Top

Dân khu nhà C1, Thành Công, Hà Nội: Dời từ nhà chờ sập đến ở nhà dột, nát!

Cập nhật 11/11/2008 01:00

Từ tầng một đến tầng 10 đều có hiện tượng nền nhà bong từng mảng, toa lét thì hỏng, trần nhà lại thấm nước.

Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, ngày 7-11, UBND phường Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) đã quyết định cắt điện, cắt nước, lập “lô cốt” phong tỏa, cưỡng chế 109 hộ dân ở khu nhà C1 chuyển đến nơi ở mới là nhà NO6 - khu đô thị Dịch Vọng (quận Cầu Giấy). Nhiều người dân đã mừng thầm vì nơi ở mới nhìn bề ngoài khá khang trang, sạch đẹp. Thế nhưng chỉ sau vài ngày, người dân đã phải than trời.

Nhà cũ nghiêng, lún


Có mặt tại khu chung cư C1, thuộc phường Thành Công, quận Ba Đình, chúng tôi nhận thấy toàn bộ khu vực này đã bị “lô cốt” phong tỏa. Trong các tòa nhà, sau khi người dân di chuyển hết đồ đạc chỉ còn trơ lại “bộ khung” nham nhở.

Đặc biệt là tại khu 2 và khu 3, tòa nhà đã bị lún nghiêng ngả đến hàng mét. Lối đi lại trên tầng 2, tầng 3, tầng 4, thủng lỗ chỗ, vữa rơi từng mảng lớn. Bà Hà, nhà ở phòng 415 cho biết: "Nhiều hôm đang đứng, ở dưới sân bỗng nhiên một mảng trần lớn rơi xuống nền nhà, ai cũng bạt vía. Nhất là những hôm có mưa và gió lớn, ngôi nhà cứ lung lay như muốn sập. Cùng với đó, hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh cứ liên tục bị vỡ, bị tắc, bốc mùi hôi thối không thể nào chịu được".

“Có nhiều khách đến nhà chơi, leo cầu thang thấy rung bần bật không dám lên nữa. Đành phải gọi tôi xuống dưới để trò chuyện. Có lẽ cả Hà Nội chỉ có duy nhất ngôi nhà này yếu đến mức thế” - bà Hà nói.

Ông Nguyễn Đức Ý - Tổ trưởng Tổ 103 nhà C1, cho biết: Đây là khu nhà của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1. Nhà được xây dựng từ năm 1974 và chủ yếu phân lại cho các cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Sau khi nhà xuống cấp, giữa tổng công ty và TP Hà Nội đã nhiều lần họp bàn nhưng vẫn không thống nhất được việc xây dựng mới.

Nhà mới: Muốn đi vệ sinh phải... đội nón!

Theo ông Nguyễn Đức Hiện, Tổ trưởng Tổ 3 nhà C1, ngay sau khi TP cưỡng chế và bố trí người dân đến ở khu đô thị Dịch Vọng, Cầu Giấy. 109 hộ dân đều phấn khởi vì thoát khỏi cảnh lom lóm lo sợ nhà sập.

Thế nhưng khi vừa nhận phòng thì hàng chục hộ dân đã “khóc dở, mếu dở” trước sự xuống cấp. Nhiều hộ nhận chìa khóa nhưng hàng giờ đồng hồ không sao mở được cửa. Hàng chục gia đình phải đập cả khóa để vào. “Ngay cả gia đình tôi đêm hôm đó cũng phải đi vệ sinh nhờ vì nhà vệ sinh bị hỏng” - ông Hiện nói.

Anh Lê Văn Thảo, nhà ở phòng 1001 cho biết, cả phòng có bốn cửa thì cả bốn cửa đều phải dùng búa để phá cửa mới vào được!

Sáng hôm sau ngủ dậy thì giường ướt đẫm vì nước từ trên trần rỏ xuống. Ngoài ra, dù dãy nhà NO6 mới được đưa vào sử dụng mấy ngày nhưng từ tầng một đến tầng 10 đều có hiện tượng nền nhà bong từng mảng. Người dân có thể dễ dàng nhặt từng viên gạch lát nền đưa ra. Tại khu vực tầng 8, lối ra vào cầu thang nước chảy lênh láng.



Nước chảy lênh láng ở tầng 8. Ảnh: T.Văn.


Nhưng có lẽ hư hỏng nặng nhất là căn phòng 1304 của chị Trương Thị Thử. Tại đây, toàn bộ hệ thống cửa ra vào đều phải thay khóa. Nhiều khu vực trong nền nhà gạch vỡ nát. Khi nhấc các viên gạch ở dưới nền nhà ra thì bên dưới chỉ còn trơ lại lớp cát mỏng.

Trong phòng vệ sinh thì nước thấm đẫm ướt trần, nhỏ từng giọt, muốn sử dụng thì chỉ còn cách... đội nón! “Đấy là lúc này mọi người trên tầng không nấu ăn, tắm giặt (2 giờ 30 chiều), chứ vào tầm trưa và tối thì nước từ trên xuống chảy lã chã, phải đem xô chậu ra hứng. Cứ tưởng chuyển từ nhà chờ sập đến khu đô thị chung cư cao cấp, nhà cửa khang trang là sướng. Ai ngờ lại dột nát chẳng kém khu C1 ” - chị nói.

Theo ông Nguyễn Đức Hiện, Tổ trưởng Tổ dân phố khu nhà C1, đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa thông báo rõ ràng cho người dân biết chủ trương của TP về việc đền bù, bố trí tái định cư. “Không biết chúng tôi ở tạm thế này trong bao lâu hay sắp tới sẽ lại phải di chuyển đến một nơi ở khác?” - ông Hiện băn khoăn.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết TP đã chỉ đạo quận Ba Đình, Cầu Giấy phối hợp với Sở Xây dựng hoàn thiện các thủ tục liên quan, tiếp nhận, quản lý và tạo điều kiện về điện nước vệ sinh, an ninh trật tự, học hành cho các hộ dân từ khu nhà C1 Thành Công chuyển đến.

Những gia đình nào có nguyện vọng ở lại nhà mới thì cần bàn bạc, thống nhất các phương án sao cho hợp lý. Đồng thời, quận Ba Đình sớm tháo dỡ nhà C1 và thống nhất với đơn vị quản lý nhà việc xây dựng, quản lý khu đất. “Còn chuyện nhà mới hỏng hóc thì sẽ tính sau” - đại diện đơn vị quản lý khu nhà N06 nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP