Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, phát triển nhà ở chung cư hiện nay là nhu cầu cấp bách, cũng là xu thế không thể khác của các đô thị. Song vì thế, công tác quản lý, vận hành nhà chung cư đặt ra rất nhiều áp lực, thách thức mới.
Nhìn lại phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội khóa XV vừa qua, sai phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các nhà chung cư vẫn là mối quan tâm lớn nhất. Bên cạnh đó, xuất hiện thêm mối lo mới được đại biểu chỉ ra là “bùng phát tình trạng tranh chấp của người dân trong các chung cư”.
Công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các nhà chung cư cao tầng vẫn luôn là mối quan tâm lớn đối với mỗi người dân |
Ít nhất 30 tòa nhà chung cư phát sinh mâu thuẫn
Tính đến hết năm 2017, toàn thành phố Hà Nội có 688 tòa nhà chung cư thương mại, 168 chung cư tái định cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, Hà Nội đã có quyết định về phát triển nhà ở đến năm 2030, đến nay đã thực hiện đạt được 60% lộ trình. Do vậy, việc phát triển loại hình nhà chung cư là xu thế không thể khác, bởi vừa tiết kiệm đất, vừa giải quyết được nhu cầu của người dân, đồng thời cải thiện được hạ tầng đô thị.
Tuy vậy, công tác quản lý vận hành các tòa nhà chung cư dường như đang chưa theo kịp xu thế, tốc độ phát triển “nóng” về lĩnh vực này. Kết quả giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại và chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố do Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội thực hiện cuối tháng 4-2018 vừa qua đã chỉ ra nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội cho biết, sai phạm phổ biến nhất là việc thành lập ban quản trị chậm, đến nay còn 270/688 tòa nhà chung cư thương mại đã lấp đầy dân cư nhưng chưa thành lập ban quản trị (chiếm tới 30,52%). Việc lập, bàn giao hồ sơ, bàn giao kinh phí bảo trì 2% nhà chung cư cho ban quản trị thực hiện cũng rất chậm, thậm chí có tình trạng bàn giao nhỏ giọt, kéo dài. Rồi việc phân định sở hữu chung, riêng ở các tòa nhà cũng chưa được thực hiện rõ ràng, triệt để.
Đặc biệt, Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân chỉ rõ, qua giám sát của Ban, tại nhiều chung cư ở Hà Nội vừa qua đã xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp về quyền lợi giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản trị, giữa chủ đầu tư với ban quản trị. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay có 30 tòa nhà chung cư đang phát sinh tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư chưa được giải quyết dứt điểm.
Ngoài ra còn tiềm ẩn phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp quyền lợi tại nhiều tòa nhà chung cư khác… Vấn đề “nóng” này cũng được nhiều đại biểu HĐND TP nêu ra tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 6 HĐND TP ngày 6-7, thậm chí có đại biểu cho rằng nhiều nơi đang bùng phát tình trạng tranh chấp của người dân sinh sống tại các khu chung cư. Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Sóc Sơn) dẫn thẳng ví dụ: “Có hiện tượng căng băng rôn, đơn thư gay gắt. Điển hình như vụ việc ở chung cư Victoria ở Hà Đông”.
Nói về vấn đề trên, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng thừa nhận, đúng là thời gian vừa qua, trong quá trình quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn quận xảy ra khá nhiều mâu thuẫn, vướng mắc giữa chủ đầu tư với ban quản trị tòa nhà, giữa ban quản trị với người dân. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, vừa qua, HĐND TP đã tổ chức nhiều đoàn giám sát, tiếp công dân để giải quyết các vấn đề tranh chấp trong quản lý chung cư. Song do đây là vấn đề phức tạp nên kết quả thực hiện còn chưa thực sự khả quan.
24 chung cư chưa khắc phục xong sai phạm về phòng cháy chữa cháy
Bên cạnh những tranh chấp kể trên, an toàn PCCC tại các nhà chung cư cao tầng vẫn luôn là nỗi lo lớn đối với mỗi người dân. Thực tế qua giám sát hồi cuối tháng 4-2018 của Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội, công tác PCCC ở các nhà chung cư trên địa bàn còn chưa đảm bảo an toàn theo quy định, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, việc khắc phục các vi phạm về PCCC còn chậm. Kết quả giám sát chỉ ra, trên địa bàn thành phố vẫn còn 188 tòa nhà chung cư không đảm bảo các điều kiện về đảm bảo an toàn PCCC. Tại phiên chất vấn của HĐND TP sáng 6-7, cũng đã có 4 đại biểu HĐND TP chất vấn với lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và Cảnh sát PCCC TP Hà Nội về lĩnh vực này.
Theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội, qua rà soát điều tra các tồn tại, vi phạm liên quan đến an toàn PCCC ở các tòa nhà chung cư cao tầng, phát hiện có 79 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn tất, chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ việc nghiệm thu về an toàn PCCC. HĐND TP, UBND TP đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan vào kiểm tra, xử lý và khắc phục. Đến ngày 30-6 vừa qua, trên tổng số 79 công trình vi phạm trong quá trình đầu tư, đã giải quyết khắc phục được 55 dự án và đã được nghiệm thu.
Hiện còn 24 công trình tồn tại vi phạm. Qua theo dõi, đôn đốc đã có 10 công trình các chủ đầu tư đang tích cực triển khai các biện pháp khắc phục, tiến độ khắc phục đã được khoảng 70%. 7 công trình khác, mặc dù chủ đầu tư đã có ý thức tìm giải pháp khắc phục nhưng liên quan đến thay đổi mục đích, công năng sử dụng, thậm chí một công trình thay đổi kết cấu xây dựng nên phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền hướng giải quyết. Có 2 công trình khu chung cư trên địa bàn quận Long Biên và Cầu Giấy, đã có giải pháp khắc phục vi phạm về an toàn PCCC nhưng người dân chưa đồng tình, có phản ứng. Còn lại 5 công trình mà chủ đầu tư có biểu hiện chây ỳ không chịu khắc phục vi phạm, dù có nhiều lý do, Cảnh sát PCCC Hà Nội đang củng cố, hoàn thiện hồ sơ, các lỗi vi phạm để tiếp tục chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, công tác quản lý chung cư trên địa bàn được thành phố rất quan tâm và vừa qua đã có nhiều chuyển biến, tạo sự ổn định cho đời sống nhân dân. Tuy nhiên, HĐND TP cũng chỉ rõ 6 tồn tại trong vấn đề quản lý vận hành nhà chung cư. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND TP rà soát, phân loại từng loại hình chung cư để có giải pháp, lộ trình khắc phục cụ thể trong thời gian tới.
Không xem xét đề xuất đầu tư đối với chủ đầu tư vi phạm
“Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội khóa XV diễn ra ngày 6-7 vừa qua, nhiều đại biểu đã chất vấn thành viên UBND TP về nhóm vấn đề quản lý nhà chung cư.
Trả lời các câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư và bầu Ban Quản trị còn chậm và kết quả hạn chế. Do đó, UBND TP đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư có liên quan đến quản lý, sử dụng, vận hành chung cư thương mại, chung cư tái định cư trên địa bàn phải khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan. Đối với những tòa nhà đủ điều kiện thành lập Ban Quản trị, nhưng chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban Quản trị thì Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận, huyện họp, xử lý theo quy định; đồng thời lập danh sách theo dõi để báo cáo UBND TP không xem xét giải quyết hồ sơ đề xuất đầu tư đối với các dự án, công việc khác của các chủ đầu tư vi phạm trên địa bàn thành phố.
Câu trả lời trên của ông Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã đi thẳng vào vấn đề, đáp ứng được lòng mong mỏi của đa số người dân hiện đang sống tại các khu chung cư trên địa bàn thành phố. Hi vọng những nội dung trên sẽ nhanh chóng được triển khai nhằm giải quyết tình trạng có những chung cư dù đã đi vào hoạt động hàng chục năm nhưng vẫn chưa thành lập được Ban Quản trị, gây bức xúc trong cư dân”.
Chị Ngô Hoàn - (Khu đô thị Xa La, quận Hà Đông, TP Hà Nội)
Cưỡng chế chủ đầu tư cố tình không bàn giao quỹ bảo trì
“Một trong những nội dung được nhiều đại biểu tại Kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội khóa XV quan tâm là việc một số chủ đầu tư nhà chung cư chậm bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2%, cố tình chiếm dụng để sử dụng vào mục đích khác. Điều này là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện, khiến quyền và lợi ích hợp pháp của cư dân không được đảm bảo.
Làm rõ về nội dung này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội đã khẳng định, nếu chủ đầu tư và Ban Quản trị đã quyết toán số liệu kinh phí bảo trì, nhưng không bàn giao kinh phí bảo trì thì báo cáo UBND thành phố ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí cho Ban Quản trị. Nếu UBND TP đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị mà chủ đầu tư không thực hiện thì Sở Xây dựng báo cáo UBND TP ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao. Trường hợp chủ đầu tư vẫn không thực hiện thì Sở Xây dựng báo cáo UBND TP ra quyết định cưỡng chế.
Như vậy hướng giải quyết về vấn đề quỹ bảo trì trong các tòa nhà chung cư đã khá rõ ràng. Thậm chí pháp luật còn cho phép cư dân ở chung cư có thể kiện chủ đầu tư về việc cố tình trì hoãn không bàn giao phí bảo trì. Trường hợp chủ đầu tư có hành vi gian dối hay trốn tránh trách nhiệm, có hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ trái phép số tiền quỹ bảo trì thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy vậy, trên thực tế chưa có vụ việc nào bị xử lý hình sự.
Do đó, việc thành phố sẽ ra quyết định cưỡng chế đối với chủ đầu tư cố tình dây dưa, không thực hiện bàn giao quỹ bảo trì có lẽ là cách hữu hiệu và khả thi nhất tại thời điểm này, khiến cư dân các chung cư tại Hà Nội an tâm hơn. Mong rằng, biện pháp này sẽ sớm được thực thi nghiêm túc trong thực tế chứ không phải chỉ là “lời nói, gió bay”.
Anh Nguyễn Quang Hưng - (Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội)
DiaOcOnline.vn - Theo ANTĐ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: