Top

Cư dân chung cư vẫn mơ hồ về bảo hiểm cháy nổ

Cập nhật 15/04/2015 08:44

Ngay sau khi nhận được thông báo mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc từ Vinhomes Royal City hôm 30/3, hầu hết cư dân sống ở đây đều khá mơ hồ về sản phẩm này. Sự mơ hồ này cũng không ngoại lệ đối với các cư dân nhiều chung cư khác.

Ảnh: Hoài Nam

Đầu tư Bất động sản đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hải Nam, Phó Phòng bảo hiểm Tài sản kỹ thuật, PJICO - 1 trong 3 nhà bảo hiểm được giới thiệu cung cấp bán bảo hiểm cháy nổ tại Royal City về vấn đề này.

Tại các cuộc trao đổi trực tiếp cũng như tại fanpage “Cư dân RoyalCity” mới đây, hầu hết cư dân Royal City, dù được xem là cư dân chung cư “hạng sang” nhưng đều không rõ về sự bắt buộc phải mua của sản phẩm bảo hiểm cháy nổ. Có người còn cho rằng chỉ bắt buộc mua với phần diện tích chung của tòa nhà, còn phần diện tích riêng của từng căn hộ thì không phải mua? Quy định của Nhà nước về vấn đề này thế nào, thưa ông?

Cần khẳng định ngay là, cả hai phần diện tích chung của tòa nhà và diện tích riêng của căn hộ đều thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Điều này đã được nêu rất rõ tại Nghị định 130/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8/11/2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và Nghị định 35/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4/4/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, trong đó có đề cập đến Danh mục các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ (các cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc).

Ông Nguyễn Hải Nam

Bên cạnh đó, để hướng dẫn tổ chức, DN và người dân mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, ngày 31/12/2013, Bộ Công an phối hợp cùng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 214/2013/TTLT-BTC-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22/5/2012 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Theo đó, tại khoản 2 Điều 3 của Nghị định có hướng dẫn rất cụ thể về cách thức thực hiện mua bảo hiểm cháy nổ với các tòa nhà chung cư.

Theo đó, tại các nhà tập thể, nhà chung cư hoặc trong một cơ sở mà có nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân thuê mua, các đối tượng này phải có trách nhiệm trực tiếp mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hoặc nộp tiền mua bao hiểm cho người đại diện nếu xác định được người đại diện quản lý chung cư, cơ sở đó.

Để người dân, tổ chức, DN thực hiện các quy định về mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, Hiện có chế tài xử phạt nhứ thế nào trong trường hợp các đối tượng thuộc diện mua bảo hiểm bắt buộc nhưng không thực hiện?

Để đảm bảo cá nhân, tổ chức và các DN cung cấp dịch vụ bảo hiểm nghiêm túc thực hiện các quy định về mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, ngày 14/6/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy, trong đó có quy định xử phạt hành vi vi phạm bảo hiểm cháy nổ và Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/08/2013 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Theo các văn bản này, cả Người mua bảo hiểm và Nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm đều sẽ bị xử phạt nếu như vi phạm những quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, không ít khu chung cư cũ không hề mua nhưng cũng chưa thấy bị “sờ gáy”, nên nếu các khu chung cư mới không mua chắc cũng không sao cả?

Bên cạnh các chế tài liên quan đến việc xử phạt vi phạm đã có như đã nói ở trên cộng với trong vài năm trở lại đây, rủi ro về cháy nổ xảy ra với tần suất ngày càng  nhiều và tài sản tổn thất cũng tăng dần trên phạm vi cả nước, các cơ quan chức năng sẽ ngày càng siết lại quy định này. Điều này trước hết để tăng cường ý thức phòng chống cháy nổ của các cá nhân, tổ chức.

Thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư có uy tín (VinGroup, Deawoo, Pacific Palace…) đều đã thực hiện nghiêm túc loại hình bảo hiểm này cho dự án của họ. Bởi ngoài ý thức tuân thủ pháp luật, giúp chủ đầu tư và cư dân hạn chế thấp nhất rủi ro tài chính nếu không may có cháy nổ, nó còn giúp chủ đầu tư nâng cao uy tín với khách hàng. Tôi cũng khuyến cáo tất cả các chủ đầu tư nên nghiêm túc thực hiện việc này.

Một điểm được các cứ dân chung cư thảo luận khá nóng tại các diễn đàn là mức phí cần đóng.  Là nhà bảo hiểm cung cấp sản phẩm này, ông có thể ước tính con số chi tiết, chẳng hạn một căn hộ có giá trị 3 tỷ đồng thì số phí bảo hiểm là bao nhiêu?

Chi phí mua bảo hiểm cháy nổ được tính trên cơ sở tỷ lệ phí bảo hiểm (%) nhân với giá trị tài sản tham gia bảo hiểm. Tùy từng đối tượng mua bảo hiểm thì sẽ có các tỷ lệ phí bảo hiểm áp dụng cụ thể. Tỷ lệ phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được Bộ Tài chính quy định rất cụ thể tại Thông tư số 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010. Tất cả các đối tượng thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đều phải tuân thủ quy định này. Riêng đối với nhà chung cư, theo thông tư này, tỷ lệ phí bảo hiểm áp dụng là 0,14% (chưa tính đến các yếu tố tăng giảm phí theo quy định). Từ tỷ lệ phí này, người dân, tổ chức và DN có thể tính ra chi phí phải bỏ ra để mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản