Top

"Đất vàng" bị treo

Cập nhật 17/12/2009 09:25

Nhiều khu đất lớn sát trung tâm Thủ đô Hà Nội vẫn chưa được sử dụng hiệu quả

Trong khi có nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất, kinh doanh thì một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang “ôm” giữ diện tích đất đai cực lớn.

Đáng nói hơn, có những đơn vị dường như quá “dư thừa” đất nhà, hoặc do năng lực kém, không quản lý nổi đã đem đất đai, nhà xưởng cho thuê, cho mượn trái quy định hoặc để hoang hóa, không đưa vào sử dụng đúng mục đích, gây lãng phí lớn cho xã hội.

Hàng triệu m2 đất bị “treo”

Được xem là rường cột của nền kinh tế, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (TĐ, TCT) đều được ưu tiên giao đất, cho thuê đất ở những vị trí đắc địa, có lợi thế kinh doanh cao với giá thấp hoặc không thu tiền sử dụng đất. Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các TĐ, TCT, quỹ đất mà 88 TĐ, TCT được giao, thuê lên tới 365.818 ha!

Tuy nắm giữ trong tay lượng đất đai, nhà, trụ sở khổng lồ và rất có giá trị, song theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiệu quả sử dụng đất đai tại các đơn vị này còn thấp. Bỏ đất hoang, không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, cho thuê, mượn bừa bãi, liên doanh, liên kết sai quy định hoặc quản lý lỏng lẻo, để người dân lấn chiếm... là biểu hiện dễ gặp ở những chủ sử dụng đất này.
 

Một số đơn vị để dân lấn chiếm đất với diện tích lên tới hàng chục nghìn m2 mà không có biện pháp ngăn chặn

Theo giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, diện tích đất do các TĐ, TCT trên địa bàn quản lý có vi phạm lên tới 2,25 triệu m2 (chiếm khoảng 10%). Trong đó, diện tích đất bỏ trống, không sử dụng là 790.000 m2; đất dự án chưa sử dụng hoặc triển khai chậm (bị “treo”) cũng hơn 1 triệu m2.

Kiểm tra tương tự tại TP Hà Nội cho thấy, 5 TCT Nhà nước trên địa bàn (TCT Xây dựng Hà Nội, TCT Thủy tinh và gốm xây dựng, TCT Cơ khí xây dựng, TCT Sông Hồng, TCT CP Dệt may Hà Nội) đang quản lý và sử dụng trên 4 triệu m2 đất, trong đó gần 2,5 triệu m2 được giao, còn lại là thuê.

Dù báo cáo của 5 TCT kể trên đều khẳng định đang quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ nhà, đất hiện có, nhưng trên thực tế “còn nhiều thửa đất chưa hoàn thành thủ tục, hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật, còn để trống hoặc mới xây dựng công trình tạm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc để dân lấn chiếm...”

Chẳng hạn, khu đất hơn 114.000 m2 tại Xuân Phương (huyện Từ Liêm) do TCT Thủy tinh và Gốm xây dựng làm chủ đầu tư được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng từ năm 2006 nhưng tới nay dự án vẫn chưa triển khai... Một ví dụ khác, các công ty thành viên của TCT Xây dựng Hà Nội để dân lấn chiếm tới 13.000 m2 đất trong khu vực thuộc quyền quản lý...

Buông xuôi… quản lý

Rà soát mới nhất của UBND TP Hà Nội về công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội (từ 2006 đến nay) cũng phản ánh phần nào thực trạng quản lý đất đai lỏng lẻo của các TĐ, TCT. Thống kê cho thấy, hiện nay, trên địa bàn có 70 bộ, ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội và 21 TĐ, TCT đang quản lý và sử dụng diện tích đất gần 26,3 triệu m2, với diện tích sàn sử dụng khoảng 6,35 triệu m2.

