Bình luận về cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp mà Chính phủ dự kiến ban hành trong tuần này, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Nếu chúng ta làm tốt thì đây sẽ là một cú huých rất quan trọng đối với sự phát triển của khu vực thị trường nhà ở bình dân”.
* Ông có bình luận gì về việc Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp vào thời điểm này?
Tôi cho rằng, đây là một đề xuất tương đối phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Hiện là lúc thị trường bất động sản đang bị nguội lạnh và một trong những khu vực trước đây chúng ta vẫn khắc khoải đi tìm giải pháp cho nó chính là khu vực nhà ở xã hội. Nếu gói kích cầu lần này tập trung được một lượng kinh phí nhất định để phát triển khu vực nhà ở xã hội mà trước hết ở các đô thị lớn là rất đúng điểm.
Chính sách sẽ giúp giải quyết ở một mức độ nhất định vấn đề nhà ở xã hội tùy theo kinh phí của gói kích cầu. Bên cạnh đó, chính sách này còn giúp cho giao dịch về nhà ở có chất lượng bình thường sẽ sôi động lên và sẽ tạo điều kiện để kéo theo giá nhà ở phù hợp với túi tiền của người lao động.
* Thực ra chính sách nhà ở cho người có thu nhập thấp đã được ban hành trong Luật Nhà ở từ năm 2006, song cho đến nay khu vực này hầu như vẫn vắng bóng các nhà đầu tư. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Theo tôi, trước hết là khu vực nhà ở xã hội vẫn mang tính an sinh xã hội nhiều hơn là lợi nhuận của thị trường. Khi lợi nhuận đã ít thì các nhà đầu tư sẽ không hăng hái. Với một khoản tiền vốn nhất định thì bao giờ nhà đầu tư cũng phải tính toán đầu tư vào đâu để có lợi nhuận cao nhất. Đây là lẽ thường và cũng không nên trách các nhà đầu tư.
Thứ hai, khu vực nhà ở cho người thu nhập thấp là một địa hạt khá phức tạp, nên các cơ quan chức năngù chưa thật nhiệt tình để tìm cách hỗ trợ, tìm giải pháp thu hút đầu tư vào khu vực này. Vì vậy, chúng ta cũng hy vọng khi cơ chế được ban hành đồng thời có sự hỗ trợ của Nhà nước thì khu vực này sẽ có chuyển biến tốt hơn.
* Việc Chính phủ dự kiến dùng tiền ngân sách để thực hiện cơ chế này cũng làm dấy lên mối lo ngại rằng, sẽ quay trở lại cơ chế xin - cho như thời bao cấp. Ông nhìn nhận thế nào vấn đề trên?
Tôi cho rằng, chắc chắn chúng ta phải có những giải pháp phù hợp, vì cơ chế hỗ trợ trong một nền kinh tế thị trường sẽ không thể là cơ chế xin - cho. Nếu để xảy ra cơ chế xin - cho thì chúng ta lại mắc phải những nhược điểm của thời kỳ bao cấp.
Không thể là cơ chế xin - cho, nhưng phải có một cơ chế như thế nào đấy để chính sách này tạo điều kiện cho những người lao động tiếp cận với nhà ở. Song tiếp cận rồi thì trong phạm vi sức lao động của mình, họ phải tự giải quyết vấn đề. Việc Nhà nước thực hiện chính sách này phải được hiểu là Nhà nước tạo điều kiện cho người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở, chứ không phải Nhà nước cho không.
Kinh phí Nhà nước đưa ra từ ngân sách chắc chắn cũng không phải là Nhà nước cho không các nhà đầu tư, mà chính sách này chỉ như một phương tiện tạo cho nhà đầu tư có sức thu hút lớn hơn để đầu tư thêm vào đấy nhằm giải quyết vấn đề nhà ở xã hội. Tất cả những hoạt động đó phải được vận hành trên cơ sở của kinh tế thị trường.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: