Top

Công trình phúc lợi cho phường - xã nghèo tại TPHCM: Xây nhiều, sử dụng ít!

Cập nhật 03/12/2007 11:00

Từ năm 2001 đến nay, TPHCM đã đầu tư hơn 320 tỉ đồng cho 300 công trình phúc lợi xã hội tại 20 phường, xã nghèo. Rất nhiều công trình trong số này đã bị sử dụng một cách lãng phí

Điển hình của tình trạng lãng phí công trình phúc lợi xã hội ở những phường - xã nghèo tại TPHCM là các trung tâm văn hóa (TTVH) “có cũng như không”.

Có người đến nhờ... quán hủ tiếu!

Trong chuyến khảo sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP), các thành viên của đoàn khá sửng sốt và bức xúc trước tình trạng TTVH xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) được đầu tư 500 triệu đồng nhưng chỉ để xây tường rào rồi cho bò gặm cỏ!
 
Giải thích về sự lãng phí này, lãnh đạo xã Bình Lợi cho rằng do Bình Lợi là xã nông thôn nên không thể đầu tư toàn diện theo đúng nghĩa là TTVH - TDTT. Vả lại, người dân đi lao động cả ngày mệt mỏi, thời gian đâu mà luyện tập thể dục thể thao!

Một trường hợp khác: TTVH phường Phú Hữu, quận 9, một công trình được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phường - xã nghèo với kinh phí 2,3 tỉ đồng, từ 2 năm qua đã phải “trùm mền” và hầu như không có người lui tới.

Tương tự, TTVH phường Long Phước, quận 9 được đầu tư 2 tỉ đồng để xây dựng cũng bị bỏ quên từ lâu và chỉ có vài người lui tới nhờ ngay bên trong TTVH có... quán hủ tiếu!

Xây chợ rồi giao cho... trung tâm dạy nghề

Sáng cuối tuần, chợ Tân Nhựt, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh khá ảm đạm. Bà con tiểu thương người ngáp ngắn ngáp dài, ngủ gà ngủ gật vì quá ế ẩm. Các tiểu thương cho biết các sạp hàng đều đã được đấu thầu nhưng buôn bán không được nên họ dần nghỉ bán.

Theo UBND xã Tân Nhựt, chợ Tân Nhựt được xây dựng với kinh phí gần 2,7 tỉ đồng bằng nguồn vốn TP đầu tư cho các phường - xã nghèo, đưa vào sử dụng đã 2 năm nay nhưng công suất hoạt động rất thấp: Chỉ 10 trong số khoảng 80 sạp hàng được sử dụng. Hiện không ít tiểu thương đã tính đến chuyện ngưng kinh doanh vì không có vốn.

Cùng chung “số phận” chợ Tân Nhựt, chợ Long Thới - huyện Nhà Bè cũng chỉ hoạt động khoảng 40% công suất.

Chợ Nhơn Đức (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) còn hẩm hiu hơn. Theo kế hoạch, chợ Nhơn Đức được đầu tư xây dựng trong năm 2001 - 2003, trên diện tích 1.000 m2 với tổng vốn 2 tỉ đồng. Thế nhưng, đến ngày 30/11/2007, công trình vẫn còn ngổn ngang, chỉ được lợp mái và tráng nền.

Có lẽ chợ này sẽ không bao giờ được đưa vào hoạt động bởi theo lời ông Đinh Văn Tươi, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè: “Do chợ Nhơn Đức xây dựng chưa đồng bộ với khu dân cư (hiện khu dân cư chỉ mới san lấp mặt bằng) nên không đưa vào hoạt động được. UBND huyện đã quyết định chuyển đổi công năng và giao cho trung tâm dạy nghề huyện”.

Xây để xí phần (?)

Hiện nay, huyện Nhà Bè đã được TP đầu tư xây dựng 3 trường mầm non với tổng kinh phí lên đến 8 tỉ đồng. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, các trường này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Chẳng hạn như Trường Mầm non Nhơn Đức (đầu tư xây dựng đến 3,5 tỉ đồng), chỉ có 3 trong số 8 phòng học được sử dụng.

Một giáo viên của trường cho biết: “Do điều kiện đi lại khó khăn và thiếu giáo viên nên các cháu vẫn còn học ở các phân hiệu mà chưa tập trung về đây”.

Không chỉ trường mầm non mà một số trường tiểu học của Nhà Bè như Bùi Thanh Khiết, Lê Lợi... được đầu tư xây dựng rất khang trang nhưng vẫn chưa dùng hết công suất do thiếu học sinh.

Theo một lãnh đạo huyện, đây không phải lãng phí mà là “đầu tư cho tương lai” khi các khu dân cư tập trung đông hơn (?!). Giải thích này có hợp lý không vì cả huyện Nhà Bè hiện chỉ có một trường THPT, thiếu đến 10 phòng học, phải dồn 50 học sinh/lớp (theo quy định chỉ khoảng 36 học sinh/lớp)?

Tại buổi khảo sát ở xã Bình Lợi, bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, đề nghị Ban Chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo và Việc làm TP cần phải trình vấn đề đầu tư cho 20 phường - xã nghèo trước cuộc họp HĐND TP sắp tới để xây dựng chương trình giám sát cụ thể.



Theo Người Lao Động