Top

Tổng kết thị trường từ 18.6 - 25.6.2011

Công khai “đất vàng”

Cập nhật 27/06/2011 07:30

Hàng loạt “khu đất vàng” được các địa phương giao cho các doanh nghiệp mà không đưa ra đấu giá công khai đang khiến nhiều người dân thắc mắc.

Tại TP.HCM dù đã có qui chế đấu thầu dự án, đấu giá “đất vàng” nhưng đến nay qui chế này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi.

 
Dọc sông Sài Gòn (TP.HCM) còn nhiều “khu đất vàng” - Ảnh: CTV

Đấu giá không thành

Theo thống kê, TP.HCM có khoảng 20 “khu đất vàng”, trong đó nhiều khu đất nằm ngay khu trung tâm TP. Để tìm được chủ đầu tư có năng lực, cuối năm 2007 TP đưa ra thí điểm đấu giá hai khu đất đầu tiên. Đó là “khu đất vàng” tại chợ Văn Thánh (6.000m2, tại quận Bình Thạnh) và khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học (13.000m2, tại quận 1).

Trong hai khu đất trên, chỉ khu đất chợ Văn Thánh tìm được chủ đầu tư, “khu đất vàng” còn lại cũng đã chọn được chủ đầu tư nhưng sau đó có khiếu nại của các bên liên quan nên kết quả đã bị hủy bỏ, đến nay vẫn chưa tìm được chủ đầu tư mới. Còn khu đất chợ Văn Thánh, dù ban đầu có chủ đầu tư nhưng đến nay sau khi xin cơ quan chức năng điều chỉnh tăng thêm tầng cao, dự án vẫn chưa triển khai. Vậy là sau nhiều năm, “đất vàng” vẫn chưa biến thành vàng.

Hàng loạt “khu đất vàng” còn lại như thương xá Tax, khu Mã Lạng, khu đất cạnh Nhà hát TP, khu đất trên đường Đồng Khởi…đều được qui hoạch, có kế hoạch kêu gọi đầu tư từ lâu nhưng đến nay đều trong tình trạng im lặng. Không ít đơn vị được giao quản lý “đất vàng”, khai thác, sử dụng không hiệu quả, thậm chí cho thuê lại mặt bằng với giá rẻ nhưng khi cơ quan chức năng đề xuất thu hồi lại không chịu buông ra, cứ khư khư ôm để đó nhiều năm gây lãng phí.

Có hàng loạt lý do để cơ quan chức năng giấu nhẹm thông tin về các “khu đất vàng”. Nhưng vì sao phải là chủ đầu tư này mà không phải là chủ đầu tư khác (dù hai bên đưa ra các điều kiện tương đương nhau) thì lại không giải thích được hoặc giải thích không thuyết phục.
Cũng có những “khu đất vàng” âm thầm liên doanh, liên kết đầu tư hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mà không công khai đấu giá, đấu thầu theo qui định để tìm các nhà đầu tư có năng lực tham gia. Điển hình mới nhất là khu đất Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, đến khi dư luận lên tiếng nhiều phụ huynh có con học tại đây mới biết được.

Để đất vàng hiệu quả

Qui định đấu thầu đất vàng do UBND TP.HCM ban hành, nhằm chọn chủ đầu tư có năng lực và khai thác đất có hiệu quả cao nhất. Nhưng bốn năm qua, qui chế vẫn chưa được triển khai rộng rãi quả là điều đáng buồn. Trong khi đó, “đất vàng” không còn nhiều và dần dần đã được giao cho các chủ đầu tư. Tất nhiên việc giao cho các chủ đầu tư này đều phải qua các bước thủ tục như qui định.

Đó là một thực tế không chỉ riêng tại TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác. Hiện nay một số nhà đầu tư đang có chiêu mới: ứng tiền trước xây dựng cho địa phương một vài công trình và hoán đổi lại bằng đất. Dĩ nhiên không ai chọn đất ở “hang cùng ngõ hẻm” để hoán đổi khi tiền xây dựng công trình mới lên đến hàng trăm, thậm chí vài ngàn tỷ đồng. Và xu hướng này đang phổ biến, được các chủ đầu tư tận dụng.

Cái được của hình thức trên là nhà nước có tiền làm dự án mới, theo hình thức xã hội hóa. Nhưng xem lại những nhà đầu tư nào có khả năng làm những dự án như vậy? Phải là các công ty lớn, có mối quan hệ…Chuyện xác định giá trị “đất vàng” để hoán đổi cũng là vấn đề cần đặt ra…

Vì thế, công khai danh sách các “khu đất vàng” để tổ chức đấu thầu dự án, đấu giá “đất vàng” là điều cần làm ngay để đem lại cái lợi chung cho cả xã hội. Không thể để tình trạng có “khu đất vàng” hơn cả trăm nhà đầu tư nộp hồ sơ, nhưng chưa đem ra đấu giá đã rơi rớt dần chỉ còn vài công ty và cuối cùng là đề xuất giao đất, không đấu giá!

“Đất vàng” phải được đổi bằng vàng!

Lâm Toàn - DiaOcOnline.vn