Top

Bất động sản cùng chia khó

Cập nhật 07/08/2012 11:25

Thị trường bất động sản đóng băng làm các chủ đầu tư dự án điêu đứng, nhiều dự án nhà ở thiếu vốn nên dở dang, trễ hẹn với khách hàng. Khách hàng bỏ tiền mua nhà khổ một lẽ, nhưng chủ đầu tư nhiều khi còn khổ hơn…

Cách đây 3 năm, bà H.T. (quận Phú Nhuận, TP.HCM) mua một căn nhà trong dự án Q.C 2 của một công ty bất động sản trên đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh) với giá hơn 2 tỷ đồng (cao hơn 400 triệu đồng so với giá gốc công ty này bán ra). Để có đủ tiền đóng tiền mua nhà theo tiến độ, bà H.T. phải đi vay mượn người thân, bạn bè, thậm chí có khi phải vay ngân hàng.

  Dù chưa được như kỳ vọng, nhưng giao dịch thành công ở phân khúc thị trường căn hộ đã bắt đầu tăng - Ảnh: Dã Thảo

“Có còn hơn không”

Đến cuối năm 2011, chủ đầu tư còn gửi thư yêu cầu bà H.T. phải đóng tiếp tiền mua nhà theo tiến độ trong hợp đồng. Thế nên cái tin dự án Q.C 2 bị ngừng xây dựng, không biết khi nào mới tiếp tục thi công khiến bà điêu đứng. Sau nhiều lần gặp gỡ, giải quyết, chủ đầu tư chịu giao cho bà một căn hộ khác ở dự án Q.C 1 để thay thế.

Tuy không vừa ý do căn hộ ở dự án Q.C 1 “vừa xấu nhà vừa xấu cảnh”, thua xa so dự án đã chọn mua trước kia, nhưng bà H.T. đành phải nhận bởi có nhà để nhận còn hơn phải chờ đợi vô vọng.

Không khác bà H.T. là trường hợp nhiều khách hàng một dự án khá lớn tại huyện Bình Chánh. Mặc dù chủ đầu tư đã cố hoàn thành xong nhà để giao cho khách hàng, nhưng các “thượng đế” đã thất vọng khi nhận căn hộ chung cư cao cấp với tiện nghi chỉ ngang bằng với… chung cư tái định cư.

Dự án không có công viên cây xanh, các dịch vụ như chủ đầu tư đã giới thiệu ban đầu. Lối vào chỗ để xe còn giữ nguyên là một công trường với dây điện lộ thiên chạy từ mặt đất xuống hầm. Tệ hơn, nước mưa theo kẽ hở giữa hai block chung cư chảy lênh láng xuống hầm. Vật liệu xây dựng thừa còn vương vãi ở khu vực cầu thang thoát hiểm...

Tiến thoái lưỡng nan

Một số khách hàng mua căn hộ của một dự án chung cư thuộc phường 5 (quận 8) đã gửi đơn đến tòa án để kiện đòi chấm dứt hợp đồng mua nhà với chủ đầu tư bởi dự án này đã ngưng thi công từ khi làm xong phần móng mà chưa biết khi nào xây lại.

Chị T. cho biết chị mua căn hộ của dự án này bằng tiền tiết kiệm gần 5 năm của hai vợ chồng. Nghe tin dự án ngừng thi công, chị đã nhiều lần đến gặp chủ đầu tư, gặp cả tổng giám đốc công ty nhưng cuối cùng chỉ nhận được những lời hứa hẹn.

Chị T. đã làm đơn khởi kiện chủ đầu tư, yêu cầu chấm dứt hợp đồng mua bán nhà, sự việc đã được UBND phường hòa giải không thành. Tuy nhiên, chị T. vẫn chần chừ chưa làm thủ tục khởi kiện bởi không biết đây có phải là cách tốt nhất hay không.

Cùng chia “khó”

Nhiều khách hàng bức xúc: trước kia, họ chọn mua nhà của các dự án một phần vì uy tín của chủ đầu tư. Vậy mà các chủ đầu tư lại xem khách hàng “bằng không”, cứ nghĩ đến khó khăn của mình mà quên là khách hàng cũng khó khăn gấp bội.

Một chủ đầu tư dự án dở dang đã không ngần ngại nói với khách hàng: có kiện tôi cũng chẳng còn tiền để trả. Nhiều chủ đầu tư tìm cách né tránh tiếp xúc với khách hàng khi được hỏi về tình hình của dự án. Chủ đầu tư khác lại hứa hẹn tình hình sẽ khá hơn trong vài tuần, một tháng tới nhưng lại lỡ hẹn nhiều lần khiến khách hàng từ tin tưởng, hy vọng rồi nghi ngờ, hoang mang...

Phải thừa nhận, trong bối cảnh khó khăn về vốn suốt thời gian qua, để triển khai dự án, nhiều chủ đầu tư đã chấp nhận rủi ro. Nhiều dự án có giá vừa túi tiền đã được chủ đầu tư tung bán bên cạnh chính sách thanh toán linh hoạt. Trên thực tế giao dịch thành công ở phân khúc thị trường căn hộ bình dân đã bắt đầu tăng, dù chưa được như kỳ vọng.

Một nhà phân tích cho biết, hiện nhiều chủ đầu tư đã chấp nhận mức lợi nhuận ít nhất để cải thiện thanh khoản, thay vì tìm kiếm lợi nhuận cao như trước đây. Vì vậy, hơn lúc nào hết, việc chủ đầu tư và khách hàng tìm được sự thông cảm và tiếng nói chung trong thời gian này là vô cùng cần thiết. Cùng chia khó, vậy có nên không?

Như An - DiaOcOnline.vn