Top

Chuyên gia Hong Kong la làng về chất lượng cầu vượt biển Trung Quốc

Cập nhật 06/04/2018 09:57

Các chuyên gia Hong Kong nêu quan ngại về sự an toàn của cầu vượt biển Hong Kong - Chu Hải - Macau sau khi xuất hiện hình ảnh cho thấy các khối bê tông chắn quanh một đảo nhân tạo trong dự án bị nước biển cuốn trôi.

Những khối bê tông "xương thú" che chắn quanh một đảo nhân tạo trong dự án cầu vượt biển trôi dạt nằm ngang, nằm dọc - Ảnh chụp màn hình SCMP

Những ngày qua, người dân Trung Quốc và cả giới quan sát bên ngoài không khỏi tò mò về cây cầu vượt biển dài nhất thế giới nối ba thành phố lớn Hong Kong – Chu Hải – Macau, khi Bắc Kinh cho biết công trình này sẽ được khánh thành trong năm nay.

Cây cầu vượt biển này dài 55km, chạy qua 2 đảo nhân tạo được xây dựng ở các khu vực cạn thuộc cửa sông Châu Giang. Nằm giữa 2 đảo nhân tạo này là một đoạn hầm ngầm dưới biển dài 6,7 km.

Tuy nhiên, các hình ảnh chụp từ trên không gần đây cho thấy những khối bê tông chắn nước được đặt quanh một đảo nhân tạo trong dự án này dường như bị nước biển cuốn trôi, theo báo South China Morning Post của Hong Kong ngày 5-4.

Những khối bê tông này màu trắng, thường được gọi là "xương thú" vì hình dạng của chúng. Ảnh chụp cho thấy các khối bê tông cái chìm cái nổi, nằm ngang nằm dọc.

Lên tiếng trước thông tin này, Cơ quan quản lý dự án cầu vượt biển Hong Kong - Chu Hải - Macau giải thích rằng các khối bê tông trên được thiết kế đặc biệt để chìm nổi theo "cách ngẫu nhiên".

Họ giải thích rằng vì đảo nhân tạo trên liên kết với một hầm ngầm nên sự tập trung quá nhiều của "xương thú" sẽ gây áp lực lên đảo.

Trong tuyên bố đưa ra, cơ quan trên cho biết nhà thầu đã thi công dự án đúng như bản thiết kế. Và thiết kế này đã được xem xét kỹ lưỡng thì mới được phê duyệt, vì đáp ứng các tiêu chuẩn theo yêu cầu.

Cơ quan trên cho biết thêm địa điểm xây cây cầu vượt biển dài 55km đã bị tàn phá nặng do cơn bão Hato hồi năm ngoái.


Bản đồ của SCMP mô tả cây cầu vượt biển Hong Kong - Chu Hải (Zhuhai) - Macau. Hình chữ nhật màu đỏ là đảo nhân tạo, đường đứt khúc màu đỏ là hầm ngầm dưới biển.

Tuy nhiên, các chuyên gia Hong Kong nhận định lời giải thích trên chưa đủ thuyết phục.

Họ nói rằng các hình ảnh trên cho thấy những khối bê tông trắng không thể bảo vệ 2 đảo nhân tạo và sóng biển trong điều kiện thời tiết xấu có khả năng sẽ khiến đê biển bị hư hại nặng.

Kỹ sư Ngai Hok Yan cho biết ông có nhiều nghi ngờ đối với lời giải thích của cơ quan quản lý dự án cầu vượt biển. Ông đặt nghi vấn liệu chỉ một lớp bê tông chắn biển như vậy có đủ bảo vệ các điểm nối giữa đường hầm với đảo nhân tạo hay không.

"Đúng tiêu chuẩn là phải ít nhất 2 lớp bê tông chắn nước" - ông Yan giải thích.

Đồng thời, mỗi khối bê tông chắn nước nặng chỉ 5 tấn, trong khi khối lượng mỗi "xương thú" tại khu vực High Island Reservoir của Hong Kong là 25 tấn.

"Đường hầm có thể bị tách rời và trôi dạt trên biển với những rạn nứt và rò rỉ. Trong trường hợp đó, đường hầm này coi như kết thúc và cây cầu vượt biển cũng vậy!" - kỹ sư Yan cảnh báo.

Vị kỹ sư kêu gọi chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong hiện cần có trách nhiệm nắm rõ ngọn ngành thông tin từ cơ quan quản lý dự án trên để đảm bảo cây cầu vượt biển dài nhất thế giới này có thể đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn.

Một kỹ sự khác tên Albert Lai Kwong Tak cũng đánh giá lời giải thích của Trung Quốc "không hợp lý". Ông cho rằng thậm chí nếu cần phân bổ các khối bê tông để gây áp lực, thì đáng lẽ đảo nhân tạo trên phải nhỏ hơn.

Để xây dựng cầu vượt biển Hong Kong - Chu Hải - Macau, đơn vị thi công đã sử dụng 420.000 tấn thép và 1,08 triệu m3 xi măng. Số thép này đủ để xây dựng 60 tháp Eiffel của Pháp.

Cây cầu hình chữ Y này khởi công từ năm 2009. Khi được thông xe trong năm nay, dự kiến có 40.000 phương tiện sẽ di chuyển trên cây cầu mỗi ngày.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