Top

Số phận bi đát của niềm tự hào 1 thời: Biểu tượng thành ám ảnh

Cập nhật 07/10/2018 08:43

Hai tòa nhà cao thứ ba Hà Nội và TP.HCM cùng chung số phận bị ngân hàng siết nợ. Đây từng được xem là những biểu tượng, niềm tự hào một thời nhưng nay đã trở thành nỗi ám ảnh nợ nần ngàn tỷ. Sau nhiều dự án tại TP.HCM, tình cảnh này lan rộng ra Hà Nội.

Ngân hàng PVcomBank vừa thông báo thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo tại dự án Tokyo Tower (Hà Đông, Hà Nội) để xử lý nợ xấu. Theo đó, tài sản thu giữ theo hợp đồng thế chấp gồm toàn bộ tài sản còn lại của dự án, tiền thu từ các hợp đồng bán căn hộ, sàn trung tâm thương mại bán và cho thuê, các căn hộ chưa bán và cho thuê và sàn trung tâm thương mại chưa bán và cho thuê.

Đồng thời, PVcomBank cũng thu giữ toàn bộ tài sản là quyền phát sinh từ các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa Công ty Thương mại Hoàng Vương và Công ty cổ phần Sông Đà 1.01. PvcomBank cũng đã có thông báo gửi tới các nhà thầu, đơn vị cung cấp dịch vụ cho dự án nhằm phối hợp giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tòa nhà cao thứ ba Hà Đông bị siết nợ

Dự án Tokyo Tower là tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp với chiều cao 51 tầng nổi, trong đó có 5 tầng dành cho trung tâm thương mại dịch vụ. Đây là tòa nhà cao thứ 3 tại Hà Nội. Theo cam kết của chủ đầu tư, dự án sẽ được bàn giao cho khách hàng và đi vào vận hành từ tháng 12/2017.

Cũng chung số phận, cao ốc đình đám Saigon One Tower đã bị Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tiến hành thu giữ tài sản để xử lý khoảng nợ xấu lên tới 7.000 tỷ đồng. Được khởi công từ năm 2007, Saigon One Tower dự kiến sau khi hoàn thành năm 2009 sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM (trên 195m). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 256 triệu USD (5.000 tỷ đồng).

Là dự án tạo tiếng vang và được chờ đợi ở khu trung tâm thành phố, sau 2 năm khởi công, Saigon One Tower rơi vào bế tắc. Tính đến thời điểm ngưng thi công cuối năm 2011, ước 80% khối lượng công việc đã hoàn thành.

BIDV Sở giao dịch 2 ra thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty CP đầu tư Y tế Việt Nam và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584, với tổng trị giá gần 1.100 tỷ đồng (bao gồm cả tiền vay và lãi phát sinh đến 31/7/2017). Giá đấu khởi điểm là 810,3 tỷ đồng.

Tài sản thế chấp là khu đất 174,5m2 và dự án Khu dân cư 584 Tân Kiên tại huyện Bình Chánh - TP.HCM, bao gồm 41.242 m2 đất cùng tài sản gắn liền trên đất là 2 tòa nhà chung cư cao 15 tầng, có tổng cộng khoảng 700 căn hộ, trong đó một block đã đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng đến nay chỉ có 30-40 hộ dân vào ở, còn một block đã gần như hoàn thiện nhưng bỏ hoang từ mấy năm nay.

Dự án bỏ hoang trong thời gian dài

Giữa năm 2016, dân ở chung cư The Harmona (quận Tân Bình, TP.HCM) hay tin Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Bắc Sài Gòn thông báo thu hồi tài sản để xử lý vì chủ đầu tư là Công ty cổ phần Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình thế chấp các căn hộ của cư dân tại đây để bảo lãnh cho Công ty cổ phần Thanh Niên vay vốn, nhưng công ty này không trả nợ.

Gần đây nhất, cơ quan chức năng vừa công bố danh sách các dự án của đại gia bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng. Trong đó, có hàng loạt “ông lớn” bất động sản như Nam Cường, Thủ Đô Invest, Văn Phú Invest, Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam... Tính đến ngày 23/8/2018, có 92 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng.

Thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng ngân hàng, và nguồn vốn huy động trước từ khách hàng, mà phần lớn khách hàng cũng vay ngân hàng để mua nhà.

Áp lực tăng trưởng tín dụng thời gian qua đã khiến các ngân hàng quá mạnh tay cho vay bất động sản. Thời điểm đó, nếu không chấp nhận cho vay thì không tồn tại được, nhưng giờ các ngân hàng mới thấy sự chật vật vì phải ôm cục nợ thế chấp bằng bất động sản mà chưa biết xử lý ra sao.

Giám đốc Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương nhận định, về bản chất, nợ và thế chấp ngân hàng không phải là xấu, mà chỉ là một công cụ vốn tài chính cho nhà phát triển dự án và yêu cầu họ phải đảm bảo được sức khỏe tài chính của DN và dòng tiền ổn định để chi trả phần lãi trên vốn vay.

Đây chính là điểm mấu chốt thành bại của nhiều dự án khi mà những chủ đầu tư quản lý không tốt được tài chính của mình cũng như việc triển khai dự án một cách hiệu quả dẫn tới việc thiếu vốn.

Do vậy, người mua cần tìm hiểu kỹ thông tin, tránh tình trạng mua phải những lô đất, căn hộ của dự án đã được mang đi thế chấp ngân hàng, gây ra tình trạng rắc rối khi làm giấy tờ sở hữu nhà đất. Đồng thời, người dân nên hình thành thói quen luật hóa các giao dịch BĐS bằng cách thuê tư vấn pháp lý khi ký hợp đồng mua nhà.

Có thể nói, hàng loạt vụ việc trong thời gian qua liên quan đến việc chủ đầu tư thế chấp dự án và bị đưa ra đấu giá khoản nợ, thu giữ tài sản, đấu giá tài sản cho thấy, các cơ quan chức năng cần tăng cường việc quản lý và kiểm soát việc thế chấp các dự án nhà ở và minh bạch hơn bảo vệ quyền lợi người mua nhà.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet