Top

Bộ trưởng Xây dựng: Phải cứu...bất động sản!

Cập nhật 19/12/2011 10:45


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị doanh nghiệp ngành xây dựng năm 2011 được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, BĐS ảnh hưởng đến phát triển bền vững, an sinh xã hội, kinh tế vĩ mô thì phải “cứu”. Tuy nhiên, “cứu” không có nghĩa mang tính chất giải cứu thông thường mà làm thế nào để tạo động lực cho thị trường phát triển, giải quyết lao động, đóng góp cho vấn đề an sinh.

Cần sự can thiệp của nhà nước

* Nhiều ý kiến cho rằng quản lý xây dựng yếu gây thất thoát, điển hình là chương trình nhà ở xã hội đang đối mặt với nhiều khó khăn, doanh nghiệp khát vốn, hàng làm ra không bán được trong khi nhu cầu nhà ở vẫn rất cao?

Việc đánh giá thế nào là quyền của mỗi người. Còn tôi khẳng định phát triển nhà ở trong giai đoạn vừa qua được nhiều hơn mất nhưng tồn tại cũng không ít. Phát triển là phải như vậy, được nhiều nghĩa là tạo ra tài sản cố định rất lớn cho xã hội, tạo sự tăng trưởng kinh tế, giải quyết nhiều việc làm, nhiều lao động và bộ mặt đô thị ngày càng phát triển phù hợp với hội nhập quốc tế, khu vực. Song cái tồn tại như đã nói chúng ta phải khắc phục, đó là những mâu thuẫn, là động lực cho sự phát triển. Nếu cái gì cũng tròn trịa thì không phát triển được.

* Điều mà rất nhiều người thắc mắc là cùng một cơ chế ưu đãi nhưng tại sao giá nhà thu nhập thấp ở miền Trung lại chỉ bằng nửa giá tại Hà Nội, thưa bộ trưởng?

Điều này có thể dễ hiểu. Tại thị trường Đà Nẵng và một số nơi khác đã có hạ tầng tốt, còn ở Hà Nội thì doanh nghiệp phải làm nhiều thứ. Hơn nữa, chi phí đền bù, GPMB ở Hà Nội cao, mặt khác thị trường nhà ở Hà Nội cao hơn thị trường nhà ở các nơi khác nên doanh nghiệp dễ đưa giá cao hơn. Điều này cần có sự can thiệp của nhà nước để đưa ra mức giá hợp lý.

* Một thực trạng là thị trường Hà Nội và TP.HCM đang xuất hiện làn sóng giảm giá, thậm chí bán tháo căn hộ. Bộ trưởng đánh giá thế nào về tình trạng này?

Giảm giá là tốt để làm lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, làm thế nào để 2 bên - người sản xuất và người tiêu dùng cùng có lợi thì đó là điều cơ quan quản lý mong muốn. Trong thời gian tới cũng cần có sự can thiệp của nhà nước để xác định giá gốc, chống độc quyền, do đó nhà nước cần tiếp tục xây dựng chính sách.

Nhiều điểm mới trong Chiến lược phát triển nhà ở


* Bộ trưởng có thể cho biết Chiến lược phát triển nhà ở cụ thể của Hà Nội trong thời gian tới là gì?

Vì Chiến lược phát triển nhà vừa mới phê duyệt nên lộ trình cụ thể cho kế hoạch phát triển nhà vẫn chưa có. Tuy nhiên Chiến lược đã nêu bật được 4 điểm mới:

Điểm mới đầu tiên, đây là lần đầu tiên chúng ta có Chiến lược phát triển nhà ở. Điểm mới thứ 2 là khẳng định nhà ở là điều kiện để phát triển con người toàn diện, tức thể hiện mục tiêu vì con người, là một bước để hiện thực hoá quan điểm của Đảng để phát triển nền kinh tế thị trường bền vững. Thứ 3 là lần đầu tiên Chiến lược phát triển nhà khẳng định phát triển nhà ở là trách nhiệm của nhà nước, xã hội và của người dân và cuối cùng là phân tách rất rõ cơ chế cho hai loại nhà ở. Đó là một mặt xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển nhà theo nhu cầu của thị trường, mặt khác chú trọng đến việc hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển nhà ở xã hội (nhà ở thị trường phi hàng hóa) có nhu cầu, có thị trường nhưng việc thanh toán không theo quy luật của kinh tế thị trường.

* Trong Chiến lược phát triển nhà ở của Chính phủ đã đề ra giải pháp hỗ trợ nhà ở cho đối tượng chính sách gặp khó khăn. Vậy các bước thực hiện sẽ ra sao?

Trước hết để hỗ trợ cho người khó khăn nhà ở, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở. Thứ hai là phải làm tốt công tác quy hoạch. Trước đây quy hoạch chúng ta không nói loại nhà ở gì nhưng lần này trong Nghị định phát triển đô thị mà Bộ sắp trình Chính phủ, sẽ đề cập trong quy hoạch, đặc biệt quy hoạch phân khu và chi tiết phải rõ khu vực nhà ở xã hội, mà chỗ đó không thể sử dụng vào các mục đích khác.

Nếu là đất nhà ở xã hội thì đất đó phải được ưu tiên. Nhà nước sẽ hỗ trợ chi trả tiền GPMB hoặc miễn thu tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng nhà ở xã hội thì huy động các nguồn lực đầu tư, trong đó Nhà nước có thể đầu tư bằng cách mua lại nhà của các doanh nghiệp làm, bằng bỏ vốn đầu tư ngân sách trực tiếp hoặc hình thức BT - đổi đất lấy công trình. Nhà nước sẽ quản lý quỹ nhà đó, bán giá rẻ cho các đối tượng ưu tiên trong chính sách hoặc cho thuê, vì nhu cầu thuê nhà ở rất lớn.

BĐS tiếp tục chịu đựng khó khăn

* Bộ trưởng nhận định thế nào về thị trường BĐS trong năm 2012?

Tình hình kinh tế mặc dù đã đạt được mục tiêu đề ra của năm 2011 tức là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy kinh tế năm 2012, Chính phủ cũng không đặt mục tiêu tăng trưởng cao mà đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng tăng trưởng hợp lý và điều này sẽ tác động ngay đến thị trường BĐS. Hiện nay chúng ta đang khó khăn thì năm 2012 vẫn tiếp tục khó khăn, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm, do vậy chúng ta vẫn phải tiếp tục chịu đựng.

Khó khăn của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất hết quý II/2012

* Vậy có nên “giải cứu” thị trường BĐS?

BĐS ảnh hưởng đến phát triển bền vững, an sinh xã hội, kinh tế vĩ mô thì phải cứu. Cứu không có có nghĩa mang tính chất giải cứu thông thường mà vấn đề theo tôi là làm thế nào để tạo động lực cho thị trường phát triển, giải quyết lao động, đóng góp cho vấn đề an sinh. Nhà nước không bỏ rơi thị trường nào cả, phát triển đồng bộ các thị trường trong đó có thị trường chứng khoán, bất động sản, lao động, hàng hóa. Doanh nghiệp cũng phải xem lại, tái cơ cấu, phân khúc của mình bán ra thế nào là phù hợp.

* Theo Bộ trưởng, phân khúc BĐS nào sẽ là tiềm năng trong năm 2012?


Năm 2012, phân khúc nhà cho người thu nhập thấp sẽ là thị trường tiềm năng nhưng giá phải ở mức độ phù hợp với khả năng thanh toán của người dân.

Vâng, Xin cảm ơn Bộ trưởng!


DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN