Từng được xem là “giấc mơ lớn” đưa du lịch Bình Định cất cánh, tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 250 triệu USD mới chỉ có... một thùng container. Trong khi đó, hơn 300 hộ gia đình với khoảng 1.500 nhân khẩu phải sống khổ trong vùng dự án.
Hầu hết diện tích thôn Vĩnh Hội đều nằm trong Dự án án Khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội. Ảnh: N.T
|
Có đất nhưng không được cất nhà
Dự án Khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội (thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) do Công ty TNHH MTV Du lịch và Khách sạn Việt - Mỹ làm chủ đầu tư có diện tích 300 ha với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD (tương đương 4.000 tỉ đồng) được khởi công năm 2006 và dự khiến hoàn thành vào năm 2014.
Để triển khai dự án, cơ quan chức năng thực hiện giải phóng mặt bằng, di dời toàn bộ người dân thôn Vĩnh Hội (gồm hơn 300 hộ gia đình, với khoảng 1.500 nhân khẩu). Nhưng đã hơn 10 năm nay, dự án vẫn chưa thực hiện và chính quyền cũng không có văn bản nào chính thức trả lời cho người dân biết dự án có tiếp tục hay không.
Hiện, ở thôn Vĩnh Hội, nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng. Con, cháu đã lập gia đình của các hộ đều rất bức bách về chỗ ở. Nhiều hộ phải ở chung, 4 - 5 cặp vợ chồng, con cái sống trong 1 căn nhà chỉ vài chục m2 vì đất của họ thuộc dự án nên không được xây dựng, sửa chữa. Trong khi đó, đất tái định cư cho người dân vẫn chưa được bố trí. Bởi vậy, trên địa bàn thôn phát sinh tình trạng một số hộ lấn chiếm, tự ý cơi nới, xây dựng nhà để ở.
Tại cuộc gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh gần đây, ông Võ Hữu Đức (thôn Vĩnh Hội) bức xúc, muốn biết nguyên nhân nào khiến Dự án Vĩnh Hội đến nay không thực hiện được, đến khi nào dự án này mới triển khai lại để người dân ổn định cuộc sống.
“Việc dự án bị treo quá lâu khiến cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn, có những người có đủ điều kiện đầu tư làm kinh tế nhưng không dám bỏ vốn vì sợ không biết khi nào dự án tiếp tục, nếu đang làm lỡ dở mà bị thu hồi thì mất công, mất tiền. Ngoài ra, ở các xã khác, đất được chuyển nhượng, mua bán, tặng cho nhưng ở Vĩnh Hội thì không được, con cái lập gia đình cũng không được cơi nới hay xây mới nhà cửa, cả gia đình mấy thế hệ sống chen chúc” - ông Đức nói.
Ngoài ra, tại thôn Tân Thanh (xã Cát Hải) còn có dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái Pegasus do Công ty Tư vấn và Đầu tư Pegasus (gọi tắt Công ty Pegasus) làm chủ đầu tư có diện tích 60,86 ha với tổng số vốn đầu tư 10 triệu USD (tương đương 216,73 tỉ đồng). Dự án khởi công từ năm 2015 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024 nhưng hiện vẫn giậm chân tại chỗ mặc dù công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn tất. Nguyên nhân là do 8 hộ chưa đồng ý di dời vì cho rằng chính sách hỗ trợ còn thấp.
Tuy nhiên, điều người dân lo lắng hơn cả là sau khi nhận tiền hỗ trợ xong sẽ không có việc làm, đời sống sẽ gặp nhiều khó khăn vì người dân trong thôn chủ yếu sống bằng nghề biển. Vì vậy, bà con mong muốn chính quyền quan tâm, có chính sách hỗ trợ phù hợp, có nơi neo đậu tàu thuyền, không gây ảnh hưởng đến sinh kế.
Hiện không biết tới khi nào dự án mới được triển khai. Ảnh: N.T
|
Chưa biết bao giờ khởi động lại dự án
Trước sự bức xúc của người dân, ông Phan Viết Hùng - Phó trưởng Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho rằng, Dự án Vĩnh Hội không thành công là vì vấn đề giải phóng mặt bằng đòi hỏi chi phí quá lớn, nhưng ngân sách của tỉnh có hạn.
