Top

Cư dân điêu đứng vì chủ đầu tư làm liều

Cập nhật 12/12/2017 10:34

Do làm liều, nhiều chủ đầu tư đã đẩy khách hàng vào vòng lận đận khi nhận nhà suốt nhiều năm nhưng vẫn không thể cầm được sổ đỏ trong tay. Đáng tiếc chuyện thật như đùa này đang diễn ra khá nhiều tại các dự án chung cư ở Hà Nội.


Chung cư CT6 Kiến Hưng.

Mới đây, tập thể cư dân chung cư CT6 Kiến Hưng (quận Hà Đông) đã có đơn kiến nghị gửi đến UBND TP. Hà Nội đề nghị sớm cấp sổ đỏ cho người dân mua nhà dự án.

Theo các hộ dân ở đây, họ mua nhà dự án CT6 Kiến Hưng và đã chuyển về ở được mấy năm nay nhưng vẫn không được cấp sổ đỏ. Việc này khiến cho việc sinh hoạt của các gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu, Dự án chung cư CT6 do Công ty cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes là chủ đầu tư. Quy hoạch thiết kế được duyệt là 2 tòa gồm, CT6A và CT6B.

Tuy nhiên, trong thực tế chủ đầu tư đã xây dựng 3 tòa nhà gồm, CT6A, CT6B và CT6C (tăng 1 tòa so với quy hoạch được duyệt). Việc này dẫn đến hệ lụy là hàng trăm hộ dân tòa CT6C không được cấp sổ đỏ do chủ đầu tư tự ý xây dựng ngoài thiết kế quy hoạch được phê duyệt.

Không chỉ xây vượt tầng, nhiều chủ đầu tư còn chây ỳ nợ tiền sử dụng đất cũng dẫn đến việc cả dự án không được cấp sổ đỏ.

Cách đây không lâu, Cục Thuế Hà Nội đã công bố danh sách những doanh nghiệp chây ỳ tiền sử dụng đất tháng 11 trên địa bàn Thành phố với tổng nợ lên tới gần 450 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý, trong danh sách lần này, có tới 10 doanh nghiệp nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất tới hơn 375 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty TNHH Đá Quý thế giới nợ tiền sử dụng đất hơn 97 tỷ đồng với địa điểm đất thuê là tòa nhà hỗn hợp AZ SKY, hay còn gọi là Chung cư Ruby Định Công, tại lô đất CN1, Khu đô thị mới Định Công, phường Định Công (quận Hoàng Mai).

Điều đáng nói, dù còn nợ tiền sử dụng đất, nhưng dự án này đã huy động vốn của khách hàng từ năm 2010 với giá gốc 18,8 triệu đồng/m2, thậm chí nhiều khách hàng vào thời điểm đó đã phải mua qua tay giá lên tới 26 triệu đồng/m2.

Theo kế hoạch, dự án sẽ xây xong phần thân vào quý IV/2012, nhưng chậm tiến độ hàng năm trời, mãi tới đầu năm 2017, dự án mới bàn giao nhà cho người dân, dù chưa đủ điều kiện về kiểm định, phòng cháy chữa cháy và ngổn ngang những công trình còn dở dang. Với việc dự án còn đang nợ tiền sử dụng đất lên tới gần 100 tỷ đồng, cư dân tại đây sẽ chưa thể làm được Giấy chứng nhận sở hữu nhà.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra việc thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số Dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo Quyết định số 123/2001/QĐ-UB ngày 06/12/2001 của UBND thành phố Hà Nội, giai đoạn từ năm 2002-2014.

Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu xem xét, xử lý Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô không phải là chủ đầu tư dự án, khi xây dựng xong tòa nhà chung cư cao tầng có ký hiệu NO- 10 thuộc khu đô thị mới Dịch Vọng, đã tự ý ký hợp đồng bán căn hộ chung cư ­cho 341 khách hàng. Việc này cũng dẫn đến việc các khách hàng mua nhà tại dự án này cũng chưa được cấp sổ đỏ.

Trao đổi với BizLIVE một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho biết, tình trạng các chủ đầu tư bất chấp quy định của pháp luật xây dựng vượt phép, chây ỳ nợ thuế không phải hiếm gặp trên thị trường bất động sản. Nguyên nhân là do quy định của pháp luật chưa chặt, còn có kẽ hở cho doanh nghiệp lợi dụng.

Nhiều doanh nghiệp khi xây dựng không phép, vượt phép, vượt tầng thì được phạt cho tồn tại, dẫn đến các chủ đầu tư vì lợi nhuận mà bất chấp các quy định của pháp luật.

“Khách hàng khi mua nhà dự án cần tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư dự án. Để hạn chế rủi ro chỉ nên mua nhà của những chủ đầu có uy tín, đã có tiếng tăm trên thị trường”, vị chuyên gia này khuyên.

DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE