Top

Giá đất Đà Nẵng sốt bỏng tay

Cập nhật 06/04/2018 09:51

Dòng tiền ngoại tỉnh đổ về Đà Nẵng đầu tư bất động sản tăng mạnh khiến thị trường nóng bỏng tay.

“Cách đây chục ngày tôi bán miếng đất 100 m2 góc Hoàng Sa-Nguyễn Huy Chương với giá 22 tỉ, vậy mà giờ chủ mới đã bán lại cho người khác với giá 27 tỉ. Nhìn họ lời 5 tỉ dễ như trở bàn tay mà tiếc đứt ruột” - ông Dương Minh Thành (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) tiếc rẻ nói với Pháp Luật TP.HCM.

Giá đất tăng từng ngày

Ông Thành cho hay khoảng một năm nay thường xuyên được các cò đất gạ gẫm, ngã giá. “Tôi tiếp cò đất không biết bao nhiêu mà kể nhưng trước đây họ chỉ trả cỡ 10 tỉ. Gia đình ở nước ngoài hết nên tôi cũng không gấp, cứ chờ được giá rồi bán. Mới rồi họ ngã giá đến 22 tỉ, tôi nghe hoảng hồn nên… bán ngay” - ông Thành nói.

Tương tự ông Thành, nhiều người vốn rặt ngư dân bao đời nay ở quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn bỗng chốc đổi đời khi bán miếng đất hương hỏa thu về hàng chục tỉ. Có người nói vui họ gặp và nói chuyện với cò đất nhiều hơn với người thân trong nhà.

Đất ven biển phía Đông Đà Nẵng đang chạm ngưỡng 300 triệu đồng/m2. Ảnh: TẤN VIỆT

Dạo một vòng phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn), chúng tôi thấy biển bán đất treo nhan nhản. Ghé vào quán cà phê nào dọc phố An Thượng, câu chuyện được nghe nhiều nhất cũng là giá đất. Sở dĩ vậy vì khu vực này đang được quy hoạch thành khu chợ đêm, phố Tây đầu tiên tại Đà Nẵng.

Bà Hòa (trú đường An Thượng 26) khi nghe PV hỏi mua đất liền nói nhanh: “Căn nhà này hai tầng, diện tích xây dựng 142 m2, chị mua trước Tết với giá 12 tỉ. Nhưng giờ giá lên cao lắm, em mua nhanh thì chị để lại 16,5 tỉ. Không đặt cọc sớm là mất phần”. Thấy PV sốc với mức giá trên, người này trấn an: “Em yên tâm, giá còn lên cao nữa. Giờ em mua rồi vài ngày nữa bán lại cho mấy nhà đầu tư ngoài Bắc vô, khoảng 20 tỉ họ hốt liền. Mấy người đó gom đất dữ lắm”.

Khảo sát tại một số sàn giao dịch bất động sản (BĐS) tại Đà Nẵng, giá đất phía Đông, Nam, Tây Bắc TP tăng từng ngày. Chỉ riêng ba tháng đầu năm 2018, giá đất nền nhiều khu vực tăng tới 40%-50%. Cá biệt những vị trí như khu phố An Thượng, xung quanh tổ hợp giải trí Cocobay, Hòa Xuân hay trước Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu… giá đất tăng gấp đôi, tùy mặt tiền. Đạt đỉnh là đất ven biển đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp có đoạn đến 300 triệu đồng/m2.

Thấy giá đất quá sốt, nhiều người đổ xô đi làm cò đất. Vừa học xong đại học, chị Phạm Thị Ngọc (ngụ phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) bây giờ ngày ngày cắm mặt vào smartphone đăng tin bán đất. Theo chị, nhiều đầu nậu đang nhờ lực lượng sinh viên bán hàng online chuyển sang rao bán đất giúp họ. Càng nhiều người rao càng tốt.

“Mới hôm trước tôi môi giới cho một ông khách người Nam Định mua căn nhà 80 m2 đường Châu Thị Vĩnh Tế, phường Khuê Mỹ giá 9 tỉ, thanh toán xong họ cho 30 triệu. Cầm tiền mà tay còn run” - chị Ngọc nói.

Cẩn thận với giá ảo

Theo các chuyên gia BĐS, việc giá đất xung quanh một dự án mới tăng cao là điều dễ hiểu, tuy nhiên nhiều người lại đang mắc lừa chiêu trò “thổi giá” của các nhóm cò đất.

Ông An Bình, trưởng phòng marketing một công ty BĐS tại Đà Nẵng, phân tích: Thời gian gần đây xuất hiện các nhóm cò đất 5-7 người. Họ góp tiền mua chung nhiều lô đất, sau đó đẩy giá lên cao bằng cách mua đi bán lại. “Ví dụ, người A bán cho người B giá 1 tỉ đồng, người B bán cho người C giá 1,1 tỉ đồng…, cứ thế trong nhóm tự mua bán với nhau trên giấy tờ. Khi giá lên 2 tỉ đồng thì họ bán cho người ngoài rồi ôm tiền lời chia nhau theo tỉ lệ vốn bỏ ra” - ông Bình nói.

Chị Mai Chi, nhân viên kinh doanh của một doanh nghiệp BĐS có tiếng tại Đà Nẵng, cũng cho rằng các chiêu “tung hỏa mù” của cò đất khiến giá toàn TP nóng theo. Người chịu thiệt là người cuối cùng sở hữu miếng đất khi bong bóng BĐS bắt đầu xì hơi. “Người có nhu cầu mua đất ở thật sự thì giờ không phải lúc vung tiền. Bong bóng BĐS Đà Nẵng vỡ tung chỉ là chuyện sớm muộn” - chị Mai Chi quả quyết.

Không dễ vay tiền đầu tư bất động sản

Ông Đinh Xuân Nha (Giám đốc VietinBank Chi nhánh Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cho hay: Sau quyết định siết chặt dòng tiền đổ vào BĐS của Ngân hàng Nhà nước, việc cho vay được kiểm soát chặt. Tuy vậy, việc này không ảnh hưởng đến cơn sốt đất tại Đà Nẵng.

“Muốn vay tiền đầu tư một dự án BĐS cần rất nhiều quy trình, thủ tục chứ đâu phải dễ. Ngân hàng sẽ kiểm tra, thẩm định dự án rất kỹ, xem xét khả năng trả nợ của người vay, nguồn tiền nào để trả nợ... Các doanh nghiệp BĐS tại Đà Nẵng hầu như không vay mà làm môi giới là chủ yếu. Khách hàng của họ đa phần từ miền Bắc, mang tiền vào mua đất nền” - ông Nha phân tích.

                      __________________________

Thị trường BĐS Đà Nẵng đang trong giai đoạn nóng khác thường, cầu nhiều nhưng nguồn cung rất hạn chế. Nhà đầu tư thấy kiểu lướt sóng thị trường lợi nhiều nên ưu tiên. Điều này làm cho nhu cầu mua bán BĐS tăng nhanh. Nhưng phải nhìn nhận đây là cầu thật sự (mua để ở - PV) hay cầu đầu tư. Nếu không phải cầu thật sự thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường BĐS.

Do giá nhà đất của Đà Nẵng đang rất bất thường nên người có nhu cầu an cư thật sự nên cân nhắc thật kỹ. Đất nền quá sốt thì có thể tạm thời mua chung cư để ở. Sau này khi thị trường ổn định lại thì tính tiếp.

Ông ĐÀM QUANG TUẤN, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đà Nẵng


DiaOcOnline.vn - Theo PLO