các loại đất và ngưng một cách đột ngột như ở dự án Hiệp Phước.

Dự án khu đô thị Hiệp Phước có diện tích khoảng 2.600ha, với gần 1.900 hộ dân, hơn 11.600 nhân khẩu, phần lớn diện tích thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Hiện đang trong quá trình xây dựng quy hoạch 1/2.000.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO