Thời hưng thịnh của BĐS, chủ đầu tư nào có được dự án đầu tư BT theo kiểu đổi đất lấy hạ tầng coi như thắng lớn. Thế nhưng, khi BĐS đi xuống thì BT cũng chết yểu và trở thành khối nợ.
Trong một thời gian dài thị trường BĐS lao dốc khiến chủ các dự án BĐS không thể bán được hàng đã liên tục phải giảm giá bán để thu hồi vốn. Thậm chí, không ít doanh nghiệp phải bán dự án để tránh một kịch bản phá sản. Thế nhưng, nếu giảm giá để bán được hàng hay bán được dự án để cứu công ty vẫn còn may mắn và là ao ước của nhiều doanh nghiệp.
Bởi vì hiện có những chủ dự án muốn giảm giá bán để thu hồi vốn chẳng được, hay muốn bán đứt dự án cũng không xong, ấy là những dự án BT (xây dựng-chuyển giao), một hình thức đổi đất lấy hạ tầng nhiều doanh nghiệp áp dụng làm khi thị trường BĐS còn sốt nóng. Vì vậy, không ít dự án BT hiện đang trong tình trạng héo mòn và chết yểu!
Cú mắc kẹt của Nam Cường
Ngày 5/2/2008 Thủ tướng Chính Phủ đã ra văn bản số 208/TTg-CN, đồng ý việc triển khai dự án Trục đường phát triển kinh tế xã hội Bắc - Nam tỉnh Hà Tây, nhằm đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây Hà Nội.
Dự án Trục đường có chiều dài 63,32 km, mặt cắt ngang 42m, với tổng giá trị lên đến trên 7.694 tỷ đồng, do Tập đoàn Nam Cường triển khai theo hình thức BT (xây dựng- chuyển giao).
Để có nguồn vốn thực hiện dự án này, Nam Cường được phép thực hiện 4 dự án đô thị đối ứng, gồm: Dự án Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Phúc, Thạch Thất, với tổng quy mô lên đến trên 3.258 hecta.
Ngay sau khi được phép triển khai dự án, Nam Cường đã xúc tiến nhiều công việc. Và đến ngày 6/7/2008, Tập đoàn Nam Cường chính thức khởi công Dự án trục kinh tế Bắc-Nam tỉnh Hà Tây.
Thế nhưng, khi đang tiến hành triển khai dự án, địa giới hành chính Thủ đô điều chỉnh mở rộng. Mặt khác, việc Thủ tướng Chính Phủ ra quyết định 1878/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khiến hàng trăm dự án, trong đó có 4 dự án của Nam Cường bị đình chỉ để chờ rà soát. Từ đó đến nay, 4 đại dự án của Nam Cường và Dự án Trục kinh tế xã hội Bắc Nam tỉnh Hà Tây cũng bị đình trệ.
Đặc biệt, theo định hướng quy hoạch, Trục phát triển kinh tế Bắc Nam sẽ là hành lang xanh. Vì vậy, các dự án của Nam Cường nằm trong khu vực cũng sẽ bị điều chỉnh từ Quy mô dự án đến quy mô dân số. Từ đó có thể dẫn tới ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận, cũng như nguồn vốn thực hiện Dự án Trục phát triển kinh tế Bắc Nam mà chủ đầu tư đã cam kết.
Sống dở chết dở!
Mặc dù dự án mới triển khai trong thời gian không lâu đã bị tạm đình chỉ, nhưng theo thông tin từ chủ đầu tư, Nam Cường đã làm được một số hạng mục, với số tiền đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng.
Chính vì đã đầu tư vào dự án với số tiền rất lớn, trong khi dự án lại bị đình chỉ quá lâu nên ngày 19/4/2011, Nam Cường đã có công văn số 80/CV-NCHN, gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề cập về việc dự án bị đình chỉ đã gây thiệt hại lớn về uy tín và tài chính cho nhà đầu tư.
Vì vậy, Nam Cường đã kiến nghị Thành phố cho phép doanh nghiệp này tiếp tục được thực hiện dự án xây dựng đường Trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam theo hình thức BT với quy mô theo phê duyệt.
Trong Công văn gửi Chủ tịch Tp. Hà Nội, Nam Cường cũng kiến nghị tiếp tục được làm chủ đầu tư 3 dự án đô thị (chứ không phải 4 dự án như trước đó) là: Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn, có vị trí trùng với các dự án đã được phê duyệt trước đó là khu đô thị Thạch Phúc, Quốc Oai, Chương Mỹ.
Đồng thời, Nam Cường đề nghị được bổ sung thêm quỹ đất đô thị cho Tập đoàn để tập đoàn có đủ nguồn vốn đối ứng thực hiện dự án BT Dự án trục kinh tế-xã hội Bắc Nam. Như vậy, cho đến ngày 19/4/2011, Nam Cường đã gần như thừa nhận (hay chấp nhận) mất đi một Dự án đô thị lớn là dự án đô thị Thạch Thất để tiếp tục được quyền triển khai các dự án đã được phê duyệt trước đó.
Mặc dù công văn gửi đi đã lâu và chủ dự án vẫn khắc khoải chờ đợi một câu trả lời, nhưng đến nay, Nam Cường vẫn chưa nhận được công văn trả lời của UBND thành phố.
Thế nhưng, trong điều kiện thị trường BĐS còn tiếp tục đi xuống như hiện nay, việc dự án Trục đường phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam tỉnh Hà Tây bị đình chỉ có lẽ lại là điều may mắn với Nam Cường.
Bởi, nếu tiếp tục triển khai dự án trong điều kiện tín dụng tiếp tục bị siết chặt, thị trường BĐS tiếp tục đi xuống, Nam Cường sẽ rất khó khăn trong việc tạo ra nguồn vốn thực hiện dự án lên đến nhiều nghìn tỷ đồng này. Trong khi đó, Nam cường cũng không thể bán dự án BT đã được thủ tưởng Chính phủ phê duyệt và giao cho để thu hồi 1.000 tỷ đồng Nam Cường đã đầu tư.
Vì thế, nếu thị trường BĐS không hồi phục, các dự an BT như Dự án trục kinh tế Bắc-Nam tỉnh Hà Tây mà Nam Cường làm chủ đầu tư sẽ héo mòn, chết yểu và có tương lai mờ mịt hơn bất cứ dự án BĐS thương mại nào!
DiaOcOnline.vn - Theo VEF
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: