Top

Thị trường văn phòng TP.HCM 2018: Cầu sẽ tiếp tục vượt cung?

Cập nhật 12/12/2017 09:08

Năm 2017, tại TP.HCM có bốn tòa nhà Hạng A và Hạng B gia nhập thị trường, ba trong số đó ghi nhận đạt tỷ lệ lấp đầy trên 70% tại thời điểm mở cửa. Các chuyên gia dự báo, năm 2018-2019, thị trường văn phòng tại trung tâm thành phố, cầu vẫn tiếp tục vượt cung...

Ảnh minh họa.

Theo ông Greg Ohan, Giám đốc phát triển kinh doanh tại Việt Nam của JLL, kể từ năm 2015, thị trường văn phòng TP.HCM đón nhận lượng cầu vượt dự kiến với diện tích thuê ròng khá ấn tượng trên tất cả các phân khúc văn phòng cho thuê. Năm 2017, chào đón bốn tòa nhà Hạng A và Hạng B gia nhập thị trường, ba trong số đó ghi nhận đạt tỷ lệ lấp đầy trên 70% tại thời điểm mở cửa.

Đáng chú ý, mức giá trung bình văn phòng Hạng A hồi phục mạnh mẽ trong vòng hai năm qua, đạt 38,9USD/m2/tháng, nhờ vào nhu cầu tăng cao đi đôi với chất lượng cao hơn nữa từ các toà nhà mới hoàn thành.

Bên cạnh đó, mức giá trung bình văn phòng Hạng B cũng liên tục tăng hàng năm, đạt 22,3USD/m2/tháng. Đặc biệt, các tòa nhà Hạng A mới gia nhập thị trường đã đẩy giá thuê cao hơn 10USD/m2/tháng so với các tòa nhà trưởng thành (tòa nhà xây dựng trước năm 2010).
Quy mô thuê văn phòng trung bình hiện đã tăng gấp đôi khi các công ty tiếp tục mở rộng và những công ty mới tham gia vào thị trường. Theo ghi nhận, quy mô trung bình của khách thuê trên thị trường TP.HCM đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên đến 500 – 600m2.
Thêm vào đó, các ngành mới nổi như “thương mại điện tử” đang thúc đẩy nhu cầu văn phòng lên những tầm cao mới chưa từng có ở Việt Nam. Các lĩnh vực khác như co-working, logistics và sản xuất cũng chiếm phần lớn trong tỷ lệ hấp thụ nhanh của thị trường văn phòng TP.HCM và JLL dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục từ 2018 đến 2019.

Theo báo cáo của JLL, tỷ lệ lấp đầy trung bình văn phòng Hạng A và Hạng B tại TP.HCM cao hơn 94%. Điều này cho thấy nhu cầu rất lớn trên thị trường đối với các tòa nhà Hạng A và Hạng B gồm cả tòa nhà cũ và mới.

"Việc thiếu nguồn cung trong ngắn hạn dẫn đến giá thuê tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào thị trường văn phòng tại TP.HCM và Việt Nam, từ cả chủ đầu tư hiện tại và chủ đầu tư mới gia nhập vào thị trường", ông Greg Ohan cho biết.

Theo đại diện JLL, với quỹ đất và cơ hội tại CBD (khu vực trung tâm) hạn hẹp, khách thuê đang dần nhìn ra khỏi khu vực trung tâm truyền thống. Điển hình là khu đô thị mới Thủ Thiêm được xem là trung tâm thương mại mới của TP.HCM trong tương lai.

Thủ Thiêm sẽ giúp giảm áp lực cho khu vực trung tâm thành phố

Thủ Thiêm sỡ hữu 657ha nằm đối diện với khu trung tâm kinh tế hành chính hiện tại qua bờ bên kia sông Sài Gòn. Quy mô toàn khu bao gồm 176 lô đất với khoảng 3,2 triệu m2 sàn nhà ở, và 3,4 triệu m2 sàn thương mại, Thủ Thiêm sẽ là nơi sinh sống và làm việc của 145.000 cư dân và 217.000 nhân viên.

Khu trung tâm tài chính mới sẽ là nơi có nhiều trụ sở chính của các tập đoàn kinh tế và sẽ trở thành một điểm đến sôi động kết hợp các khu nhà ở, văn phòng, trung tâm mua sắm, khách sạn và căn hộ dịch vụ.

Theo JLL, giống như kinh nghiệm rút ra từ các thị trường tương tự như Cửu Long ở Hồng Kông, phố Đông ở Trung Quốc và thành phố Bonifacio Global ở Philippine... những người đến sớm và sử dụng được diện tích lớn dọc bờ sông sẽ được hưởng các lợi thế đầu tiên về cơ hội, vị trí và tầm nhìn.

“Chúng tôi kỳ vọng sự cân nhắc di chuyển sẽ được đáp ứng bằng các lợi ích trung và dài hạn như giá thuê cạnh tranh với chi phí thấp, không gian mở với mật độ xây dựng thấp, cơ sở hạ tầng và kết nối dễ dàng hơn với hành lang tăng trưởng của TP.HCM. Với 35% cơ sở hạ tầng chính đã hoàn thành, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng “đường chân trời Thủ Thiêm” sẽ là giải pháp cho những thách thức hiện tại”, ông ông Greg Ohan, Giám đốc phát triển kinh doanh tại Việt Nam của JLL, nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE