Top

Có nên xây đô thị ở vùng đất trũng?

Cập nhật 24/05/2010 15:10

Tại tọa đàm về thực trạng và viễn cảnh phát triển đô thị TP.HCM do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức mới đây, ông Shigehisa Matsumura, chuyên gia quy hoạch cấp cao của Công ty Nikken Sekkei, đã trả lời một số câu hỏi của những người tham dự tọa đàm liên quan đến tương lai của đô thị TP.HCM - qua các đồ án quy hoạch đô thị đã và đang được công ty này thực hiện.


Mô hình phát triển đa trung tâm theo đề xuất của Công ty Nikken Sekkei

Chờ thiết kế khu trung tâm...


* Công ty Nikken Sekkei đang được chính quyền TP.HCM thuê nghiên cứu thiết kế đô thị cho trung tâm hiện hữu mở rộng TP.HCM. Ông có thể cho biết những ý tưởng nào sẽ được thực hiện trong quá trình lập quy hoạch chi tiết và quy chế quản lý kiến trúc đô thị cho khu vực rộng 930ha này?

Chúng tôi đang triển khai một số ý tưởng chính như: tạo lập vành đai xanh dọc bờ Tây sông Sài Gòn theo hướng công viên mở cho người dân và du khách đến TP.HCM; đề xuất phát triển không gian ngầm đô thị - dưới khu vực chợ Bến Thành và Nhà hát Thành phố - với các trung tâm dịch vụ, mua sắm...; cũng như đề xuất giữ lại những công trình kiến trúc có giá trị, những trục đường đi bộ...

Đồng thời, chúng tôi muốn cảnh quan lịch sử khu vực trung tâm TP.HCM sẽ được tôn tạo và tái hiện - nhờ vào quy chế thiết kế. Ví dụ, mặt tiền những tuyến đường như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Duẩn... sẽ được áp dụng quy chế thiết kế để tái hiện lịch sử của thành phố.

Tất nhiên, mối quan hệ giữa trung tâm hiện hữu mở rộng và các trung tâm đô thị mới sẽ được chúng tôi chú trọng trong đồ án này.

* Nikken Sekkei có chú ý đến yếu tố môi trường khi thực hiện đồ án này?


Đó là vấn đề chúng tôi đặc biệt quan tâm. Vì vậy, các công trình cảnh quan sẽ được chúng tôi bố trí dọc bờ Tây sông Sài Gòn - theo hành lang xanh - với ý tưởng lấy không khí từ sông Sài Gòn dẫn vào toàn bộ khu trung tâm.

Cũng phải nói đến cả môi trường xã hội, tức liên quan đến các công trình có giá trị văn hóa cần được bảo tồn. Tất nhiên, việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển đang gặp nhiều khó khăn vì các quyền lợi gắn liền (với các cơ quan của thành phố). Nói thật, cơ chế quản lý của Việt Nam đang gây khó khăn cho chúng tôi.

* Vậy các khu đất vàng như Ba Son, Tân Cảng và cảng Sài Gòn sẽ được đầu tư xây dựng như thế nào trong đồ án này?


Sau khi Ba Son, Tân Cảng và cảng Sài Gòn di dời thì tại đây sẽ có những công trình tạo điểm nhấn kiến trúc cho cả bờ Tây sông Sài Gòn. Tuy nhiên, những công trình kiến trúc này có quy mô như thế nào thì cần phải đánh giá nhu cầu văn phòng ở TP.HCM có như Bangkok, Jakarta hay không? Và tất nhiên, phải xem xét nó trong tương quan với Khu đô thị Thủ Thiêm, vì tiến độ các dự án dọc bờ Tây sông Sài Gòn sẽ phụ thuộc vào tiến độ của đô thị Thủ Thiêm.

* Hiện có doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vay ngân hàng mua khu đất vài ngàn mét vuông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai để đầu tư xây cao ốc, nhưng do phải chờ thiết kế đô thị khu trung tâm hiện hữu mở rộng nên mỗi tháng doanh nghiệp này phải trả lãi khoảng 10 tỉ đồng... Vậy ông có thể cho biết, khi nào đồ án thiết kế đô thị khu trung tâm hiện hữu mở rộng sẽ hoàn thành và được phê duyệt?


Thật sự chúng tôi muốn hoàn thành nhanh đồ án này, nhưng chúng tôi phải chờ thông tin từ các cơ quan ban ngành của thành phố. Ví dụ như phải chờ sự trả lời của cảng Sài Gòn, Ba Son, Tân Cảng... Có rất nhiều yếu tố còn phải chờ đợi.

Tuy nhiên, theo hợp đồng, đồ án này sẽ được nghiên cứu thực hiện trong vòng một năm, sau đó chúng tôi trình chính quyền thành phố... Rồi chúng tôi cũng phải chờ đợi nên không thể biết đến khi nào đồ án mới được phê duyệt.

Xây đô thị ở vùng đất thấp?

* Như ông nói, 60% diện tích TP.HCM có cao trình dưới 2m so với mực nước biển. Vậy, khi lập quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 Nikken Sekkei có tính đến yếu tố mực nước biển dâng trong tương lai? Theo ông, TP.HCM nên chọn giải pháp xây bờ bao hay mở rộng về hướng cao hơn - phía Bình Dương và Đồng Nai?

Chúng tôi có nghĩ đến vấn đề này nên đề xuất của chúng tôi trong đồ án là hạn chế xây dựng ở những khu vực có cao trình thấp hơn hai mét so với mực nước biển.

Còn việc xây bờ bao đang được chính quyền thử nghiệm ở một số nơi trên địa bàn TP.HCM. Theo tôi, trong khu trung tâm, do chúng ta đã đầu tư quá nhiều nên chọn giải pháp xây bờ bao là cần thiết. Tất nhiên, việc xây bờ bao cho cả thành phố thì cần phải xem xét lại tính hiệu quả kinh tế và nhiều yếu tố khác.

* Vậy, theo ông, việc TP.HCM chọn đầu tư vào đô thị vệ tinh Tây Bắc Củ Chi (6.000ha) và Hiệp Phước (3.000ha) là những khu vực có cao trình thấp hơn 2m so với mực nước biển có hợp lý không?

Đối với Hiệp Phước, đây là khu vực thành phố quyết tâm đầu tư vì nó gần khu trung tâm, hơn nữa hệ thống cảng Sài Gòn sẽ được dời về đây. Chính quyền thành phố muốn xây dựng nơi đây thành khu đô thị cảng, tuy nhiên, tôi thật sự băn khoăn... Thành phố chỉ quan tâm đến yếu tố cự ly mà chưa có nghiên cứu các yếu tố khác như lấy đất ở đâu để san lấp nâng độ cao lên trên 2m so với mực nước biển?

Về đô thị Tây Bắc Củ Chi, đối với khu vực này, chúng tôi đề xuất xây đô thị vệ tinh trên vùng đất có cao có thấp. Những nơi đất cao có thể đầu tư xây dựng công trình địa ốc, những nơi thấp thì phát triển cảnh quan, không gian xanh, bảo tồn cho cả khu đô thị.

* Nhưng thực tế, đô thị vệ tinh Tây Bắc Củ Chi phần lớn nằm trên khu đất thuộc nông trường Tam Tân. Đây là vùng đất trũng, ông có biết trong 6.000ha đó có bao nhiêu diện tích đất có cao trình trên 2m?


Đây là thông tin hoàn toàn mới đối với tôi, và đây không phải là đề xuất của Nikken Sekkei - xây đô thị trên vùng đất trũng. Tôi sẽ tìm hiểu lại vấn đề này.

* Thủ Thiêm có cao trình 0,5m so với mực nước biển, Sasaki đã đề xuất nâng cao trình lên 2,5m và hiện không biết lấy đất ở đâu để san lấp. Hiệp Phước và Tây Bắc Củ Chi có cao trình dưới 1m, vậy Nikken Sekkei đề xuất cao trình là bao nhiêu và lấy đất ở đâu để san lấp?

Vấn đề này chúng tôi sẽ trả lời khi có nghiên cứu chi tiết.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG