Top

Có thể đền bù cho doanh nghiệp khi thu hồi sân golf

Cập nhật 16/11/2009 14:10

Trao đổi với baodautu.vn bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Đình Xuân, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, với những dự án sân golf bị thu hồi trắng, doanh nghiệp có thể được bồi thường số vốn đã đầu tư.

Ông Nguyễn Đình Xuân

* Thưa ông, trong số 77 dự án sân golf bị thu hồi, khá nhiều dự án chủ đầu tư đã đổ nhiều tiền xây dựng cơ sở hạ tầng. Vậy phần thiệt hại của doanh nghiệp sẽ được giải quyết thế nào?

Đó là một quan hệ mang tính chất hành chính, hoàn toàn có thể chiểu theo pháp luật để giải quyết.

Khi mà một hoạt động đầu tư của doanh nghiệp đã được cấp phép, nhưng do phải thay đổi vì một lý do nào đó về chủ trương, đường lối của các cấp có thẩm quyền, thì phần thiệt hại ngoài ý muốn đó phải được thương thảo với nhau.

Với những diện tích đã giải phóng mặt bằng, nếu không làm sân golf có thể chuyển đổi mục đích làm các dự án khác. Nếu doanh nghiệp chấp nhận thì có thể tránh được những thiệt hại về kinh tế.

Trong trường hợp dự án bị thu hồi trắng, thì phải bồi thường toàn bộ kinh phí mà doanh nghiệp đã đầu tư. Điều này pháp luật có thể giải quyết được.

* Vậy cơ quan nào sẽ là người chịu trách nhiệm, thưa ông?

Cơ quan nào ra quyết định cấp phép cho dự án thì cơ quan đó chịu trách nhiệm thương thảo với DN. Đa số các dự án bị thu hồi là do UBND các tỉnh cấp phép, vì vậy UBND tỉnh phải là cơ quan đầu tiên thương thảo với doanh nghiệp về việc bồi thường.

* Nói như vậy, thì thiệt hại thuộc về ngân sách nhà nước?

Về nguyên tắc là như vậy, vì nó xuất phát từ những chỉ đạo của Nhà nước. Trong Luật Bồi thường Nhà nước cũng có nói đến những khía cạnh như vậy.

Về mặt pháp luật thì doanh nghiệp và Nhà nước bình đẳng với nhau (tất nhiên không phải là bình đẳng tuyệt đối). Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường, ngược lại Nhà nước cũng phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Theo tôi, với phần lớn dự án bị thu hồi đều có thể thương thảo được.

* Bài học rút ra từ sự việc này là gì?

Đó là khi làm những dự án quan trọng, tác động lớn đến xã hội, đến người dân thì phải coi trọng ý kiến phản biện xã hội.

Khi có nhiều ý kiến phản biện cùng quan điểm, thì những cơ quan làm dự án phải xem xét lại tính khả thi của dự án. Với sự việc của sân golf, nếu chúng ta lắng nghe những ý kiến phản biện từ đầu thì đã không xảy ra như bây giờ.

Hiện không chỉ sân golf, mà còn có nhiều dự án khác cũng đang rơi vào tình trạng tương tự, chẳng hạn dự án phá rừng trồng cao su. Lúc đầu, dự án triển khai rất dễ dàng, sau càng ngày càng bị siết chặt lại nên lập tức có những dự án gặp khó khăn khi đang triển khai dở dang.

Khó khăn thì doanh nghiệp “kêu”. Chính quyền thì chỉ có một trong hai cách, hoặc là bồi thường những phần mà doanh nghiệp đã đầu tư, hoặc là tìm ra cách nào đó để cho dự án được tiếp tục.

* Nói như vậy thì việc phân quyền cho các địa phương đang bộc lộ nhiều bất cập?

Phân quyền là việc làm đúng. Tuy nhiên, phân quyền phải gắn với trách nhiệm, gắn với quy hoạch, tiêu chí cụ thể cũng như tăng cường công tác quản lý. Điều này là khó nhất.

Các địa phương có quyền quyết định cấp phép các dự án, song phải dựa trên một quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt trước.

Chẳng hạn, Chính phủ quyết định cả nước được xây dựng bao nhiêu sân golf, với những quy chuẩn về diện tích sân cỏ, diện tích cơ sở hạ tầng... Sau đó, dựa trên điều kiện cụ thể, từng tỉnh phải quyết định số lượng sân golf được phép xây dựng trên địa bàn.

Khi đã có quy hoạch, tỉnh có quyền cấp phép cho các nhà đầu tư trong số lượng đã được phê duyệt. Như vậy sẽ tránh được cấp phép tràn lan, lợi dụng dự án sân golf để làm biệt thự bán, ăn chênh lệch do lách được thuế...

Nếu cấp vượt quy định, phê duyệt quy hoạch không đúng với tiêu chí, người đứng đầu cơ quan cấp phép sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu làm được như vậy, tôi nghĩ việc phân quyền sẽ rất hiệu quả.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư