Top

Cung văn hóa hay chợ trời?

Cập nhật 20/04/2008 09:00

Lâu nay, hàng nghìn mét vuông đất của Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội đã bị “băm nát” thành các ki ốt để kinh doanh và cho thuê khiến nhiều người đặt câu hỏi “Cung văn hóa hay chợ trời?”.

Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội (tên cũ: Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt - Xô), là công trình kiến trúc văn hóa có quy mô lớn, do Công đoàn Liên Xô trước đây, xây dựng và trao tặng cho nhân dân Thủ đô làm nơi sinh hoạt, giải trí.

Các mặt bao quanh đều bị “băm nát”!

Theo Quyết định số 135 (ngày 16/8/1973) của UBND TP Hà Nội cấp giấy phép sử dụng đất cho Liên hiệp công đoàn Hà Nội (nay là Liên đoàn lao động Hà Nội), sử dụng 47.120m2 khu đất nhà hát nhân dân để xây dựng Cung Văn hóa Việt-Xô.

Song trong quá trình xây dựng, do vấn đề ngân sách nên chỉ hoàn thành được khu vực hoạt động văn hoá văn nghệ mà chưa làm được khu vực thể dục thể thao cho nên diện tích đất thực tế mà Cung văn hóa đang quản lý là 31.737m2.

Có lẽ vì nằm ở một vị trí đắc địa nhất của Thủ đô (4 mặt của Cung đều tiếp giáp với các con đường chính, tuyến phố chính), nên phần diện tích đất lưu không trong khuôn viên của nó đã bị “băm nát”, chia nhỏ để kinh doanh và cho thuê sai mục đích.

Đi dọc tuyến đường Trần Bình Trọng (phía Đông của Cung), người ta khó có thể nhận ra được diện mạo của Cung Văn hóa vì hàng trăm mét dọc tuyến đường này đã được bủa vây kín bởi hàng loạt các quán cà phê với những cái tên như: Hoa Sữa; vườn Hoàng Lan... Và san sát là những quầy trưng bày và bán các loại cây cảnh đủ loại.

Phía Nam giáp đường Trần Quốc Toản, ở phía đầu đường nơi mà trước đây dư luận từng bức xúc với tình trạng ồn ào, lộn xộn và ô nhiễm của quán bia hơi do Cung văn hoá cho thuê hiện đã được dẹp bỏ thì nay nhường chỗ cho công trình nhà tạm, khung thép mái tôn trên diện tích 4.389m2. Đây là công trình nhà triển lãm hoạt động văn hoá thể thao liên kết giữa Cung Văn hoá Hữu nghị và Cty triển lãm hội nghị và quảng cáo Việt Nam.

Còn gần cuối đường Trần Quốc Toản, nối với đường Yết Kiêu, hàng nghìn mét vuông đất đã bị bủa vây bởi các công ty, văn phòng kinh doanh máy tính như: Cty Vĩnh Trinh; Trung tâm bảo hành máy tính...

Kế đó, ở phía Tây giáp với đường Yết Kiêu là những gian hàng hai tầng lộng lẫy của một công ty thuê làm nơi trưng bày và bán sản phẩm hồng sâm Hàn Quốc. Rồi các văn phòng tuyển dụng lao động, hàng ngày với lượng người ra vào tấp nập.

Phía đường Yết Kiêu bị chia nhỏ
cho thuê làm nơi giao dịch, bán
hàng...

... và bán cà phê. Ảnh: Nguyễn Tú.


Hành lang cũng bị chia nhỏ!

Bốn mặt bao quanh của Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô là vậy, nhưng ngay cả bên trong của công trình kiến trúc văn hoá có quy mô lớn này việc kinh doanh, cho thuê cũng đã được tận dụng triệt để. Nó làm cho nhiều người mỗi khi có dịp vào đây có cảm tưởng nơi đây là một khu chợ trời với đủ loại hình kinh doanh hơn là một địa điểm sinh hoạt, giải trí của người dân Thủ đô.

Bắt đầu là tòa nhà chính 4 tầng (cao 33 m, dài 96 m, rộng 60 m), ngay bên hông của tòa nhà (phía giáp đường Yết Kiêu), người ta đã tận dụng triệt để công năng của nó để hình thành nên các quán cà phê, giải khát, quán ăn nhanh với những cái tên rất hấp dẫn như: Cà phê điểm hẹn; Cà phê Mê Trang...

Tầng 3 của tòa nhà chính, là nơi làm việc của các bộ phận chuyên môn của Cung Văn hóa, thế nhưng các lối ra vào không hề có bảng chỉ dẫn mà thay vào đó là những biển hiệu của các đơn vị cho thuê như: Dịch vụ bưu điện; Cty thương mại tư vấn chuyên nghiệp...

Cả ban giám đốc đến các bộ phận chuyên môn của Cung văn hoá phải “co cụm” về một phía, dành chỗ cho tầng 4 từ hành lang đến văn phòng để cho các đơn vị thuê như: Trung tâm đào tạo lập trình viên FPT (với hàng trăm mét vuông); Công ty tư vấn chuyên nghiệp…

Không dừng lại ở đấy, ngay cả khoảng không của phần liền giữa hai toà nhà 4 tầng và toà nhà 3 tầng (vốn là cổng bên hông của Cung), cũng bị triệt để tận dụng để cho thuê mở câu lạc bộ bi-a (Carmen) của Công ty Thiên Phú.

Ở tòa nhà 3 tầng, mặt trước của nó bao quanh bởi các quán nước giải khát, thì tầng 1 là trụ sở của Cty dịch vụ FPT.

Điều đáng nói, việc cho kinh doanh, cho thuê tại Cung Văn hóa Hữu nghị đã diễn ra nhiều năm qua, thế nhưng đến nay chưa có cơ quan nào kiểm tra và xử lý.

Quyết định số 92/2007 của UBND TP Hà Nội về quản lý, sử dụng tài sản công nêu rõ: Đối với nhà đất (trụ sở, nhà xưởng) của các cơ quan hành chính sự nghiệp công lập phải sử dụng đúng chức năng, đúng mục đích, đúng quy hoạch. Đồng thời, phải xác định được giá trị nhà đất theo khung giá thành phố ban hành, đưa vào sổ tài sản để quản lý.

Những trường hợp sử dụng sai mục đích, cho thuê mượn, bỏ hoang,  thành phố sẽ có quyết định sắp xếp, thu hồi. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm bảo toàn đối với tài sản nhà đất, nếu thất thoát phải chịu trách nhiệm.


Theo Tiền Phong