Trong đó, các cơ sở nhà đất do TĐ, TCT quản lý sử dụng gồm 407 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích đất gần 1,7 triệu m2, diện tích nhà là gần 666.000 m2. Qua kiểm tra rà soát, cơ quan chức năng đã phát hiện 135 cơ sở nhà đất sử dụng không đúng quy định, khai thác không hiệu quả, cho thuê, liên doanh, liên kết trái quy định. TP Hà Nội đã đề nghị xử lý thu hồi 32.415 m2 đất, gần 21.000 m2 nhà, 13 cơ sở sử dụng không phù hợp với quy hoạch, đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất hơn 155.000 m2, xử lý thu hồi để sử dụng cho mục đích công cộng gần 110.000 m2.

Ngoài những trường hợp được xử lý dứt điểm ít ỏi kể trên, còn không ít cơ quan, đơn vị sử dụng cơ sở nhà đất không đúng mục đích, cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở không đúng quy định, để hoang hóa không sử dụng, bị lấn chiếm còn chưa được tập trung làm rõ, không chịu báo cáo đầy đủ cũng như chưa thực hiện triệt để việc chấm dứt hợp đồng cho thuê, mượn trái quy định.

Tiêu biểu dạng vi phạm này có thể kể đến dự án làm nhà ở sai quy định cho cán bộ công nhân viên trên khu đất diện tích 7.520 m2 ở phường Thượng Thanh (Long Biên), hay khu tập thể Đông Ngạc (Từ Liêm) đều thuộc các công ty con của TCT Xây dựng Hà Nội. Ngoài ra, một số đơn vị để dân lấn chiếm đất với diện tích lên tới hàng chục nghìn m2 mà không có biện pháp ngăn chặn cũng là minh họa điển hình cho việc buông lỏng quản lý và sử dụng đất không hiệu quả của các TĐ, TCT.

“Barrier” quyền lợi cục bộ

Lý giải nguyên nhân khiến cho việc sử dụng đất sai mục đích diễn ra phổ biến, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh cho biết, có phần bởi khối lượng nhà đất trên địa bàn thành phố rất lớn, được nhiều đầu mối, nhiều cấp quản lý, do... lịch sử để lại. Những diện tích nhà đất này lại hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, hồ sơ, giấy tờ pháp lý không đầy đủ, dẫn tới thực trạng quản lý sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, cho thuê, cho mượn bừa bãi...

Thêm vào đó, công tác quản lý ở một số đơn vị bị buông lỏng trong một thời gian dài nên việc rà soát, kiểm tra, đề xuất phương án sắp xếp, xử lý nhà đất mất nhiều thời gian, tiến độ thực hiện không thể đạt yêu cầu đặt ra.
 

250.862 ha là diện tích đất được Nhà nước giao, cho thuê đang bị bỏ hoang hóa.

Cùng với đó, bản thân các chủ sử dụng đất mới dừng lại ở khâu tự kê khai, báo cáo hiện trạng quản lý sử dụng chứ chưa hề nghiêm túc thực hiện việc kiểm tra, rà soát và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định.

Trong bối cảnh tù mù như vậy, công tác điều hành của người đứng đầu các đơn vị còn chưa đủ quyết liệt để xử lý dứt điểm các tồn tại về nhà đất. Nhiều nơi còn đùn đẩy, ngần ngại, chưa phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để kiểm tra, rà soát, sắp xếp lại, xử lý nhà đất nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lực này.

Ở đây, có một nghịch lý mà ai cũng rõ. Đó là mặc dù có nhiều sai phạm hiển nhiên trong quản lý, sử dụng đất tại các TĐ, TCT song hiện nay việc xử lý vẫn theo kiểu “nửa chừng xuân”. Bởi theo thừa nhận của lãnh đạo Hà Nội, “việc quản lý sử dụng cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước gắn liền với quyền lợi cục bộ của các cơ quan, đơn vị, nên việc sắp xếp lại, đề xuất hướng xử lý các vi phạm còn chậm, có tình trạng đối phó, đòi hỏi cần nhiều thời gian kiểm tra, thẩm định...”


DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp