Top

Nhiều 'lỗ hổng' trong các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng

Cập nhật 27/06/2018 16:13

Theo đánh giá của các chuyên gia, giá đất đối với các dự án BT "đổi đất lấy hạ tầng" của doanh nghiệp đang sử dụng khi cổ phần hóa còn nhiều vấn đề bất cập.

Tại Hội thảo Pháp luật và thực tiễn về tiếp cận đất đai của doanh nghiệp tại Việt Nam do VCCI tổ chức sáng 27/6, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, giá đất đối với các dự án BT "đổi đất lấy hạ tầng" của doanh nghiệp đang sử dụng khi cổ phần hóa còn nhiều vấn đề bất cập.

"Giá đất khi giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án hiện đang thực hiện theo giá do UBND cấp tỉnh ban hành thấp hơn rất nhiều theo giá thị trường gây thất thoát lãng phí đất đai thuộc sở hữu toàn dân, làm lợi cho nhà đầu tư và một số người có chức, quyền liên quan thông qua cơ chế xin - cho", ông Hùng cho biết.

Quang cảnh Hội thảo.

Theo ông Hùng, điển hình giá đất khi giao các mảnh đất cho chủ đầu tư là nhà ở, khi di dời các nhà máy, biển báo, kho tàng rất thấp theo giá UBND tỉnh ban hành. Đồng thời, đất giao không qua đấu giá, không công khai minh bạch. Chủ đầu tư "chạy - xin - cho" để được có dự án hưởng lợi cực lớn.

Ông Hùng dẫn ra các dự án BT, giá công trình là giá giao cho chủ đầu tư lập nên rồi “thẩm định” “xét duyệt”, không đấu thầu. Trong khi giao đất lại không đấu giá mà lại giao giá chủ yếu dựa trên khung giá do UBND tỉnh ban hành, dẫn đến Nhà nước thiệt cả 2 đầu, nhà đầu tư lợi cả 2 đầu.

“Cơ chế xin - cho này tạo điều kiện cho tình trạng tham ô tham nhũng phát triển, với hàng loạt vụ án đang và sẽ xét xử, liên quan đến đất đai, dính đến nhiều cán bộ có chức, có quyền”, ông Hùng cho biết.

Do đó, ông Hùng kiến nghị, Luật Đất đai còn nhiều vấn đề liên quan cần nghiên cứu xem xét sửa đổi bổ sung như trình tự, thủ tục thực hiện vào thu hồi về giao đất cần sự tham gia của tổ chức xã hội nghề nghiệp và người dân trong quy trình thực hiện các dự án, phương thức đền bù, giá đền bù… nhằm chống cửa quyền, lợi ích nhóm. Cùng với đó, các quy trình phân loại đất, sử dụng đất đô thị, định giá đất cho đến thanh tra, xử lý sai phạm cũng cần xem xét sửa đổi.

Cùng quan điểm, giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, khoảng trống lớn nhất của Luật Đất đai là câu chuyện biến vốn đất thành vốn tài chính. Đây là khâu yếu nhất của Luật Đất đai 2013, chưa đáp ứng được thực tế. Cụ thể đối với các dự án BT, Luật Đất đai chỉ quy định về thẩm quyền giao đất BT, còn phần định giá thì "biến mất"", ông Võ nhấn mạnh.

GS Võ cho biết thêm, đối với các dự án BT thì quan trọng nhất là giá trị đất đem đổi cũng như giá trị hạ tầng được xây dựng phải có kiểm đếm kỹ lưỡng về giá trị, khi đó mới biết có ngang bằng nhau không để đổi. Đánh đổi không thông qua tiền, thì đó là sự đánh đổi rất mù mờ. Chính vì vậy chúng ta cần có nguyên tắc minh bạch xác định giá trị đem đổi chác với nhau cho phù hợp.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Tin tức