Nếu tập trung vốn, dự án cao tốc TP.HCM - Cần Thơ tới nay đã có thể đến được Mỹ Thuận, không cần đường tránh thị xã Cai Lậy, không có lùm xùm ở trạm BOT Cai Lậy.
Ngày 11-12, công trình xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đoạn tiếp giáp với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (đã đưa vào sử dụng) đang thi công dở dang - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
|
Có ý kiến cho rằng nếu cấp thẩm quyền có tầm nhìn, tập trung vốn cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận thì đến nay cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã nối dài đến Mỹ Thuận.
Vì vậy, sẽ không cần làm đường tránh TX Cai Lậy và cũng sẽ không có chuyện lùm xùm ở trạm BOT Cai Lậy.
Trên thực tế, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đến lúc này vẫn là một công trường ngổn ngang, còn nhiều vướng mắc về thiết kế và vốn.
Lo Trung Lương - Mỹ Thuận không kịp xong năm 2020
Khởi công năm 2009, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được nhà đầu tư lúc đó là Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) hứa hẹn hoàn thành sau 2 năm. Nhưng vì nhiều lý do, cao tốc này nằm bẹp gí từ đó đến nay.
Tháng 7-2017, sau nhiều lần thúc giục, Bộ GTVT ra "tối hậu thư" yêu cầu tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long - cơ quan thay mặt Nhà nước quản lý dự án) phải khởi công trở lại trong vòng 2 tháng.
Dự án cao tốc TP.HCM - Cần Thơ dài tổng cộng hơn 120km.
Đến nay, đoạn TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM - Long An - Tiền Giang) dài 40km đã hoàn thành năm 2010.
Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) dài 51km đang thi công.
Đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23,6km đang chuẩn bị đầu tư.
Theo kế hoạch mới nhất, toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ sẽ hoàn thành năm 2021.
|
Ông Dương Hồ Minh - phó tổng giám đốc CIPM Cửu Long - cho biết vẫn đang đàm phán với ngân hàng để vay vốn thực hiện dự án, cố gắng hoàn thành vào tháng 6-2020 theo hợp đồng đã ký với Bộ GTVT.
Ông Phạm Anh Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - lo ngại: "Bộ GTVT đặt mục tiêu năm 2020 hoàn thành tuyến cao tốc này. Tuy nhiên, với tiến độ thi công khá chậm như hiện nay thì rất khó hoàn thành trong 2 năm nữa".
Theo ông Phan Anh Dũng - giám đốc công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm là do tháng 6-2017, Bộ GTVT ra quyết định bổ sung điều chỉnh thiết kế kỹ thuật dự án này. Dự kiến đến tháng 12-2017 mới hoàn thành bản vẽ thiết kế.
Bên cạnh đó, do phần lớn số tiền đã chi trả đền bù giải tỏa nên hiện không còn đủ tiền chi trả cho các nhà thầu đã triển khai thi công 12/23 gói thầu. Đây là khó khăn lớn nhất của dự án này hiện nay.
Ông Dũng cho biết dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, trong đó các nhà thầu đã góp 1.542 tỉ đồng, tương đương 16% vốn. Tới đây, các nhà đầu tư dự án sẽ tiếp tục góp thêm khoảng 1.000 tỉ đồng.
Ông Dũng cam kết nhà đầu tư sẽ cố gắng phấn đấu hoàn thành dự án trên theo hợp đồng trong trường hợp không phát sinh thêm những khó khăn về đền bù giải tỏa chậm hoặc việc vay vốn chậm trễ.
"Bởi vì thời gian xử lý nền đất yếu trên tuyến đường này mất 500 ngày. Do vậy, nếu chậm trễ triển khai thi công thì tiến độ dự án sẽ bị kéo dài", giám đốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nói.
Công nhân làm trụ cầu cho công trình xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đoạn tiếp giáp với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (tỉnh Tiền Giang) - Ảnh: MẬU TRƯỜNG |
Mỹ Thuận - Cần Thơ khó hoàn thành năm 2019
Trong khi đó, đoạn cuối cùng trong tuyến TP.HCM - Cần Thơ là Mỹ Thuận - Cần Thơ đã triển khai ra sao?
Bộ GTVT nên đứng ra chủ trì kiểm tra, rà soát toàn bộ dự án về nhiều mặt như kỹ thuật, tính pháp lý... Từ đó, kêu gọi nguồn vốn từ các ngân hàng và các nguồn vốn khác để tăng tốc triển khai và phải thường xuyên giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch.
PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng (hiệu phó ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) |
Ông Vũ Ngọc Dương - phó giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, đơn vị thay mặt Nhà nước quản lý và điều hành dự án - cho biết Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BOT với quy mô đầu tư phân kỳ.
Theo đó, điểm đầu của dự án là nút giao giữa quốc lộ 80 (sau cầu Mỹ Thuận, tiếp nối với cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến sắp xây dựng), điểm cuối tại nút giao Chà Và, đi qua tỉnh Vĩnh Long (13,6km) và tỉnh Đồng Tháp (9,9km).
Chiều dài toàn tuyến là 23,6km, tổng mức đầu tư 5.408,8 tỉ đồng. Hiện Bộ GTVT đang xem xét phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển các nhà thầu.
Trước đó, tháng 3-2017, phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo dự án này phải hoàn thành năm 2019. Ông Dương nhìn nhận việc này là khó khăn và chi phí đầu tư sẽ tăng rất cao.
"Mục tiêu đề ra là cố gắng triển khai thi công vào cuối năm 2018, thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2020 và hoàn thành vào quý 1-2021", ông Vũ Ngọc Dương nói.
Ông Trần Hoàng Tựu - phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - sốt ruột: "Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã quá tải, tai nạn giao thông tăng cao, rất cần có đường cao tốc để chia sẻ. Chúng tôi rất mong dự án sớm được triển khai".
Nếu được quan tâm đúng mức, tôi tin chắc tình trạng ùn tắc, kẹt xe trên quốc lộ 1 từ TP.HCM về miền Tây sẽ được giải quyết dứt điểm. Chính phủ cần cân nhắc mức phí đường cao tốc phù hợp nhất hoặc miễn phí để tạo điều kiện cho bà con miền Tây đi lại, thông thương góp phần phát triển nhanh vùng đất giàu tiềm năng nhưng đang bị bỏ quên.
Chuyên gia kinh tế Chung Thành Tiến
'
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: