Top

Các chuyên gia địa ốc bi quan về thị trường căn hộ

Cập nhật 25/06/2011 11:30

Vốn vừa thiếu lại phải chịu lãi suất cao, trong khi nhà đầu tư có tâm lý chán đầu tư căn hộ. Nhiều chuyên gia bất động sản dự báo tình trạng khó khăn sẽ còn kéo dài đến tận tháng 6/2012.

Thống kê từ các sàn giao dịch địa ốc trên địa bàn thành phố trong hai quý đầu năm, hầu hết các dòng sản phẩm căn hộ đều rơi vào tình trạng khó bán, giao dịch trầm lắng dù nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá căn hộ được tung ra. Do thiếu vốn vì bị thắt chặt tín dụng, lãi vay quá cao, nhiều chủ đầu tư đã giãn tiến độ dự án căn hộ, thậm chí dừng kế hoạch bán hàng. Mặc dù một số doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng quý IV năm nay thị trường căn hộ sẽ được cải thiện nhưng không ít chuyên gia đánh giá tình trạng khó khăn này có thể kéo dài đến tận quý II năm 2012.

Trao đổi với PV, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa nhận định: "Thị trường căn hộ đang ngủ đông và chỉ có thể thoát khỏi trầm lắng từ cuối quý II năm sau. Lúc này nhà đầu tư thông minh sẽ chuyển sang đầu tư trung và dài hạn".

Theo ông Nghĩa, hiện nay bài toán khủng hoảng vốn của thị trường bất động sản vẫn chưa có lời giải. Các chính sách vĩ mô chống lạm phát muốn tác động đến nhà đầu tư thì phải đến giữa năm 2012 mới có hiệu quả. Trong bối cảnh này, thị trường sẽ không có đột phá gì nhiều từ quý II đến cuối năm.

Thị trường bất động sản TP HCM, đặc biệt là phân khúc căn hộ được dự báo có thể ngủ đông đến quý II năm 2012 do đói vốn. Ảnh: Vũ Lê.

Ông Nghĩa nhấn mạnh thêm, từ nay đến quý IV, thị trường bất động sản sẽ diễn ra nhiều cuộc mua bán, thoái vốn, liên kết, chuyển nhượng dự án thậm chí là mua đứt một công ty. Đây là điều cần làm để thanh lọc và củng cố sức khỏe của thị trường bất động sản. "Doanh nghiệp phải cân đối lại dòng vốn và dòng sản phẩm đang đầu tư. Liên kết, hợp tác với những đối tác có tiềm lực tài chính dồi dào cũng là một xu hướng tích cực", ông nói.

Đánh giá xu hướng đầu tư bất động sản, ông Nghĩa nhận định, nhà đầu tư đang có thừa sản phẩm và chia làm hai nhóm. Một nhóm đang ôm hàng nhưng vốn yếu hoặc không có niềm tin vào thị trường có xu hướng bán ra. Ngược lại những nhà đầu tư có vốn mạnh và có tầm nhìn dài hạn, nhiều khả năng sẽ cân nhắc mua vào căn hộ giá rẻ. Điều này có thể dẫn đến kịch bản thị trường xuất hiện làn sóng tăng giá ảo.

Chuyên gia tài chính đầu tư Đinh Thế Hiển nhận định: "Địa ốc có thể khởi sắc vào quý II/2012 khi các chính sách kinh tế vĩ mô phát huy tác dụng. Tuy nhiên, giả thiết này không chắc chắn vì lúc đó có thể thị trường bất động sản, đặc biệt là căn hộ đã chuyển sang giai đoạn lượng đổi, chất đổi".

Theo ông Hiển, hiện nay thị trường nhà đất Việt Nam đang dịch chuyển sang giai đoạn mới, thay đổi cả về lượng lẫn về chất. Lượng đổi có nghĩa là hàng hóa dàn trải trên diện rộng với quy mô và số lượng lớn; chất đổi vì các phân khúc nhà ở đang dịch chuyển từ cao cấp sang trung cấp và bình dân và mặt bằng giá cũng chịu nhiều biến động theo xu hướng giảm dần.

Chuyên gia này cho rằng, thị trường căn hộ từ năm 2000 đến nay liên tục tung hàng với số lượng lớn. Bằng chứng là đi từ quận 2, 4, 7, 9, 12 đến các quận Thủ Đức, Bình Tân, huyện Nhà Bè... đều thấy các dự án căn hộ mọc lên. Tuy nhiên, thực tế là so với thu nhập trung bình của người dân, khả năng tiêu thụ sản phẩm bất động sản rất thấp.

Chuyên gia tài chính đầu tư Đinh Thế Hiển cho rằng bất động sản vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của chính sách thắt chặt tín dụng. Ảnh: Vũ Lê.

Bác bỏ quan điểm cho rằng những biến động của nền kinh tế đã tác động xấu đến thị trường địa ốc, ông Hiển cho rằng, chính bất động sản là thủ phạm gây ra bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô. Theo chuyên gia này, nhìn bề ngoài, có vẻ bất động sản là nạn nhân của chính sách thắt chặt tín dụng địa ốc, nhưng sâu tận gốc rễ ngành này là thủ phạm dẫn đến tình trạng mất cân đối trong việc sử dụng vốn.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Công ty Sacomreal Đặng Hồng Anh cho rằng, bất động sản gắn chặt với nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Tình hình thắt chặt tín dụng bất động sản cộng thêm lãi suất cao như hiện nay thì cả doanh nghiệp và khách hàng đều không thể đầu tư mua bán hay xây dựng. Tính thanh khoản của thị trường vì vậy cũng rất thấp.

"Hy vọng quý IV các chính sách tiền tệ sẽ ổn định hơn và tác động tích cực đến thị trường địa ốc. Chỉ khi nào tín dụng được nới lỏng, lãi suất hạ nhiệt thì địa ốc mới thoát khỏi tình trạng trầm lắng như hiện nay", ông nhận xét.

Tương tự, Giám đốc Công ty thẩm định giá Hoàng Quân (thuộc hệ thống Công ty địa ốc Hoàng Quân), Trương Thái Sơn nhận định: "Nếu nhanh thì quý IV thị trường căn hộ mới giảm bớt áp lực thiếu vốn, còn chậm thì có thể đầu năm 2012 phân khúc này mới mong tìm được sự ổn định và có nhiều giao dịch hơn".

Ông Sơn kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm các chính sách tín dụng liên quan đến bất động sản sẽ được nới lỏng hơn 6 tháng đầu năm. Theo chuyên gia này, đây chính là chìa khóa để tìm được đầu ra cho dòng sản phẩm căn hộ thuộc phân khúc trung cấp và bình dân.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress