Top

Công nhân và giấc mơ nhà lưu trú

Cập nhật 03/09/2008 11:00

Chi phí thuê nhà ngày càng đắt đỏ khiến công nhân ngày càng gặp khó khăn với đồng lương ít ỏi. Trong khi đó, chương trình xây nhà lưu trú cho công nhân làm việc tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) ở TP.HCM vẫn ì ạch dù đã triển khai nhiều năm qua.

1. Đến khu nhà lưu trú công nhân của Công ty Nissei (KCX Linh Trung I, Q.Thủ Đức, TP.HCM) chẳng khác nào vào một chung cư hiện đại, khang trang.

Hai tòa nhà 5 tầng sừng sững, hoành tráng. Khu lưu trú được trang bị tiện nghi như quạt máy, máy giặt, máy nước nóng, máy sấy, hai thư viện và phòng karaoke cho công nhân sử dụng miễn phí.

Nguyễn Thị Như Loan, 26 tuổi, quê ở Bình Thuận, làm ở Nissei đã hơn 3 năm. Trước đây Loan và một người bạn nữ thuê nhà ở P.Linh Trung, Q.Thủ Đức.

Ngôi nhà của chủ trọ hình chữ nhật, được ngăn thành 31 phòng, mỗi phòng chỉ 3m x 6m. Tuần nào hai người làm trùng ca là căn phòng chật ních. Thế mà mỗi người phải trả 200 ngàn đồng/tháng, chưa kể điện nước.

Tháng nào tăng ca nhiều thì lương được 1,5 triệu đồng, còn bình thường chỉ 1,2 triệu đồng trở xuống. Hàng tháng Loan còn phải gửi ít nhất là 500 ngàn đồng để lo cho gia đình, vì thế cô chi tiêu dè xẻn, ăn uống kham khổ.

Khi công ty xây nhà lưu trú, thấy tòa nhà quá đồ sộ, tiện nghi thoải mái mà chỉ trả từ 15 - 20 ngàn đồng/tháng thì Loan... nghi ngờ, lưỡng lự không dám đăng ký vào ở.

Nhưng rồi cô cũng thử và bất ngờ khi thủ tục đăng ký vào ở thật đơn giản. Phòng của Loan gồm 8 người, có tủ cá nhân, có nhà tắm và vệ sinh trong phòng.

Cũng giống như Loan, chị Nguyễn Thị Bé (quê Bến Tre) đã thoát cảnh sống trong căn phòng tối tăm, nhếch nhác, điện nước phải xài dè chừng. Khi công ty xây nhà lưu trú, chị Bé đăng ký liền. Chị cười bẽn lẽn nói: "Ở đây thoải mái và tiện nghi hơn nhà mình ở dưới quê".

Nissei là một trong những công ty đầu tiên tại các KCX - KCN xây nhà lưu trú cho công nhân với các thiết bị hiện đại, tiện nghi đầy đủ.

Ngoài 2,6 triệu USD xây 2 tòa nhà 5 tầng, hàng tháng công ty còn phải chi hơn 9.000 USD để tu sửa, bảo quản và trang bị thêm cho nhà lưu trú. Với cách làm này, Nissei trở thành hình mẫu của việc chăm lo đời sống cho công nhân.

Tuy nhiên, 2 dãy nhà cũng chỉ giải quyết chỗ ở cho hơn 1.000 công nhân nữ độc thân, số này chỉ chiếm khoảng 1/3 số lao động có nhu cầu nhà ở của công ty.

2. Khu nhà lưu trú của Công ty giày da Huê Phong (Q.Gò Vấp, TP.HCM) được đưa vào sử dụng từ ngày 8.3.1998 nhưng không thu hút được công nhân.

Khu lưu trú nằm trong khuôn viên công ty gồm 2 dãy nhà đúc kiên cố, 1 trệt và 4 tầng lầu với tổng cộng 252 phòng, có thể giải quyết nhu cầu nhà ở cho 5.000 công nhân. Thế nhưng, đến cuối năm 2006, khu nhà này chỉ có 1.827 công nhân đăng ký ở.

Sau đó, công ty ngưng tiếp nhận công nhân vào ở để sửa chữa, và đến đầu năm 2008 giải quyết cho 256 công nhân vào lưu trú. Đây là con số quá thấp nếu so với hơn 5.000 công nhân của công ty, hầu hết họ đều có nhu cầu nhà ở.

Hỏi ra mới biết, một trong những lý do công nhân "chê" nhà lưu trú là bởi nó nằm trong khuôn viên của công ty nên việc ra vào khó khăn, có vẻ như tách biệt với cuộc sống bên ngoài, cộng với một số quy định về giờ giấc, giờ ăn...



Công nhân Công ty Nissei sử dụng máy
giặt trong nhà lưu trú - Ảnh: B.Thiên.

Chị Trần Thị T.N vào nhà lưu trú từ tháng 6.2008, chỉ vì "ở ngoài giá nhà trọ lên quá cao". Chị bảo một phòng ở đến 20 người thì quá nhiều.

"Tuy làm chung một công ty nhưng khác tổ, đâu quen biết nhau. Vào sống chung một phòng sẽ rất khó hòa nhập" - chị T.N tâm sự. Còn bây giờ chẳng có phòng nào ở kín chỗ, ngó qua những giường bỏ trống lại thấy sợ...

Song, khó chịu nhất là vào nhà lưu trú thì mỗi lúc ra vào phải trình thẻ, vào nhà ăn cũng phải đeo thẻ.

Đặc biệt, khi người nhà chị từ ngoài Bắc vào chỉ được ở tối đa 2 đêm, còn người ở miền Trung hay các tỉnh lân cận khác chỉ được ở tối đa 1 đêm.

Còn chị Bùi Thị T. mới vào nhà lưu trú hôm đầu tháng 7.2008 thì cho rằng, việc công ty không cho nấu ăn trong nhà lưu trú khiến công nhân không muốn vào. Buổi trưa đã ăn cơm công ty thì buổi sáng và buổi tối họ rất muốn được nấu những món hợp khẩu vị.

Hiện tại, Huê Phong mới sử dụng hơn 100 phòng của khu nhà lưu trú và công ty này đang có kế hoạch xây khu nhà bếp cho công nhân được tự do nấu nướng, nhằm thu hút công nhân vào ở.

Xem ra, doanh nghiệp cũng lắng nghe ý kiến của công nhân để... phục vụ. Nhưng cũng có khi, lỗi không phải từ doanh nghiệp. Như khu nhà lưu trú dành cho công nhân nam của Huê Phong, hiện đại hơn khu dành cho nữ, nhưng lại đang bỏ trống.

Lãnh đạo công ty cho biết, trước đây có cho công nhân nam vào ở nhưng họ thường xuyên uống bia, rượu dẫn đến ẩu đả, làm mất trật tự nên công ty phải mời ra.

Nhìn khu nhà khang trang bỏ trống, trong lúc rất nhiều công nhân của công ty đang phải sống trong những khu nhà trọ tồi tàn, doanh nghiệp hẳn cũng xót lắm...

3. Giá thuê nhà lưu trú rất rẻ so với bên ngoài, phù hợp với túi tiền của công nhân. Như nhà lưu trú ở KCN Tân Bình, tuy tiện nghi không bằng Nissei nhưng công nhân được công ty bao trọn gói tiền trọ, chỉ trả 15 - 20 ngàn đồng tiền điện, nước.

Nhà lưu trú ở KCX Tân Thuận đưa vào sử dụng từ tháng 8.2007, gồm 2 dãy nhà với khoảng 1.000 chỗ ở; giá thuê phòng 60 - 120 ngàn đồng/người/tháng.

Cuối tháng 7.2008, khu nhà lưu trú công nhân Linh Trung đã được bàn giao cho Quỹ phát triển nhà ở thành phố để cho các công ty thuê làm chỗ ở cho công nhân với giá 90.000 đồng/người... Thế nhưng, trên địa bàn thành phố hiện mới có khoảng 25 doanh nghiệp xây nhà lưu trú cho gần 8.000 công nhân.

TP.HCM hiện có 14 KCX - KCN, với khoảng 250 ngàn công nhân đang làm việc, trong đó gần 70% là công nhân ngoại tỉnh.

Theo Ban quản lý các KCX - KCN, kế hoạch từ năm 2006 - 2010 sẽ xây dựng nhiều nhà lưu trú để đáp ứng mỗi năm 10 - 15 ngàn chỗ ở cho công nhân. Việc xây dựng nhà lưu trú chủ yếu dựa trên tiềm lực của nhà doanh nghiệp, cộng với những chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Phần doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư cho biết họ đã sẵn sàng, nhưng còn khoản ưu đãi thì chưa thấy đâu, nên kế hoạch xây nhà lưu trú vẫn... ì ạch.

Như Công ty Nissei dự kiến sẽ xây thêm 2 dãy nhà lưu trú cho công nhân, nhưng kế hoạch này phải hoãn lại mấy năm qua, trong đó có nguyên nhân doanh nghiệp bỏ chi phí khá lớn xây dựng, bảo trì nhà lưu trú cho công nhân, nhưng nhiều chính sách ưu đãi hiện vẫn đang trong giai đoạn... kiến nghị. Đó là chưa kể khó khăn về đất xây dựng.

Năm 2008, Ban quản lý các KCX - KCN thành phố có kế hoạch xây trên 6.000 chỗ ở cho công nhân tại KCX Tân Thuận, KCN Vĩnh Lộc, KCN Tân Tạo, KCN Tân Thới Hiệp... Đến nay, việc này vẫn nằm trong kế hoạch vì không có đất.

Một cán bộ của Ban quản lý các KCX - KCN thành phố cho biết: "Thực chất kế hoạch này là của năm 2007 nhưng chưa thực hiện được nên dời sang năm 2008. Lúc đầu dự kiến quý II/2008 sẽ khởi công xây dựng tòa nhà tiếp theo ở KCX Tân Thuận, còn các khu khác vẫn phải chờ. Nhưng nay đã sắp hết quý III mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì".

Xem ra, nhà lưu trú vẫn là giấc mơ của nhiều công nhân...

Theo Thanh Niên