Top

"Đất vàng giá bèo" ở Thanh Hóa: Quá 1 năm vẫn chưa công bố kết quả thanh tra!

Cập nhật 28/06/2018 08:34

Trong thời gian giữa năm 2017 và trước đó, dư luận Thanh Hoá xôn xao về việc lãnh đạo tỉnh này đã ký kết quả lựa chọn nhà đầu tư một số dự án bất động sản với giá trị thấp hơn nhiều so giá trị thực tế, gây thất thoát nhiều tỉ đồng ngân sách. Báo chí vào cuộc, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra nhưng cho đến nay, đã hơn 1 năm trôi qua, người dân vẫn trông chờ thông báo kết luận.


Thi công trung tâm thương mại trên dự án B-TM1. Phía bên kia đại lộ Lê Lợi là toà nhà Cục Thuế và Khách sạn Lam Kinh. Ảnh: T.L

Đất “vàng” giá “bèo”

Dự án Khu thương mại, dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc khu đô thị mới Đông Hương, TP.Thanh Hoá (dự án B-TM1) và dự án Khu biệt thự cao cấp xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn (dự án biệt thự Quảng Cư) từng là hai dự án gây xôn xao dư luận nhất. Hàng loạt bài báo đã phản ánh sự việc này, trong đó nổi bật là các bài báo của Lao Động.

Theo đó, Dự án B-TM1, có tổng diện tích 2,911ha. Khi UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án, đã có rất nhiều DN muốn tham gia và sở hữu dự án này.

Ngày 27.8.2013, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3013/QĐ-UBND lúc đó do ông Nguyễn Đình Xứng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ký “chỉ định” phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất. Theo đó, Liên doanh Cty CP TMĐT bất động sản An Phát và Cty CP Xây dựng và TM Đại Long được lựa chọn đầu tư dự án này.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 460,3 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 7,3 tỉ đồng. Vấn đề gây xôn xao dư luận là trong QĐ trên, UBND tỉnh Thanh Hoá xác định số tiền sử dụng đất mà DN phải nộp ngân sách nhà nước chỉ là 28,854 tỉ đồng cho hơn 2,9ha đất.

Theo tính toán của một số chuyên viên về lĩnh vực này và thực tế đã diễn ra, DN đã bán ra với giá tùy từng vị trí cho người dân từ 20-30 triệu đồng/m2.

Cũng theo phân tích, ngay tại Quyết định số 4194/2012-QĐ-UBND ngày 13.12.2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc quy định giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2013, đất tại khu vực từ đường Lê Hữu Lập đến cầu Đông Hương có giá từ 11,2 - 28 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí. Dù dự án nằm trong khu vực trên nhưng với việc ban hành QĐ 3013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã biến toàn bộ 2,911ha đất “vàng” thành mức giá quá “bèo”, DN chỉ còn phải nộp vào ngân sách 29 tỉ đồng, nghĩa là chỉ trên 2,8 triệu đồng/m2, thấp hơn quá nhiều so với chính bảng giá tỉnh Thanh Hoá ban hành trước đó.

Thay quyết định, hạ tiền nộp ngân sách

Tương tự, dự án Khu biệt thự cao cấp xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn) có quy mô diện tích 67.100m2, trong đó đất ở là 35.529,8m2.

Ngày 21.9.2010, ông Trịnh Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá (nay là Bí thư Tỉnh uỷ) - ký ban hành QĐ số 3338/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Đơn vị được lựa chọn theo hình thức chỉ định là Cty TNHH Điện tử - Tin học - Viễn thông EITC. Theo QĐ này, tổng mức đầu tư dự án là hơn 249,82 tỉ đồng. Trong đó, giá trị đền bù, giải tỏa (M2) là trên 48 tỉ đồng nhưng không quy định cụ thể thời gian nhà đầu tư phải chuyển số tiền này cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hoá để thực hiện GPMB. Tổng giá tiền sử dụng đất nhà đầu tư là Cty EITC phải nộp ngân sách nhà nước là gần 111 tỉ đồng. Số tiền GPMB được trừ vào số tiền phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN).

QĐ trên cũng ghi rõ: Trường hợp giá trị đền bù, giải tỏa thực tế thấp hơn M2 (48 tỉ) thì phần chênh lệch được nộp vào ngân sách nhà nước; trường hợp cao hơn mức M2 thì nhà đầu tư phải bù phần thiếu hụt.

Vậy nhưng sau 3 năm theo quy định, nhà đầu tư không thực hiện được dự án. Ngày 25.4.2014, ông Nguyễn Đình Xứng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá (nay là Chủ tịch) - ban hành QĐ số 3147/QĐ-UBND nâng mức tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp NSNN từ 111 tỉ đồng lên 120,7 tỉ đồng, nghĩa là chỉ cao hơn 10 tỉ đồng nhưng đồng thời nâng số tiền đền bù, GPMB từ trên 48 tỉ lên 108,28 tỉ đồng. Như vậy, số tiền NSNN thu được chỉ còn là trên 12 tỉ đồng (120,7 - 108,28). Nếu QĐ số 3338 buộc nhà đầu tư nộp tiền GPMB ngay, thì NSNN sẽ thu được khoảng hơn 60 tỉ đồng (111 - 48). Với phép tính như vậy, NSNN đã thất thu hơn 40 tỉ đồng.

Đó mới chỉ là sự so sánh giữa 2 QĐ, còn thực tế, giá trị tính tiền sử dụng đất trong khu vực này có giá thị trường thời điểm 2014 khoảng từ 20 - 30 triệu đồng/m2, cao hơn gấp nhiều lần mức được xác định.

Bao giờ thông báo kết quả kiểm tra?

Ngay sau khi báo chí phản ánh, tại văn bản số 4147/VPCP-NN ngày 24.4.2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TNMT chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan kiểm tra, làm rõ.

Ngày 16.5.2017, Bộ TNMT đã ra QĐ thành lập đoàn kiểm tra thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng do ông Lê Văn Lịch - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TNMT - làm trưởng đoàn.

Đoàn kiểm tra này đã về làm việc ở Thanh Hoá từ ngày 22.5 - 2.6.2017 theo nội dung các báo phản ánh.

Dư luận Thanh Hoá rất tin tưởng đoàn kiểm tra vào làm rõ có hay không sự việc như báo chí phản ánh. Tuy nhiên, chờ mãi vẫn không thấy thông báo kết luận cũng như phản hồi trên phương tiện thông tin đại chúng. Các bài báo phản ánh trước đó vẫn rõ ràng trên mạng.

Tháng 8.2017, trả lời báo chí, ông Lê Văn Lịch - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TNMT), trưởng đoàn kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Quá trình thanh tra đã hoàn tất, chúng tôi đã trình kết luận lên lãnh đạo bộ. Khi nào lãnh đạo bộ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng thì kết luận sẽ được công bố.

Ngày 25.6, trao đổi với Lao Động, ông Ngô Hoàng Kỳ - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hoá - cho hay, UBND tỉnh Thanh Hoá đã nhận được báo cáo kết quả kiểm tra và đã thực hiện theo chỉ đạo nhưng đây là văn bản hạn chế nên không thể cung cấp cho báo chí. Ông Kỳ hướng dẫn sang hỏi Sở TNMT Thanh Hoá.

Tại Sở TNMT Thanh Hoá, ông Chánh Văn phòng sở cho hay, việc này phải hỏi bên UBND tỉnh (?!).


DiaOcOnline.vn - Theo Lao động