“Nguyên nhân chủ quan, khách quan cũng nhiều, nhưng ở góc độ BQL là cơ quan quản lý trực tiếp được tỉnh giao nhiệm vụ thu hút đầu tư, quản lý đầu tư và đồng hành cùng các nhà đầu tư, thay mặt lãnh đạo BQL khu kinh tế, tôi xin lỗi toàn thể bà con xã Cát Hải, tôi thật sự chia sẻ và cũng rất thấu hiểu nổi khổ của bà con” - ông Hùng cho hay.
BQL Khu kinh tế đã có nhiều cuộc làm việc, yêu cầu Công ty Việt Mỹ ứng tiền để tỉnh giải phóng mặt bằng nhưng đơn vị này chưa thực hiện. Mặc dù tỉnh tạm giao trước 130ha để nhà đầu tư nộp tiền thuế đất với số tiền 37 tỉ, nhưng doanh nghiệp chưa đủ khả năng chi trả.
Đến cuối năm 2015, BQL đã ra quyết định thu hồi dự án, tuy nhiên, sau khi rà soát lại các thủ tục pháp lý (vì đây là nhà đầu tư nước ngoài nên áp dụng luật quốc tế), UBND tỉnh đã thiện chí cùng nhà đầu tư tiến hành đàm phán lại nhưng vẫn chưa có kết quả. Trong thời gian tới, BQL sẽ tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư để làm sao thúc đẩy dự án tiếp tục trong thời gian sớm nhất.
“Thật sự, hiện, BQL vẫn chưa trả lời chính thức được khi nào sẽ triển khai lại dự án, vì phụ thuộc vào chủ trương của tỉnh, phụ thuộc vào năng lực và thiện chí của nhà đầu tư. Nhưng từ giờ cho đến cuối năm phải đàm phán cho xong, có những cam kết mạnh hơn, hiệu quả hơn buộc nhà đầu tư phải thực hiện. Hy vọng, qua Tết chúng ta có thể khởi động lại dự án” – ông Hùng nói thêm.
Còn về Dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái Pegasus, ông Hùng cho biết, dự án gồm có 2 hợp phần: Hợp phần 1 là trường đào tạo kỹ năng sống và nhà đầu tư đã đưa vào khai thác; hợp phần 2 là Khu du lịch sinh thái tại thôn Tân Thanh sẽ xây dựng vào năm 2019. “Theo tiến độ thì đầu năm 2019, nhà đầu tư sẽ triển khai và đến năm 2024 thì hoàn thành. Tiến độ này đã được UBND tỉnh phê duyệt thì ta cũng phải tôn trọng” – ông Hùng nhận định.
Đối với các kiến nghị của người dân thôn Tân Thanh, ông Hùng nói thêm: “Bờ biển thôn Tân Thanh có chiều dài 2,5 km. Sau khi giao đất các dự án, BQL khu kinh tế có chừa một đoạn 350m bờ biển trước UBND xã để cho người dân sinh hoạt cộng đồng và sẽ phục vụ cho người dân địa phương”.
Chia sẻ nổi khổ với người dân, ông Nguyễn Phi Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đây là bài học kinh nghiệm cho UBND tỉnh, các sở ban ngành trong việc lựa chọn, xem xét thu hút đầu tư, đặc biệt là khi Bình Định chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
“Bờ biển ở đây rất đẹp, người dân địa phương đồng lòng ủng hộ, nhưng dự án triển khai 13 năm mà mới chỉ có 1 container thì quá bức xúc. Tới đây, phải nhanh chóng lên phương án tái định cư tại chỗ hoặc chuyển đến xã Cát Tiến để giải quyết vấn đề chỗ ở cho người dân. Còn đối với 8 hộ dân không đồng ý mức hỗ trợ dự án tại thôn Tân Thanh, tôi đề nghị BQL Khu kinh tế ngồi lại để lắng nghe tâm tư, giải quyết thấu đáo”- Phó Chủ tịch Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.
“Tôi xin lỗi toàn thể bà con xã Cát Hải, tôi thật sự chia sẻ và cũng rất thấu hiểu nổi khổ của bà con” - ông Phan Viết Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định.
Chia sẻ nổi khổ với người dân, ông Nguyễn Phi Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đây là bài học kinh nghiệm cho UBND tỉnh, các sở ban ngành trong việc lựa chọn, xem xét thu hút đầu tư, đặc biệt là khi Bình Định chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: