Top

Chuyện phân lô: Một giấy ôm choàng 5 căn nhà!

Cập nhật 08/07/2018 09:41

Căn nguyên của câu chuyện này là từ một bản quyết định trong đó quy định rõ về diện tích tách thửa đầu tiên được ban hành tại TP.HCM: Quyết định 19 ban hành ngày 25.2.2009.


Một khu vực kinh doanh môi giới nhà đất khá sôi động ở Q.2 cách đây 10 năm, năm 2008. DIỆP ĐỨC MINH

Sự khống chế về diện tích đất tách thửa đã nảy sinh ra vô số chuyện, được xem là “chiêu thuật” của giới đầu tư.

Xiếc bay xiếc nhảy!

Vào khoảng tháng 4.2010, một người bạn ở Buôn Ma Thuột gọi điện về nhờ tôi một việc. Đó là tìm giúp cho bạn một căn nhà nhỏ với trị giá khoảng trên dưới 1 tỉ đồng, để lo cho con ăn ở, theo học Đại học Kiến trúc. Tôi nhận lời, nói rằng để kiếm địa chỉ rồi chạy loanh quanh tìm xem thử, có gì sẽ báo lại. Tìm mục rao bán nhà trên hai tờ báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, tôi chú ý một khu nhà ở Tân Bình, nói là vào một con hẻm trên đường Trường Chinh.

“Nhà cấp 4, một trệt 1 lầu, diện tích đất 48 m2, diện tích xây dựng 96 m2. Giá 900 triệu đồng”. Tôi gọi điện thoại theo số ghi trên báo, buổi chiều hồ hởi chạy đi xem nhà giùm bạn. Đến Khu công nghiệp Tân Bình, gọi tìm đường, một thanh niên chạy ra hướng dẫn tôi chạy theo. Chạy mãi lên đến giao lộ Trường Chinh - Phan Văn Hớn, cậu thanh niên này cứ ngoắc tay ra hiệu tôi chạy. Tôi hơi bất ngờ vì mình đã lọt vào địa bàn Q.12, chứ không phải như giới thiệu trên báo là Q.Tân Bình. Len lách vào một con hẻm thuộc khu phố 4, P.Tân Thới Nhất (Q.12), cậu thanh niên chỉ cho tôi một dãy nhà, nói: “Chú cứ chọn đi, mỗi căn bây giờ là 950 triệu rồi”.

Dãy nhà mới xây, vôi vữa còn lam nham, cùng một kiểu nhưng màu sơn thì khác. Tôi hỏi: “Sao lại 950, đăng trên báo 900 mà. Với lại ở đây đâu phải Tân Bình?”. Cậu thanh niên phẩy tay, nói: “Gần Tân Bình cũng như Tân Bình rồi, cách cây số chớ mấy. Giá nhà đang lên, chú không chịu giá 950 mai mốt bán trên cả tỉ một căn đó”. Tôi đi vào xem trước xem sau, thấy xây kiểu qua loa như này về ở vài tháng là “sinh sự” ngay, không bể ống nước thì cũng xì dây điện, thấm dột là điều chắc chắn. Đi qua vài căn, tôi thấy một người đàn ông cởi trần đang ngồi xem ti vi, ghé vào dò hỏi và được ông này nói huỵch toẹt: “Nhà chưa có giấy tờ gì cả, bên bán chỉ giao cho hai giấy phô tô, một là sổ đỏ chung, một là giấy phép xây dựng chung. Thấy giá cũng được nên mua ở, bên bán cũng hứa chậm nhất một năm là ra sổ hồng”.

Nghi hoặc, tôi bảo ông lấy giúp cho coi mấy cái giấy. Hóa ra giấy phép xây dựng là cấp cho chủ nhà xây một căn 198 m2, với đầy đủ các thông số kỹ thuật như số tầng, quy hoạch hẻm, kiến trúc… À, kiểu này là xin phép để “lách” cái quyết định tách thửa đây mà. Tôi chào ông chủ nhà, bước ra thấy có mấy thanh niên lởn vởn trước sân, ý chừng xem thử tôi muốn gì ở cái khu nhà “lộn xộn” này. Về nhà, đọc lại cái Quyết định 19, thấy ở Q.12 thuộc khu vực 2, được quy định diện tích tối thiểu để tách thửa là: nếu đất ở chưa có nhà thì diện tích tách thửa phải 80 m2 và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5 m, còn đất ở đã có nhà thì 50 m2 và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4 m.
Lại thêm một cách làm xiếc của giới đầu tư với quy định của Nhà nước. Và tôi hiểu ngay, là nếu họ biến hóa được chỉ một cái giấy phép xây dựng mà xây được 5 căn nhà (gọi là xiếc bay), thì việc hợp thức hóa để ra sổ hồng (gọi là xiếc nhảy) chắc cũng chẳng khó khăn. Nhưng, tin sao được khi bỏ ra cả một đống tiền để rồi ngồi ngóng cái sổ hồng vời vợi như vợ ngóng chồng đến hóa đá vọng phu!



Xây nhà trên đất dự án phân lô ở TP.HCM năm 2008. DIỆP ĐỨC MINH

Ly hôn rồi… cưới lại!

Cuối năm 2009, là một khoảng thời gian hồ hởi của hàng chục ngàn chủ nhân của những căn nhà xây không phép tại TP.HCM. Đó là bởi vì theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, có khoảng hơn 50.000 căn nhà xây dựng không phép và sai phép trên địa bàn TP.HCM sau ngày 1.7.2004 (ngày luật Xây dựng có hiệu lực) cho đến trước ngày 4.1.2008. Đến ngày 10.12.2009, khi Nghị định 88 bắt đầu có hiệu lực, thì sự hóa giải những vướng mắc, hay nói cách khác là “sửa sai” bằng cách cho tồn tại nhà xây không phép. Còn ai đã làm sai, sửa sai vì điều gì, thì thật lòng cho đến nay, tôi vẫn chưa hiểu nổi vì sao lại có chuyện như vậy. Là bởi trước đó, có nhiều vụ xây dựng trái phép quy mô diễn ra, lại bị đập bỏ. Nhưng cứ len lỏi trong hàng ngàn con hẻm ở TP.HCM, nhà xây trái phép lẻ tẻ bây giờ lại được cho tồn tại, chẳng khác gì lúc thì quyết tâm… ly hôn cho bằng được, rồi sau đó lại nảy sinh cớ sự yêu thương, nên bắt tay nhau “cơm lành, canh ngọt” mà cưới lại!!!

Trong một bài viết mang tính chất thông tin đơn thuần có tựa Cấp giấy chủ quyền nhà đất sẽ thoáng hơn vào ngày 11.11.2009, khi tôi đặt câu hỏi như sau: Đối với các trường hợp vi phạm xây dựng nói trên sắp tới có được cấp giấy chủ quyền hay không? Những trường hợp được cấp giấy chủ quyền thì cần phải có điều kiện gì? Những trường hợp nào không được cấp giấy chủ quyền? thì ông Phạm Ngọc Liên, khi ấy là Giám đốc Trung tâm thông tin Tài nguyên - Môi trường và đăng ký nhà đất, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đã trả lời: “Theo điểm h khoản 1 của Nghị định 88, nếu nhà ở không có các loại giấy tờ để chứng minh việc tạo lập hợp pháp nhằm được cấp giấy chủ quyền thì phải có giấy tờ xác nhận của ủy ban cấp phường, xã về nhà ở được xây dựng trước ngày 1.7.2006 (ngày luật Nhà ở có hiệu lực), không có tranh chấp, được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng, phù hợp với quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị. Còn đối với trường hợp nhà ở xây dựng từ sau ngày 1.7.2006 thì phải có giấy xác nhận của ủy ban phường, xã về nhà ở không thuộc diện phải xin giấy phép xây dựng, không có tranh chấp và đáp ứng điều kiện về quy hoạch như trường hợp nhà ở xây dựng trước ngày 1.7.2006”.

Với Nghị định này, thì vai trò của phường xã đối với cái nhà của người dân lại càng được nâng cao, to thêm như núi. Vì nếu phường xã mà không xác nhận cho cái giấy này, thì coi như cái nhà ấy bị “phong tỏa”, suốt kiếp cũng không được công nhận về mặt pháp lý!



Trải vải địa chất và bó vỉa làm đường ở một dự án thuộc Q.2, TP.HCM. DIỆP ĐỨC MINH

Đúng là cái chính sách về nhà đất của chúng ta lúc ấy chẳng biết đường nào mà lần. Nó như một cái vòng luẩn quẩn, được nghĩ ra từ những bộ óc chuyên gia được xem là hiểu rất rõ về nhu cầu ở của người dân. Tất nhiên, nếu nói là hiểu rõ về “nhu cầu ở” thì các chính sách ban hành từ đầu phải cởi bỏ đi những rườm rà, phiền nhiễu không đáng có.

Nhưng có lẽ họ cố tình quên đi một điều: là xây dựng không phép, rồi cho tồn tại nhưng ai “bật đèn xanh” cho xây trái phép, và nếu cho tồn tại như vậy, thì tính nghiêm minh của pháp luật, của Nhà nước ở đâu? Bởi vì, những quy định như cái Quyết định số 19 về tách thửa đất được ban hành cùng năm với cái Nghị định 88 kể trên, hóa ra là chỉ để ngăn chặn người dân thấp cổ bé họng, chứ giới đầu nậu đầu cơ đầu tư một khi cấu kết với quan chức sở tại rồi, thì cả trăm cái Quyết định 19 cũng chỉ vô tri nằm trên bàn giấy mà thôi!


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên