Top

Đầu tư sân golf: Cần một cái nhìn tỉnh táo

Cập nhật 11/12/2008 01:53

Mặc dù là địa phương có sân golf đầu tiên trong cả nước, nhưng trước thực trạng bùng nổ các dự án đầu tư sân golf hiện nay, Lâm Đồng buộc phải xem lại hiệu quả kinh tế trên lĩnh vực đầu tư này.

Đây cũng là một trong những mối quan tâm của cử tri gửi đến cuộc họp HĐND tỉnh Lâm Đồng - được tổ chức trong các ngày từ 9 - 12.12.

Năm 2007 là năm Lâm Đồng bắt đầu triển khai "chiến dịch" sân golf, khi công khai thông tin cho một số tập đoàn kinh tế nước ngoài và các nhà đầu tư lớn của Việt Nam nhảy vào đầu tư sân golf, với diện tích đất được giao lên đến vài trăm hécta cho mỗi dự án. Và tính đến thời điểm này, cả Lâm Đồng đã có đến 10 dự án sân golf được chấp thuận đầu tư, với tổng diện tích "cần có" lên đến trên 6.500ha đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp, và với tổng vốn đầu tư theo dự kiến khoảng 832 triệu USD.

Và, không chỉ dừng lại ở con số 10 dự án sân golf đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự kiến trong tương lai, một số nhà đầu tư cũng sẽ triển khai các dự án tương tự.

"Có cần quá nhiều sân golf như thế?" là câu hỏi của không ít cử tri được chuyển đến cuộc họp HĐND tỉnh Lâm Đồng - hiện đang diễn ra. Một đại biểu đưa ra dẫn chứng về sự cần hay không cần quá nhiều sân golf: Từ tâm điểm Đà Lạt, xoay một bán kính chưa đến 30km nhưng gặp phải những 6 sân golf là điều cần xem xét lại.

Thậm chí từ sân golf này đến sân golf kia cách nhau chỉ... vài bước chân, như khoảng cách giữa sân golf Đạ Ròn và sân golf Krèn; và sân nào cũng "vĩ đại" cả - trung bình mỗi sân golf được giao trên 600ha đất(!).

Có lập luận của một số người cho rằng, đặc điểm của Lâm Đồng là đất rừng chứ không như nhiều địa phương khác là đất ruộng, nên việc giao đất để làm sân golf là rất... cần thiết, không ảnh hưởng mấy đến đời sống của người dân. Trước lập luận này, người ta nhớ lại lúc đầu, chủ đầu tư dự án sân golf hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) đã đưa ra "giải pháp" chặt hàng ngàn cây thông ven hồ Tuyền Lâm - điểm thắng cảnh du lịch đã được công nhận di tích cấp quốc gia - và đã bị phản ứng một cách kịch liệt.

Rồi nữa, tại sân golf Krèn, hàng loạt nông dân đã phải chấp nhận giá đền bù theo khung "đất nông nghiệp" - trên diện tích canh tác rau hoa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm - để nhường đất lại cho nhà đầu tư, với lời hứa hẹn "sẽ giải quyết công ăn việc làm cho toàn bộ người dân bị mất đất".

Hoặc tại Lộc Thắng - thuộc huyện Bảo Lâm, trong tương lai sẽ có hàng trăm hộ dân đang canh tác chè sẽ bị ảnh hưởng bởi phải nhường lại đất cho nhà đầu tư xây dựng sân golf, với tổng diện tích lên đến gần 630ha.

Đành rằng, thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước là một chủ trương lớn của tỉnh Lâm Đồng để làm giàu địa phương này, nhưng với các dự án sân golf vừa nêu trên, cần có một cái nhìn tỉnh táo hơn, và đặc biệt là không nên để những người hậu sinh phải trả giá cho sự nóng vội của người đương thời!

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động